onClan: Canh bạc mạng xã hội

PHI VŨ| 13/03/2015 08:21

Appota, đơn vị chuyên phân phối nội dung số trên nền tảng di động đang có tham vọng lớn là đưa nền tảng mạng xã hội về game onClan ra thị trường các nước Đông Nam Á, tính luôn Việt Nam.

onClan: Canh bạc mạng xã hội

Appota, đơn vị chuyên phân phối nội dung số trên nền tảng di động đang có tham vọng lớn là đưa nền tảng mạng xã hội về game onClan ra thị trường các nước Đông Nam Á, tính luôn Việt Nam. 30 triệu là số người sử dụng Appota kỳ vọng sẽ đạt được từ đây đến cuối năm 2015.

Đọc E-paper

Liều lĩnh...

Được hoàn thành từ 1/8 năm 2014, thông tin từ Appota cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng vào dự án onClan.

Theo nhận xét của giới thạo tin, lần đầu tư này của Appota khá liều lĩnh và cho rằng nhiều khả năng Công ty sẽ mất trắng số tiền này vì từ khi làn sóng mạng xã hội nước ngoài tràn vào Việt Nam, điển hình là Facebook vào năm 2010, gần như không mạng xã hội trong nước nào cạnh tranh nổi.

Theo đó, một số mạng xã hội phải đóng cửa, số thì hoạt động cầm chừng, số còn lại thì phải đổi định hướng hoạt động. Có thể kể đến như Go.vn của VTC, banbe.net của FPT (nay đổi thành FPT ID), bang.vn của PA Việt Nam, tamtay.vn hay Yume của VON... Nổi bật nhất trong số đó là Zing Me của VNG, ra mắt từ tháng 8/2010, từng có thời điểm vượt xa Facebook về lượng người truy cập.

Cụ thể, báo cáo của Google AdPlanner vào tháng 3/2011, lượng truy cập ZingMe là 6,8 triệu người, hơn gấp đôi so với Facebook (3,1 triệu người). Tuy nhiên, không lâu sau đó, Facebook đã vượt qua Zing Me về lượng người sử dụng.

Trang "We are social" vừa đưa ra bản thống kê chi tiết về xu hướng sử dụng internet, mobile, mạng xã hội của 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá chung về các mạng xã hội và công cụ nhắn tin qua mạng xã hội, Facebook là mạng xã hội được yêu thích nhất Việt Nam với 21% số người sử dụng, ứng dụng nhắn tín của Facebook chiếm 14%, Google Plus 13%, Skype 12%, Viber 9%, Twitter 8%, Pinterest 5%, LinkedIn 5%, Instagram 5% và Badoo 4%.

Về phần mình, Zing Me chuyển hướng trở thành mạng xã hội về game và giữ nguyên định hướng đó cho đến nay. Có thể nói Zing Me là trường hợp gần giống với onClan nhất khi chọn game làm thị trường ngách nhưng thực tế cho thấy mạng xã hội này cũng không thành công ở Việt Nam.

Và không chỉ Facebook, thị trường Việt Nam gần như là "cuộc chơi" của các mạng xã hội nước ngoài như Google+, Linkedin, Twitter, Pinterest, theo báo cáo công bố hồi tháng 1/2014 của website Wearesocial.

Thị trường trong nước đã vậy, thị trường nước ngoài cũng không khá hơn. Cũng theo Wearesocial, ở thị trường các quốc gia Đông Nam Á mà Appota nhắm đến, tình hình sử dụng các mạng xã hội của người dân cũng rất giống Việt Nam.

...Hay tính toán?

Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Tiếp thị của Appota, thừa nhận thị trường mạng xã hội đã chật cứng trước sức ép của các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng vẫn có cơ hội dành cho onClan. "onClan tập trung vào khách hàng là những tín đồ của ngành công nghiệp game", ông Toản nói.

Theo ông Toản, đặc tính của nhóm khách hàng này là rất thích lập nhóm cùng chơi, hay nói đơn giản là rất thích kết nối. Bên cạnh đó, các game thủ thường liên lạc với nhau bằng những tài khoản ẩn danh, đây là yếu tố xác định danh tiếng của họ trong thế giới game. Nhưng khi kết nối với các mạng xã hội khác, họ buộc phải khai báo danh tính thật nên có thể nói là một sự thiệt thòi.

Chính vì thế, onClan bổ sung rất nhiều tính năng dành riêng cho giới game thủ, từ cho phép sử dụng các tài khoản ẩn danh trong game đến các công cụ hỗ trợ kết nối như thông báo, voice chat, gửi hình ảnh...

Cũng theo ông Toản, việc thiết lập một sân chơi dành riêng cho các game thủ sẽ thu hút được các nhà phát hành game. Hiện có quá nhiều mạng xã hội khiến việc quản lý người chơi hay tiếp thị đến những khách hàng tiềm năng là điều khá vất vả đối với nhà phát hành, đó là chưa kể các mạng xã hội hiện nay không có những công cụ dành riêng để quản lý, chăm sóc người chơi trong khi đây là một yếu tố rất quan trọng để giữ chân khách hàng trong ngành game.

Về mô hình kinh doanh, onClan sẽ thu lợi nhuận dựa trên việc hợp tác phân phối để chia sẻ doanh thu. Khi hỏi về trường hợp Zing Me, ông Toản cho biết khá khập khiễng khi so sánh, vì onClan là mạng xã hội được xây dựng với định hướng dành cho game thủ ngay từ đầu.

Đồng quan điểm với ông Toản, một cựu nhân viên của VNG (không muốn nêu tên) cho rằng ban đầu Zing Me định hướng là mạng xã hội dành cho mọi độ tuổi, sở thích như Facebook nên việc chuyển hướng sang mạng xã hội cho game thủ, một thị trường ngách hơn khiến Zing Me gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật. "Sau này, VNG ưu tiên nguồn lực cho các dự án khác nên khó có thể kết luận Zing Me đi theo hướng mạng xã hội cho game", vị này nói.

Tuy nhiên, nhận định trên cũng không đảm bảo ngách mạng xã hội về game sẽ thành công. "Thật khó để đánh giá vì khách hàng game thủ rất đặc biệt nhưng chúng tôi có cơ sở để thực hiện", ông Toản nói.

Theo đó, trong thời gian tới, các game thu hút người chơi do Gamota, công ty phân phối game trên di động trực thuộc Appota, đơn vị ghi dấu ấn trong năm 2014 nhờ trò chơi Ải mỹ nhân với doanh thu ước tính gần 48 tỷ đồng (theo website infogame), sẽ được đưa lên onClan.

Sau Gamota, onClan cũng hướng đến các nhà phát hành game trong nước và thế giới. Dự kiến chiến dịch này sẽ bắt đầu từ tháng 4 năm nay, mà theo ông Toản tiết lộ sẽ đem về cho onClan một lượng người sử dụng kha khá.

Trên thực tế, có một lý do khác buộc Appota phải đánh cược với canh bạc onClan là trước sự phổ biến của các mạng xã hội, việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đã không còn phụ thuộc vào yếu tố địa lý.

Các nhà phát hành nội dung như Appota phải đối mặt với bài toán phát triển ra nhiều thị trường trước yêu cầu của các đối tác nên có thể nói dù biết là liều lĩnh nhưng onClan là giải pháp phù hợp nhất đối với Appota hiện nay.

>Bí quyết giữ chân khách hàng trên mạng xã hội
>6 bí quyết marketing mạng xã hội từ Taylor Swift
>CEO Facebook kêu gọi đọc sách thay cho mạng xã hội
>10 bí quyết tích hợp chiến dịch marketing với mạng xã hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
onClan: Canh bạc mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO