Phân phối sản phẩm công nghệ: Thị phần bị thu nhỏ

LỮ Ý NHI| 12/05/2016 01:47

Một trong ba "ông lớn" trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam là FPT Trading vừa công bố kế hoạch thoái vốn làm dấy lên nghi ngờ phải chăng lĩnh vực này đã bắt đầu khó nhằn?

Phân phối sản phẩm công nghệ: Thị phần bị thu nhỏ

Một trong ba "ông lớn" trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam là Công ty TNHH Phân phối FPT (FPT Trading) vừa công bố kế hoạch thoái vốn làm dấy lên nghi ngờ phải chăng lĩnh vực này đã bắt đầu "khó nhằn"? Liệu hai doanh nghiệp (DN) còn lại là Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco - PET) và Công ty CP Thế giới số (Digiworld - DGW) có chiến lược kinh doanh mới? 

Đọc E-paper

Việc các hãng sản xuất sản phẩm công nghệ thay đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối trực tiếp khiến thị phần của 3 nhà phân phối lớn là FPT Trading, PET và DGW ngày càng nhỏ dần...

Trung tuần tháng 4, trên thị trường di động đã có cuộc tranh luận ồn ào giữa FPT Trading với Oppo Việt Nam, khi FPT Trading bất ngờ nhập lô hàng smartphone Oppo từ Đài Loan và bán rẻ hơn so với giá niêm yết tại các đại lý của Oppo Việt Nam.

Dù hai bên đều có những lý lẽ riêng, song sự kiện này đã minh chứng thị trường phân phối di động của các "ông lớn" đang đến hồi xuống dốc và phải cạnh tranh khốc liệt.

Thị phần điện thoại di động tại Việt Nam bấy lâu nay do 3 nhà phân phối là FPT Trading, DGW và PET chiếm giữ. Đây là những đơn vị nhập khẩu điện thoại rồi phân phối sỉ đến các đại lý như Thế giới di động, FPT Shop, Nguyễn Kim, Viễn thông A... Nhiều năm qua, thị trường luôn cạnh tranh nhưng cả ba nhà phân phối này vẫn giữ thế chân kiềng và liên tục đạt doanh thu khả quan.

Năm 2007 là thời hoàng kim của PSD (công ty con của PET) khi được chọn phân phối điện thoại Nokia. Năm 2011, PSD phân phối hơn 5,9 triệu điện thoại Nokia, doanh số 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận 134 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu của PET và những năm sau đó, PSD liên tục tăng trưởng và từng có giai đoạn nắm giữ trên 40% thị phần phân phối sản phẩm của Nokia tại Việt Nam.

Tương tự, năm 2014, iPhone đã đóng góp 23% trong tổng doanh thu phân phối điện thoại di động của FPT Trading, tăng 65% so với năm 2013. Còn máy tính bảng iPad đóng góp 14% trong tổng doanh thu phân phối sản phẩm công nghệ của DN này.

Thông tin từ một nhà phân phối cho biết, trong năm 2015, thị trường hàng điện tử Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó mảng điện thoại di động đạt mức cao nhất (gần 32%). Riêng trong quý IV/2015, doanh thu từ mặt hàng này lên tới gần 20 nghìn tỷ đồng và doanh thu cả năm 2015 là gần 66 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, điện thoại di động vẫn là nhóm sản phẩm tăng trưởng tốt, riêng smartphone sẽ đạt khoảng 19,4 triệu chiếc năm 2016 và tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm tới.

Mặc dù dư địa phát triển của thị trường di động vẫn được nhận định còn khả quan, ít nhất tới năm 2020 mới có xu hướng bão hòa, nhưng gần đây, việc các hãng di động chủ động mở rộng mạng lưới phân phối, trực tiếp chỉ định đại lý nhập hàng hoặc trực tiếp cung ứng sản phẩm đến các chuỗi đại lý khiến doanh thu của các nhà phân phối lớn của Việt Nam đã có những dự báo sẽ giảm sút.

Đó cũng là lý do khiến họ tìm cách giữ thị phần và doanh số. Đơn cử, khi FPT Trading được phân phối Apple, thì ngay lập tức PET tìm đối tác đối trọng là Samsung, đồng thời liên kết với các nhà sản xuất khác như Blackberry và Lenovo, Philips. Tuy nhiên, cách làm này xem ra cũng chỉ là giải pháp tình thế nên phải tính đến chiến lược kinh doanh bền vững.

Theo đại diện của DGW, thị phần điện thoại Nokia luôn chiếm phần lớn doanh số của Công ty, nhưng năm 2014, khi hãng điện thoại Nokia thay đổi chiến lược, bỏ phần cứng để chuyển sang phần mềm điện thoại, doanh số của DGW đã giảm đến 64%. Bên cạnh đó, do dòng smartphone của Nokia không theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng cũng gây hệ lụy không nhỏ cho doanh thu của DGW.

FPT Trading cũng không ngoại lệ khi Apple cho các kênh bán lẻ là Thế giới di động và FPT Shop nhập hàng trực tiếp. Năm 2015, doanh thu của FPT Trading chủ yếu đến từ nhập khẩu iPhone chính hãng, chiếm 23% tổng doanh thu, vì vậy, việc "miếng bánh iPhone" được chia phần cho các nhà bán lẻ khiến nguồn thu lớn nhất của Công ty trong mảng phân phối điện thoại di động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Đại diện DGW cho biết: "Hiện nay, nhiều nhà sản xuất như Samsung, HTC, LG, Sony, Oppo... đã chỉ định đại lý bán lẻ nhập hàng trực tiếp vậy nên nguy cơ doanh thu tuột dốc của các nhà phân phối là không tránh khỏi".

Dù dự báo thị trường phân phối điện thoại di động vẫn còn phát triển vài năm nữa và trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, FPT vẫn đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của mảng này nhưng sau mùa đại hội cổ đông vừa rồi đã chính thức công bố sẽ thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail để tập trung vào mục tiêu M&A và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.

Tương tự năm 2015, mặc dù kết quả kinh doanh của PET vẫn tăng trưởng tốt, trong đó lĩnh vực phân phối vẫn được công ty này khẳng định là mảng kinh doanh chủ lực. Song lãnh đạo Công ty cũng cho rằng, năm 2016, mảng phân phối điện thoại di động, máy tính sẽ cạnh tranh khốc liệt nên cần có những bước đi thận trọng. Theo VnEconomy, khó khăn lớn nhất với PET là không còn được làm nhà phân phối cho một số hãng lớn nên doanh thu sẽ thấp.

>Khi nhà phân phối quảng bá hàng Việt

>Nhà phân phối đua tìm đặc sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phân phối sản phẩm công nghệ: Thị phần bị thu nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO