Phát triển du lịch: Liên kết thôi chưa đủ

LỮ Ý NHI| 05/06/2015 04:35

Năm 2015, ngành du lịch phấn đấu đạt khoảng 8,5triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 270 ngàn tỷ đồng. Với mục tiêu này, các đơn vị du lịch Việt Nam đang tăng cường phối hợp liên kết với các đơn vị du lịch nước ngoài, với ngành hàng không và các ngành liên quan. Tín hiệu vui đã xuất hiện nhưng chưa đủ...

Phát triển du lịch: Liên kết thôi chưa đủ

Năm 2015, ngành du lịch phấn đấu đạt khoảng 8,5triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 270 ngàn tỷ đồng. Với mục tiêu này, các đơn vị du lịch Việt Nam đang tăng cường phối hợp liên kết với các đơn vị du lịch nước ngoài, với ngành hàng không và các ngành liên quan. Tín hiệu vui đã xuất hiện nhưng chưa đủ...

Đọc E-paper

Thêm máy bay, giảm giá vé

Liên tục từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không nội địa đua nhau đầu tư hàng tỷ USD để mua máy bay và mở các đường bay mới. Trong đó, Vietnam Airlines sẽ nhận 12 máy bay mới, gồm: 3 máy bay A321, 4 máy bay A350, 5 máy bay B787-9 trong năm 2015.

Trước đó, năm 2014, Vietjet Air đã nhận 2 chiếc máy bay mới và dự kiến trong khoảng thời gian 2015 - 2016 sẽ nhận tiếp 10 chiếc nữa. Jetstar Pacific cũng cho biết, hãng vừa nhận thêm 2 máy bay hiện đại Airbus A321.

Không chỉ vậy, các hãng hàng không còn chủ động phối hợp, liên kết với các Tổng cục Du lịch, công ty du lịch trong và ngoài nước để mở đường bay mới, kích cầu điểm đến. Đại diện của Vietnam Airlines, cho biết, Hãng sẽ đưa máy bay Boeing 787-9 và Airbus A350 vào khai thác trên đường bay giữa Việt Nam với Anh, Pháp, Đức.

Jetstar Pacific cũng đã khai trương các chuyến bay thẳng giữa TP.HCM - Tuy Hòa bằng máy bay phản lực tầm trung Airbus 320 với 180 chỗ ngồi. Trong khi đó, Vietjet Air đường bay mới TP.HCM - Chu Lai (Quảng Nam) với 4 chuyến mỗi tuần và đường bay Hải Phòng - Đà Nẵng.

Hãng còn hợp tác với ngành du lịch các nước Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... để giới thiệu điểm đến mới. Cụ thể, bay Hà Nội - Seoul sắp được mở và việc hợp tác với các công ty du lịch Hàn Quốc giới thiệu điểm đến Việt Nam cho khách Hàn Quốc và ngược lại đang chuẩn bị ký kết.

Ngoài việc có thêm nhiều đường bay, các hãng hàng không cũng tung ra nhiều chương trình giá vé rẻ. Trong năm 2014, Vietnam Airlines đã 16 lần đưa ra chương trình "Khoảnh khắc vàng", giảm 50% giá vé các chặng bay nội địa và quốc tế. Vietjet Air mở bán hàng nghìn vé rẻ từ 0 đồng, 19 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng... Jetstar Pacific cũng mở bán giá rẻ, vé 0 đồng.

Không chỉ các hãng hàng không mở đường bay mới mà các công ty du lịch cũng liên kết mở đường bay giới thiệu điểm đến mới như Công ty du lịch Vietravel phối hợp với Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) mở đường bay mới Cần Thơ - Đà Lạt - Cần Thơ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel, cho biết: "Vietravel tự vạch lộ tuyến, chương trình và đặt hàng cho Vasco thực hiện. Vietravel sẽ là nhà khai thác và Vasco là nhà vận chuyển. Cách làm này đang mở ra nhiều cơ hội đang cho các điểm đến ở Tây Nguyên, Đà Lạt, Cần Thơ”.

Thiếu sản phẩm mới

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết: "Sau khi mở đường bay Cần Thơ - Đà Lạt - Cần Thơ, lãnh đạo hai địa phương luôn tạo cơ hội cho Vietravel thực hiện đường bay thuận lợi, chúng tôi không chỉ đưa khách từ Đà Lạt đến Cần Thơ mà đang xây dựng tour từ các tỉnh phía Bắc vào Đà Lạt xuống Cần Thơ và từ Cần Thơ ra phía Bắc. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng chương trình du lịch "một điểm đến hai trải nghiệm".

Tuy nhiên, dù nỗ lực liên kết mở đường bay mới để kích cầu du lịch nhưng cái khó của các công ty lữ hành là hiện nay các điểm đến mới ở các địa phương vẫn còn đơn điệu, thiếu chính sách đồng bộ để kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khách như: giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao, đầu tư...

Việc xây dựng các điểm đến mới cũng như quy hoạch du lịch tại các tỉnh vẫn còn chậm và đơn điệu, không có sự khác biệt so với nhu cầu cũng như kỳ vọng của khách hàng.

Đơn cử như với Đà Lạt, đại diện Công ty du lịch Liang Biang (Đà Lạt), cho rằng: "Sở dĩ công ty chưa dám đầu tư nhiều vào đây để làm phong phú điểm đến cũng như đa dạng hóa sản phẩm du lịch vì chỉ được thuê khai thác ngắn hạn từng năm một".

Báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng cho thấy năm nào lượng khách cũng tăng 7-10% nhưng theo các đơn vị đầu tư du lịch tại Đà Lạt thì con số này chưa xứng với tiềm năng mà Đà Lạt đang có.

Hiện nay, do chưa có nhiều sự phối hợp cũng như chiến lược phát triển tổng thể du lịch một cách chi tiết nên các điểm đến Đà Lạt vẫn trùng lắp nhau, đơn thuần chỉ là tour cảnh quan, vườn hoa, cây cảnh.

Các sản phẩm du lịch đặc sắc mang văn hóa riêng như du lịch trải nghiệm, khám phá đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên chưa có và cũng chưa đầu tư định hướng các điểm đến theo các chuyên đề khác nhau. Và một thực tế không phủ nhận là các công ty du lịch cũng chưa chủ động khai thác khách quốc tế.

Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng cho rằng, mặc dù tỉnh có 46 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng chưa có đơn vị nào chủ động khai thác khách quốc tế, phần lớn khách nước ngoài đến đây là nhờ nối tour, tuyến với các địa phương khác nên du khách đến Đà Lạt lưu trú không nhiều.

Theo các chuyên gia du lịch, để gia tăng hiệu quả quảng bá, xúc tiến, các địa phương cần nhanh chóng nâng cao chất lượng điểm đến, đồng thời xây dựng các giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng quảng bá hình ảnh.

>Châu Á: thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới 

>Du lịch ASEAN: Không thể không liên kết

>Du lịch nhìn từ con phố tây

>Thương hiệu hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển du lịch: Liên kết thôi chưa đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO