Phát triển ngành tơ lụa: Cần thay đổi thói quen sản xuất

ĐỖ PHƯỚC TIẾN| 08/02/2016 06:27

Vấn đề của ngành tơ lụa Việt Nam hiện nay là phải thay đổi các thói quen cũng như quan điểm chăm sóc tằm.

Phát triển ngành tơ lụa: Cần thay đổi thói quen sản xuất

Vấn đề của ngành tơ lụa Việt Nam hiện nay là thay đổi các thói quen cũng như quan điểm chăm sóc tằm.

Đọc E-paper

Đũi là một loại lụa tơ tằm, thô mộc, tự nhiên, mang nét sang trọng nhưng không cầu kỳ. Cảm giác rất thoải mái khi mặc trang phục may bằng đũi: nhẹ nhàng, không dính vào người, không tích điện, không thô ráp như vải bố.

Đầu thế kỷ XVII, những thương nhân Nhật Bản buôn bán với Đàng Trong của Việt Nam mang về Nhật nhiều đũi và xem như một loại vải quý hiếm. Liên tục trong mấy thế kỷ sau đó, liễu điều bố (tên tiếng Nhật của đũi) được ưa chuộng tới mức ở miền Nam Tokyo đã hình thành những làng dệt đũi theo công nghệ du nhập từ Đàng Trong (dệt bằng loại thao càng trên máy dệt tay, khổ vải hẹp) và tồn tại cho tới bây giờ, thậm chí còn phát triển hơn nữa với kỹ thuật dệt bằng sợi bông mỗi khi nguồn tơ nguyên liệu gặp khó khăn.

Mấy chục năm nay, dù không ồn ào như một số mặt hàng nông sản khác, đũi vẫn được âm thầm xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ bởi những làng nghề ở Thái Bình, Hà Nam với mức kim ngạch tăng đều đặn, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất khi thị trường Đông Âu tan rã.

Khoảng năm, bảy năm nay, đũi đã được giới thời trang trong nước khai thác khi thực hiện những bộ sưu tập thời trang đắt tiền. Nó được xem như chất liệu thể hiện phong cách mới mẻ, hiện đại, dễ dàng tạo ra trang phục đẹp, lịch lãm, sang trọng mà vẫn tiện dụng.

Đũi chính là mặt hàng góp công lớn nhất trong việc có được chỗ đứng trên thị trường châu Á và một phần của thế giới, liên tục trong nhiều thế kỷ của các sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam. Trong bối cảnh nền công nghiệp tơ lụa thế giới dồn dập cải tiến, chỉ với những đặc tính của sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, đũi hứa hẹn sẽ là lựa chọn đúng đắn cho hành trình tồn tại của các làng nghề ươm tơ, dệt lụa trong nước.

Tại Lễ hội Tơ lụa thường niên tỉnh Khon Kaen (Thái Lan) hồi tháng 9/2015, đại diện Công ty Central Pattana - bà Chanika Sansuksawat - đã giới thiệu một loại tơ sợi to chưa qua nhuộm màu mà bà gọi là "raw silk" (tơ thô). Đây là loại nguyên liệu dùng để dệt đũi do những làng nghề thuộc 12 địa phương vùng Đông Bắc Thái Lan sản xuất và đã được chuẩn hóa về chất lượng.

"Nó dai hơn, bóng hơn và tất nhiên là mềm hơn so với trước - bà Chanika Sansuksawat nhấn mạnh - Trong tơ tằm có một số tạp chất ảnh hưởng đến độ bắt bóng nên cần phải tẩy bỏ chúng. Với những cải tiến mang tính đột phá về chất lượng, giá của nó đã được nâng lên đáng kể, khoảng gần 70 USD/kg, tức là gần xấp xỉ với giá nguyên liệu sản xuất lụa tơ tằm hạng nhất. Lụa tơ tằm đã là một mặt hàng đắt tiền thì sắp tới đũi cũng sẽ như thế. Vấn đề là phải chứng minh nó xứng đáng với đồng tiền bỏ ra".

>>Làng tơ lụa sống lại ở Hội An

Thật ra, nhu cầu cải thiện chất lượng đũi cũng như hạn chế phế phẩm thải ra môi trường đã xuất hiện từ rất sớm ở Việt Nam. Trước đó, để dệt đũi, phần lớn các làng nghề tận dụng loại tơ phế phẩm lấy ra từ công đoạn ươm tơ như gốc giũ (lớp vỏ ngoài của con kén), hoặc xác xả (lớp trong cùng), rồi xe lại gọi là thao càng. Vải đũi bề mặt thô ráp, ít chất tơ nên chỉ dành cho người lao động và giới bình dân.

Đầu thế kỷ XX, nghệ nhân nổi tiếng Lê Đồng Lợi của làng lụa Đông Yên (Quảng Nam) đã thành công trong việc tận dụng các loại kén xấu (kén mụ, kén ruồi, kén tan) ngay trong giai đoạn ươm. Các loại kén này được trộn với một phần kén tốt (kén chạy), khi ươm ra được sợi tơ lớn, thô, xoắn vào nhau, khi dệt trên mặt vải có những dợn sóng, màu sắc lóng lánh. Trong một thời gian dài, đũi Đông Yên đã từng là "mốt" thời thượng với biệt danh "lụa trắng", được dành để may veston cho những người khá giả.

Mấy chục năm trước, những nghệ nhân của làng dệt Nam Cao (Thái Bình) cũng có những đóng góp lớn cho ngành tơ lụa nước nhà khi nỗ lực biến những tổ kén già chỉ còn những lọn tơ ngắn thành những tấm đũi có giá trị kinh tế cao sau khi đã trải qua các công đoạn tẩy chuội, xe sợi, nhuộm màu.

Tuy nhiên, những thành công trong quá khứ vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự tồn tại của ngành sản xuất tơ lụa Việt Nam nói chung và đũi nói riêng, trong bối cảnh công nghiệp tơ lụa châu Á (chủ yếu của Trung Quốc, Ấn Độ) có những bước tiến thần kỳ, bỏ xa công nghệ sản xuất tơ lụa Đông Nam Á cả trăm năm. Đó là còn chưa đề cập tới những quốc gia sản xuất lụa hàng đầu thế giới như Đức, Ý.

Vấn đề của ngành tơ lụa Việt Nam hiện nay là nghiên cứu không khó, tập cho tằm quen với cách ăn mới cũng không khó vì chỉ cần thời gian và sự nhẫn nại, nhưng thay đổi các thói quen cũng như quan điểm chăm sóc tằm mới thật sự là thử thách.

Thái Lan là trường hợp dễ so sánh nhất. Quy trình của họ là tơ lụa, bao gồm cả đũi, phải được nhuộm trước khi dệt với lý do rất đơn giản: sợi tơ là một trong những sợi tự nhiên chắc nhất, nhưng khi ướt, độ bền chắc của nó giảm đến 20%. Trong khi đó, quy trình ở Việt Nam thì ngược lại, phần lớn là dệt thành vải rồi mới nhuộm. Khi được hỏi lý do, một vị lãnh đạo của một nhà máy dệt lụa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) trả lời ngắn gọn: "Thói quen thôi!".

Cũng chính do thói quen duy trì hàng trăm năm mà thợ dệt làng Tân Châu thường mang lãnh Mỹ A - "nữ hoàng của các loại tơ tằm", ra sông giặt vào lúc mờ sáng vì tin tưởng đặc điểm khoáng chất của con sông sẽ bảo đảm màu đen huyền diệu của lãnh không phai.

Phương thức sản xuất cha truyền con nối trong các làng nghề đã tạo ra lập luận "ăn chắc mặc bền" rằng: Một khuôn dệt với các họa tiết mới sẽ rất tốn kém, cần đầu tư nhiều công sức, trí lực mà tính rủi ro lại cao, vậy nên bao giờ có đủ điều kiện thì hẵng làm.

Và khi được hỏi tại sao không thử sản xuất lụa màu nhạt theo xu hướng đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay thì đại diện kinh doanh của một hộ sản xuất tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội) phản đối: "Lụa mà màu nhàn nhạt thì kỳ cục lắm! Từ đời ông cha đến nay đã ai làm thế đâu".

>>Khi ngành du lịch “ngỏ lời” với ngành thương mại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển ngành tơ lụa: Cần thay đổi thói quen sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO