SME Việt Nam: Số hóa hay trở nên "vô hình"?

06/06/2016 05:01

Đại diện Google chỉ ra rằng chậm trễ trong việc số hóa khiến các SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV) gần như vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới trực tuyến.

SME Việt Nam: Số hóa hay trở nên

Đại diện Google chỉ ra rằng chậm trễ trong việc số hóa khiến các SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV) gần như vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới trực tuyến, bỏ lỡ cơ hội có thể tăng doanh số bán hàng lên 4 lần so với đối thủ cạnh tranh.

Số liệu từ Google cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến lớn thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 52 triệu người kết nối trực tuyến.

Có tới 55% người Việt sở hữu smartphone và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Người Việt Nam dùng điện thoại di động cho nhiều hoạt động khác nhau, từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng...

60% DN khó ứng dụng công nghệ thông tin

Tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: DNNVV Việt Nam đã sẵn sàng”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự tích hợp hai làn sóng là đổi mới, cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số.

Đối với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại còn DN nhỏ thì đang lớn lên. Công nghệ số không chỉ tạo nên nền tảng về sự bình đẳng cho DN lớn và DN nhỏ trong việc tiếp cận tri thức và tiếp cận khách hàng, mà còn tạo ra một thế hệ DN có vốn nhỏ nhưng trí tuệ lớn, một thế hệ kinh doanh mới.

Hiện, Việt Nam có khoảng 98% DNNVV, đóng góp 51% tổng số việc làm và 40% GDP. Internet sẽ mở ra cơ hội cực kỳ rộng lớn cho họ, vượt khỏi biên giới Việt Nam.

Ông Kevin O’Kane - Giám đốc phụ trách mảng DNNVV của Google châu Á - Thái Bình Dương, đưa ra dẫn chứng: Nhờ công nghệ số mà cá kho làng Vũ Đại được bán trên khắp cả nước và đưa ra thế giới, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo nên sự thịnh vượng cho cả làng.

Tuy nhiên, theo ông Kevin, dù thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ viễn thông và điện thoại di động cao nhất khu vực và thế giới, nhưng phần lớn các DNNVV của Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại đi động. Thậm chí chưa triển khai thương mại điện tử (TMĐT).

Theo khảo sát của VCCI, năm 2015, có khoảng 95% DN Việt Nam sử dụng internet, nhưng có tới 60% DN gặp khó khăn trong việc ứng dụng internet. Hiện, Việt Nam đứng thứ 85/143 nền kinh tế về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số.

Cũng theo một đại diện khác của Google, bà Tammy Phan - Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC, do số đông các DN đang thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến, thậm chí có DN cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí, các DN còn thiếu cả cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ. Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt và lo lắng về vấn đề bảo mật cũng là những thách thức cản trở việc số hóa của các DNNVV Việt Nam.

Xây dựng cơ hội, tạo đột phá

Theo các chuyên gia, để các DNNVV trở thành chủ đạo trong nền kinh tế số cần xây dựng được một khuôn khổ pháp lý nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của TMĐT.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lộc cho hay: “Chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ mới với những đột phá về thể chế cũng như sự hỗ trợ các DN bước vào kinh tế số, sẽ trở thành một Chính phủ tạo lập nền tảng cho nền kinh tế số ở Việt Nam”.

Còn theo bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DNNVV (Bộ KH&ĐT), trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo, nhiều giải pháp hỗ trợ DN phát triển TMĐT đã được đưa vào như đào tạo online, hỗ trợ khởi nghiệp, hội nhập điện tử...

Thực tế từ năm 2015, Chính phủ đã có nghị quyết về Chính phủ điện tử, trong đó có yêu cầu DN cũng phải điện tử hóa để kết nối Chính phủ. Thậm chí, ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam.

Theo đó, sẽ ưu đãi thuế đối với DN sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản phẩm CNTT trọng điểm..., dự kiến giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, công của người hoạt động, nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực CNTT, dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT...

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: “Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, Bộ KH&CN cũng đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Những công việc này theo Nghị quyết sẽ được hoàn thành vào tháng 8 tới. Như vậy, DN sẽ được hỗ trợ để phát triển khoa học công nghệ và TMĐT nhiều hơn”.

>Khi nông nghiệp "ngại" công nghệ

>Những dân chơi công nghệ trở thành doanh nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SME Việt Nam: Số hóa hay trở nên "vô hình"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO