Phát triển ngành du lịch: Cần xác định thế mạnh đặc trưng

TRẦN KÙ - SONG NAM| 03/08/2017 08:35

Quang cảnh đẹp, di sản độc đáo cùng với nền văn hóa lâu đời là những ưu thế nổi bật của sản phẩm du lịch Việt Nam.

Phát triển ngành du lịch: Cần xác định thế mạnh đặc trưng

Quang cảnh đẹp, di sản độc đáo cùng với nền văn hóa lâu đời là những ưu thế nổi bật của sản phẩm du lịch Việt Nam.

Đọc E-paper

Từ mốc đóng góp 6,8% GDP phải tăng lên 15% là sứ mệnh khó khăn mà ngành du lịch phải thực hiện. Hàng loạt giải pháp đang được ngành du lịch đặt ra nhằm đạt kế hoạch đó, từ quản lý chất lượng du lịch, phát huy tiềm năng trên những địa danh đến liên kết phát triển sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng không phải dễ bởi cách nghĩ, cách làm chưa thực sự đổi mới.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 2.772.932 lượt, tăng 14% so với 6 tháng đầu năm 2016, đạt 46% kế hoạch năm. Nhưng để đạt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, thành phố còn rất nhiều việc phải làm.

Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, năm trước, lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt hơn 5,2 triệu lượt, chiếm khoảng một nửa lượng khách quốc tế cả nước. Nhưng có một thực tế của ngành du lịch TP.HCM nhiều năm nay là du khách chỉ lưu trú một vài ngày vì không có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc để trải nghiệm. Vì thế, giải pháp nào để thu hút 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 là không đơn giản.

Chọn sản phẩm chiến lược

Thành phố hiện không thiếu sản phẩm du lịch, nhưng dường như mỗi cái một chút và chưa có sản phẩm nào thật đặc sắc. Trước tình hình ấy, đầu năm 2017, Sở Công Thương và Sở Du lịch TP.HCM đã ký kết hợp tác để phát triển dịch vụ thương mại và sản phẩm du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, 7 tháng qua, khi đặt lại việc triển khai thực hiện, đại diện Sở Công Thương cho biết, du khách quan tâm đến những sản phẩm thủ công nên hai bên đang xúc tiến với Hội Kim hoàn, Hội Da giày TP.HCM để đưa sản phẩm vào phục vụ du lịch.

Trong khi đó, nằm trong mục tiêu phát triển dịch vụ mua sắm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới (chợ du lịch, mô hình làng nghề thủ công mỹ nghệ, phố ẩm thực, lễ hội cuối tuần tại phố đi bộ), thực hiện chuyên đề (phố thời trang, phố đèn lồng, phố hàng mã, phố giày dép, phố áo dài, phố thuốc bắc, phố ẩm thực), hay khai thác các loại hình dịch vụ đặc thù, tìm kiếm những sản phẩm đặc trưng thì đến giờ vẫn còn ì ạch.

Nói về sản phẩm du lịch mũi nhọn, ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, Trưởng Ban Truyền thông và Sự kiện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Chúng ta mắc bệnh tham lam khi sản phẩm nào cũng cho là đặc trưng. Trong một số sản phẩm du lịch là thế mạnh thì nên chọn cái gì mạnh nhất để phát triển. Muốn làm được điều này thì phải tổ chức khảo sát du khách xem họ thích cái gì rồi mình xây dựng sản phẩm đường dài".

>>Vì sao ngành du lịch Việt Nam ngày càng thụt lùi?

Còn nhớ năm 2013, thành phố chọn du lịch đường sông để đột phá về phát triển sản phẩm du lịch, nhưng sau khi phát triển 7 tuyến tour kênh nội đô thì việc khai thác vẫn gặp nhiều khó khăn, cụ thể hiện nay tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chưa tạo ấn tượng cho du khách nước ngoài, còn du khách trong nước thì không phù hợp.

Ông Võ Quốc - chuyên viên ẩm thực đặt câu hỏi, với thế mạnh đa dạng, tươi ngon, giàu dinh dưỡng và tinh tế của ẩm thực Việt Nam, cũng như sự hội tụ nhiều món ngon của nước ngoài, tại sao chúng ta không đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực? Bởi đây có thể thu hút mọi đối tượng du khách từ ẩm thực cao cấp đến ẩm thực vùng miền, ẩm thực đường phố.

Ông cho biết: "Ở Singapore, chính quyền "chấm điểm" các nhà hàng, quán ăn theo độ ngon, độ nổi tiếng, giá cả, an toàn. Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch Singapore quảng bá những món ngon khi du khách đến đất nước họ. Họ còn tổ chức những lễ hội ẩm thực qui mô cả nước. Ngay cả lễ hội ẩm thực đường phố cũng được thực hiện một cách bài bản, hoành tráng và mời các chuyên gia ẩm thực các nước tham dự để quảng bá”.

Nhiều doanh nghiệp du lịch đồng tình với ý kiến đó và cho rằng, thành phố nên qui hoạch một số nhà hàng, quán ăn, khu vực ăn uống để doanh nghiệp du lịch đưa vào tour theo từng cụm, ví dụ tour ẩm thực vùng miền, tour khám phá ẩm thực truyền thống của người Hoa... với sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đầu tư đồng bộ

Trong việc chọn sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, theo ông Trần Văn Long, TP.HCM cần sự đầu tư đồng bộ và theo dõi, kiểm tra đến nơi đến chốn công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, từ ban hành chủ trương đến chi ngân sách, tổ chức các chiến dịch quảng bá quy mô xứng tầm cũng như kết nối chặt chẽ, đồng bộ các bộ phận có liên quan đến tổ chức, thực hiện.

Tránh tình trạng làm du lịch theo kiểu "cha chung không ai khóc". Ví dụ, chúng ta hô hào phát triển du lịch làng nghề, nhưng lại không có sự liên kết với các hiệp hội ngành nghề. Tay nghề về nữ trang bằng vàng, bạc, đá quý, chúng ta không thua kém nước nào, nhưng đến giờ chưa hình thành những điểm trưng bày sản phẩm thủ công tinh hoa để đưa khách đến tham quan, giới thiệu.

Nhìn lại du lịch TP.HCM, về bề nổi, có quảng bá, có chương trình xúc tiến, có các loại hình vui chơi, mua sắm, tham quan bảo tàng, ẩm thực, nhưng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chúng ta chưa xác định được sản phẩm du lịch trọng tâm cũng như định hướng đâu là điểm nhấn và ưu tiên tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước tiếp cận.

Ở nhiều nước làm việc này họ rất bài bản với sự hợp tác của các công ty du lịch. Ví dụ, ở Seoul, Hàn Quốc, họ chọn yếu tố lịch sử là điểm nhấn để thu hút du khách thì khi thiết kế tour đều tập trung tham quan bảo tàng, tham quan những di tích, trải nghiệm về ẩm thực truyền thống..., những điểm tham quan thành phố hay mua sắm chỉ là phụ.

Trở lại chuyện làm du lịch của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt chia sẻ, với những thế mạnh như có khoảng 1.000km sông, kênh, rạch, ngoài chức năng là đường thủy, còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm chiến lược.

Đặc biệt, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều đoạn rất đặc sắc, được kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương được qui hoạch là sản phẩm chiến lược trong các loại hình du lịch nhưng vẫn chưa phát triển mạnh. Phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân không phải nằm ở sản phẩm du lịch mà ở cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi chưa được xây dụng, môi trường cảnh quan bị ô nhiễm.

Không chỉ tìm điểm nhấn về sản phẩm du lịch, việc đầu tư để phát triển ngành du lịch cũng cần xem xét, trong đó phát triển hạ tầng giao thông để đem lại sự hài lòng cho du khách trong và nước ngoài không thể xem nhẹ. Theo các doanh nghiệp du lịch, đã đến lúc thành phố cần đặc biệt chú trọng xây dựng tầm nhìn về du lịch. Nếu không sớm xác định chiến lược tổng thể thì ngành du lịch khó trở thành ngành kinh tế quan trọng.

>>Du lịch Việt Nam: 6 điểm trừ trong mắt du khách quốc tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển ngành du lịch: Cần xác định thế mạnh đặc trưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO