Rẽ sang ngành hàng mới, doanh nghiệp Việt quá lạc quan?

LỮ Ý NHI| 12/05/2017 08:32

Thị trường ở một số lĩnh vực đã ở ngưỡng bão hòa nên trước sức ép phải gia tăng doanh số, lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã rẽ sang một ngành hàng mới với những tính toán lạc quan.

Rẽ sang ngành hàng mới, doanh nghiệp Việt quá lạc quan?

Có thể nói, một trào lưu mở hướng kinh doanh sang lĩnh vực mới đang diễn ra. Hàng loạt doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế dẫn đầu ở lĩnh vực kinh doanh của mình, mới đây lại hướng mục tiêu kinh doanh sang những lĩnh vực mới, có khi hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực kinh doanh truyền thống của họ.

Đọc E-paper

Với chiến lược này, liệu họ có tránh khỏi "sa lầy" như từng xảy ra đối với những doanh nghiệp đầu tư đa ngành?

Thị trường ở một số lĩnh vực đã ở ngưỡng bão hòa nên trước sức ép phải gia tăng doanh số, lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp (DN) đã rẽ sang một ngành hàng mới với những tính toán lạc quan.

Cuối tháng 3/2017, không ít người quan tâm đến Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) bất ngờ khi thông tin MWG sẽ bán thuốc tây và vé số Vietlott được tiết lộ.

Theo báo cáo tại đại hội cổ đông 2017, MWG khẳng định: "Mảng điện máy và điện thoại di động đang là lĩnh vực mang lại lợi nhuận tốt nhất cho Công ty". Thế nhưng, dư địa tăng trưởng bán lẻ điện thoại di động vẫn chưa phải là mảng sáng cho MWG khi thị trường này được dự báo đang dần tiệm cận điểm bão hòa.

Trả lời phỏng vấn báo chí năm ngoái, Chủ tịch HĐQT và người đồng sáng lập MWG Nguyễn Đức Tài thừa nhận: "Biên lợi nhuận của các cửa hàng bán điện thoại dù tiếp tục tăng nhưng trong những năm tới sẽ không đáng kể”. Đó chính là lý do MWG phải có chiến lược mới: kinh doanh dược phẩm và vé số.

Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh của MWG, năm 2016, doanh thu chuỗi bán lẻ di động - Thegioididong.com tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng lại đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2016, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng chỉ còn 32,5 tỷ đồng, giảm khoảng 30% so với năm 2014. Tương tự, chuỗi Bách hóa Xanh đạt doanh thu 200 - 300 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có lợi nhuận và còn khá nhỏ.

Vì vậy, năm 2017, song hành với chiến lược "tối ưu hóa doanh thu trên từng điểm bán", MWG sẽ chi 500 tỷ đồng cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ và nâng danh mục hàng hóa lên khoảng 1.600 mặt hàng. Trong đó, MWG hướng đến thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm vì cho rằng thuốc tây là một trong những lĩnh vực tiềm năng.

Không chỉ phân phối dược phẩm, MWG cũng có ý định thử nghiệm bán vé số Vietlott tại 3 cửa hàng Bách hóa Xanh.

>>3 quan điểm hình thành chiến lược kinh doanh

Trung tuần tháng 3/2017, Công ty CP Thế giới số - Digiworld (DGW) công bố "bước ra khỏi vùng an toàn" là phân phối sản phẩm công nghệ để "lấn sân" sang ngành hàng chăm sóc sức khỏe với kỳ vọng sẽ có lãi vào năm 2018. Đồng thời, DGW đặt mục tiêu ngành hàng chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trưởng 100% mỗi năm và đến 2020 đạt doanh thu 600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của DGW, đây là ngành hàng rất tiềm năng, nhu cầu của thị trường tốt và triển vọng bởi người dân có thu nhập ngày càng cao sẽ có nhu cầu cao về bảo vệ sức khỏe. Theo ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DGW, khách hàng tiềm năng của Công ty là những người có thu nhập trung bình, năm 2012 là 12 triệu người và dự kiến tăng lên 33 triệu vào năm 2020.

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng xác định, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển thành một ngành kinh tế - y tế mũi nhọn.

Theo hiệp hội này, đến năm 2020, người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên sẽ từ 43% như hiện nay tăng lên khoảng 70%. Với những con số tiềm năng này, ngành hàng thực phẩm chức năng được xem là hướng đi chiến lược và cũng là phép thử để DGW tiến tới những tính toán lớn hơn, đó là dần dần tiến sâu vào mảng phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh.

>>[Infographic] FMCG: Tăng trưởng nhờ sản phẩm mới

Năm 2016, mặc dù doanh thu thuần của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) đã tăng 41,4% nhưng chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông 2017, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành Masan Group vẫn cho rằng: "Masan cần phải tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020 và vốn hóa đạt 20 tỷ USD, tương đương với khoảng 10% GDP".

Tuy nhiên, năm 2016, trong cơ cấu doanh thu của Masan Group, Masan Consumer (Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan), mảng mì gói sụt giảm mạnh. Để đối phó với tình trạng ấy, Masan đang tạo ra giá trị mới cho ngành hàng mì gói bằng cách đưa thịt vào mì ăn liền. Mặt khác, năm 2017, Masan cũng đặt chân vào ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt.

Theo ông Quang, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả giá gấp đôi để mua thịt heo so với người Mỹ, trong khi thu nhập đầu người tại Mỹ lại cao gấp 10 lần so với Việt Nam.

Thị trường thịt tại Việt Nam với trị giá ước tính khoảng 18 tỷ USD, thịt chế biến đóng góp ít hơn 1% tổng mức tiêu thụ thịt, thấp hơn nhiều so với nhiều nước châu Á khác, chẳng hạn Trung Quốc có tỷ lệ 13%. Khi thu nhập tăng, nhu cầu đạm động vật tại Việt Nam cũng tăng theo sẽ dẫn đến xu hướng tiêu dùng chuyển sang các loại thịt đóng gói. Đó là điều kiện cho các đơn vị dẫn đầu, trong đó Masan có thể xác lập vị thế.

>>Thịt nhân tạo từ... rau

Không có lợi thế chuỗi cửa hàng để bán sản phẩm như DGW và MWG, nhưng Vinasun lại có lợi thế khác, đó là "đội quân" taxi hơn 6.000 chiếc. Chính vì vậy, Vinasun đã áp dụng mô hình bán bưởi trên taxi. Cụ thể, trên mỗi taxi treo túi bưởi gồm 2 trái mang nhãn hiệu Tam Tân - tên nông trại của ông chủ Vinasun Đặng Phước Thành, được bán với giá 64.000 đồng một ký.

Ngay khi mô hình bán bưởi trên taxi của Vinasun được áp dụng, nhiều suy đoán cho rằng Vinasun đang làm phép thử cho một mô hình kinh doanh mới: tiến sâu vào lĩnh vực bán hàng hoặc giao nhận đón đầu xu hướng mua bán thương mại điện tử đang tăng với mức 20 - 25%/năm. Tuy nhiên, đại diện của Vinasun khẳng định, trước mắt, mục đích khi bán bưởi trên xe chỉ nhằm tăng thu nhập cho tài xế trong tình cảnh Vinasun đang bị các hãng Uber và Grab "lấn sân". Tài xế bán được bưởi sẽ hưởng 20% số tiền.

Tuy chỉ là mô hình thử nghiệm tại TP.HCM, nhưng nếu nhận được sự phản hồi tốt từ khách hàng cũng như tài xế, Vinasun sẽ bán quýt đường, cam sành... Không loại trừ khả năng Vinasun sẽ hướng đến kinh doanh giao nhận hàng hóa với lợi thế khó có đối thủ nào có được khi mô hình này đòi hỏi tính trách nhiệm cao cũng như kiểm soát được lý lịch của người giao hàng.

>>Doanh nghiệp Việt "biến hóa" cách bán sản phẩm

Đang bán mảng TV LED và TV thông minh với mức tiêu thụ hơn 180.000 chiếc từ đầu năm đến nay, nhưng Công ty CP Điện tử Asanzo lại quyết định đầu tư khoảng 2 triệu USD để bước vào thị trường smartphone vốn đang rất "khắc nghiệt" cho những thương hiệu mới, trong đó có điện thoại thông minh "made in Vietnam", với lý do "cảm thấy thương hiệu Asanzo không theo kịp nhiều công nghệ mới".

Tuy chỉ là bước thử nghiệm nhưng việc chuyển hướng này của Asanzo cũng khiến nhiều người quan tâm. Một là thị trường điện thoại đang bão hòa, hai là chi phí cho quảng cáo, marketing cho một thương hiệu điện thoại mới đòi hỏi phải có nội lực rất mạnh.

Thực tế cho thấy, không ít thương hiệu điện thoại từng được xem là có "số má" ở một vài thị trường nhưng khi vào Việt Nam lại phải ra đi, vài thương hiệu điện thoại Việt Nam cũng đã biến mất trên thị trường.

Song, niềm tin của Asanzo là đã tạo được một thương hiệu Việt trong mảng TV và vẫn "sống khỏe" trong một thị trường cũng cạnh tranh khắc nghiệt không kém thì với điện thoại vẫn có thể tạo niềm tin với nhóm khách hàng hiện có với chiến lược giá cạnh tranh, thiết kế đẹp, chất lượng và dịch vụ tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rẽ sang ngành hàng mới, doanh nghiệp Việt quá lạc quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO