Sản phẩm công nghệ "made in Vietnam": Sắt mài có thành kim?

VIẾT LĨNH| 02/07/2014 04:24

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng để ra mắt những sản phẩm công nghệ "made in Vietnam" cho dù chưa có một thành công đáng kể nào để khích lệ.

Sản phẩm công nghệ

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn tiếp tục cố gắng để ra mắt những sản phẩm công nghệ "made in Vietnam" cho dù chưa có một thành công đáng kể nào để khích lệ.

Đọc E-paper

Tablet mang tên ROSA do Công ty Viết Sơn tung ra thị trường gần đây được quảng bá là tablet "made in Vietnam". Dù có sự hiện diện của Microsoft nhưng dư luận vẫn đặt hai thắc mắc về sản phẩm công nghệ này: Một là, liệu đây có phải thực sự là hàng "made in Vietnam" hay nhập từ nước khác rồi về gắn mác Việt Nam? Hai là, liệu sản phẩm công nghệ này có sống sót nổi trong một thị trường tablet giá rẻ tràn ngập?

Trước đó, một số DN Việt Nam như Hanel, Công ty Máy tính CMS (thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) cũng lên kế hoạch sản xuất tablet và tiến tới thương mại hóa, nhưng sau những tuyên bố trên báo chí, cho đến nay cả hai cũng chưa có động thái mới nào khi phải đối mặt với bài toán khó: "Sản xuất ra máy tính rồi thì làm thế nào để thành công?".

>Đâu là bản sắc của hàng Made in Vietnam?
>Điện thoại Samsung “made in Vietnam”: 90% để xuất khẩu
>Đĩa bay 'made in Vietnam' xuất khẩu sang Nhật Bản
>Sẽ có nhà máy chip “Made in Vietnam”?
>Máy móc “Made in Vietnam”: Áo gấm đi đêm

"Khi ra mắt ROSA, Công ty Viết Sơn nhắm đến khả năng xây dựng một tablet thương hiệu Việt, tận dụng dịch vụ hậu mãi tốt để cạnh tranh với hàng Trung Quốc trôi nổi. Hoặc cũng có thể ROSA chỉ là cách để hợp thức hóa cho một dự án trong nước nào đó”, một nhà phân tích thị trường nhận định.

Rõ ràng, dù chật vật nhưng các công ty công nghệ Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm ra ngách phù hợp với năng lực và xu hướng của thị trường để có những sản phẩm cạnh tranh. "Theo tôi, trong chuỗi giá trị làm ra chiếc tablet thì các giá trị gia tăng của các DN Việt Nam không nên nằm ở chỗ đi nhặt các linh kiện về rồi lắp ra sản phẩm từ A- Z.

Và cũng không thể đầu tư một dây chuyền hoàn chỉnh để sản xuất, như thế sẽ mất rất nhiều thời gian, tốn kém và chưa chắc đã thành công. Mình sẽ lựa chọn một vài công đoạn mà có giá trị đáp ứng được nhu cầu cho người Việt nhiều hơn, để rồi kết hợp với đối tác về hệ điều hành, ứng dụng", đại diện của CMS chia sẻ với báo chí. Đây chính là hướng đi mà FPT đang theo đuổi với các mẫu smartphone thương hiệu FPT với kho nội dung Fstore.

Bài học của smartphone "made in Vietnam" có thể cũng là bài học cho các nhà sản xuất tablet hay bất cứ sản phẩm điện tử nào của Việt Nam. Năm 2009 và 2010 được xem là thời điểm "bùng nổ” của các nhà sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt với sự ra đời của nhiều hãng như Q-Mobile, Bluefone... nhắm vào phân khúc giá rẻ. Kế tiếp là hàng loạt thương hiệu Việt khác ra đời như Mobell, MobiStar, F-Mobile...

Tuy nhiên, đến nay, các dòng điện thoại gắn mác Việt này không còn chỗ đứng trước hàng giá rẻ như Gionee, Xiaomi, ASUS, TCL, Tianyu, Oppo và BBK... "Việc gia công điện thoại ở Trung Quốc rồi gán nhãn Việt Nam xem ra đã hết thời làm ăn. Còn sản xuất và lắp ráp toàn bộ tại Việt Nam vẫn là một chặng đường còn rất dài để đánh giá hiệu quả”, một chuyên gia thị trường nhận định.

Thực tế, gọi là smartphone thương hiệu Việt nhưng thực chất DN trong nước chỉ sản xuất được chưa tới 1% giá trị chiếc điện thoại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Vina, từng nhận định, Việt Nam thiếu hẳn nền tảng công nghiệp cơ bản về điện tử - viễn thông.

DN Việt Nam có khả năng tham gia thiết kế, sản xuất nhỏ trong một công đoạn đơn giản nào đó nhưng để thiết kế một sản phẩm hoàn chỉnh, nhất là có hàm lượng công nghệ cao như điện thoại di động thì chưa đủ khả năng và kinh nghiệm.

Smartphone Vivas Lotus S1 do VNPT đầu tư đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Hay Tập đoàn Viettel công bố chiếc điện thoại di động Sumo 2G V6206 đầu tiên tự sản xuất trên dây chuyền của mình, cũng đánh dấu bước tiến mới của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị viễn thông.

Mới đây, Công ty BKAV tung ra thị trường SmartHome "made in Vietnam" sau hơn 10 năm thử nghiệm. Hay Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển CMC (CIRD) với vốn hoạt động lên tới 100 tỷ đồng để tăng hiệu quả nghiên cứu công nghệ riêng của Tập đoàn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện các nhà máy Samsung, Nokia hay LG quy mô lớn tại Việt Nam mang lại hy vọng về một ngành công nghiệp điện tử - viễn thông cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, đây chỉ là bước khởi đầu và chặng đường xây dựng ngành công nghiệp điện thoại trong nước còn rất dài. Ngay cả việc sản xuất điện thoại của Viettel cũng đang gặp khó do phải nhập tới 70% linh kiện, với thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện từ 15 đến 25%.

Trong đó, nhiều linh kiện quan trọng mà trong nước chưa tự sản xuất được, đang có mức thuế nhập khẩu cao như: motor rung (25%), pin (20%), các đầu nối (15%), khối micro (15%)... Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%. Mức thuế ấy khiến sản phẩm do các DN trong nước sản xuất có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc từ nước ngoài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản phẩm công nghệ "made in Vietnam": Sắt mài có thành kim?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO