Nút thắt xuất khẩu hàng dệt may

TRƯƠNG VĂN CẨM *| 11/05/2018 03:38

Ngành dệt may trong các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo vẫn đối diện với những thách thức rất lớn, do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng trong khi cạnh tranh trong ngành dệt may gay gắt hơn trên thị trường toàn cầu.

Nút thắt xuất khẩu hàng dệt may

Ảnh: QH

Bước sang năm 2018, đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết quý II và III. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam quý I/2018 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49%.

Ngành dệt may của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá tại các thị trường lớn. Ví dụ, tại thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2018 tăng gần 15%, thị trường các nước khối CTTPP tăng 23%, EU tăng 13%. Quá trình hội nhập đã tạo ra thị trường mới, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều do hầu hết các dòng thuế của sản phẩm này đều được giảm ngay, hoặc được giảm theo lộ trình, về 0%.

Tuy nhiên, ngành dệt may trong các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo vẫn đối diện với những thách thức rất lớn, do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng  trong khi cạnh tranh trong ngành dệt may gay gắt hơn trên thị trường toàn cầu. Những áp lực từ bên ngoài gia tăng thêm áp lực cho ngành dệt may Việt Nam và các FTA phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ.

Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ sợi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) từ vải, trong khi ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu.

Link bài viết

Một số nước cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Chính phủ Bangladesh đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, thuế nhập khẩu sợi linen và spandex từ 10% xuống 5%, thuế nhập khẩu hóa chất, thuốc nhuộm giảm từ 25% xuống 15%. Pakistan miễn thuế nguyên liệu và năng lượng sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị cho ngành này. Ấn Độ cũng giảm thuế nhập khẩu cho một số loại xơ, sợi từ 5% xuống còn 2,5%.

Hiện nay, EU áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar, Mỹ lại áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, nhưng hàng dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ và 9,6% vào thị trường EU.

Ở trong nước, ngành dệt may phát triển mất cân đối, yếu kém nhất là khâu kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất. Nhu cầu sợi trên 1,4 triệu tấn/năm, nhưng 90% là nhập khẩu, khoảng 876 tấn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Cạnh đó, nguồn vải may xuất khẩu cũng chủ yếu nhập khẩu, chiếm tới 80%, trong đó Trung Quốc chiếm tới 50% tổng giá trị, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15%. Điều này tạo ra tình trạng "nghẽn" tại khâu dệt nhuộm, khiến tỷ lệ giá trị tăng thêm của may xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50%.

Các doanh nghiệp FDI lại chiếm ưu thế vượt trội, đến 62% tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may, trong đó xơ, sợi chiếm 72% còn vải và may mặc chiếm 60,6%. Đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu, diện mạo ngành dệt may Việt Nam. Đầu tư FDI vào ngành dệt may tính đến hết năm 2017 là 2091 dự án, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,89 tỷ USD. Có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó có một số quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong.

Trong khi đó, các cơ chế, chính sách tuy được Chính phủ và các bộ ngành rà soát, tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp dệt may. Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì nguyên phụ liệu nhập về để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc diện miễn thuế. Đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp ký được đơn hàng lớn nhưng cơ sở sản xuất không đủ năng lực, phải đưa một phần nguyên phụ liệu đi gia công tại các cơ sở sản xuất nhỏ để kịp tiến độ giao hàng nhưng phần này lại không được miễn thuế.

Thêm nữa, đối với nguyên phụ liệu nhập về để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu dư thừa, phế phẩm được phép tiêu hủy và đã tiêu hủy thì không miễn thuế đối với loại hình sản xuất, xuất khẩu mà chỉ miễn thuế đối với loại hình gia công xuất khẩu. Như vậy, đã có sự bất bình đẳng, có lợi cho khách hàng nước ngoài gia công tại Việt Nam và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Những giải pháp về đầu tư, thị trường, nhân lực và tài chính đều đã và đang được ngành dệt may thực hiện, hướng tới mục tiêu năm 2018 xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2017. Nhưng Nhà nước cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm, tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động, cũng như không khuyến khích đầu tư vào sợi, may. Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp. Cạnh đó, rất cần Bộ Tài chính có chính sách miễm thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu.

(*) Tác giả là Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

SONG ANH ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nút thắt xuất khẩu hàng dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO