Nội tình mô hình khu ẩm thực

LỮ Ý NHI| 16/06/2017 08:31

Do giá thuê mặt bằng không quá cao nên mô hình Food Court (khu ẩm thực) nhanh chóng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, dù thách thức cũng không phải ít.

Nội tình mô hình khu ẩm thực

Do giá thuê mặt bằng không quá cao nên mô hình Food Court (khu ẩm thực) nhanh chóng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, dù thách thức cũng không phải ít.

Đọc E-paper

Trong khi giá cho thuê văn phòng tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM dao động từ 50 - 70 USD/m2/tháng thì giá thuê các khu ẩm thực thấp hơn, chẳng hạn tại Vincom (quận 1) 40 - 60 USD, Diamond Plaza 50 - 60 USD, Bitexco Financial Tower 40 - 50 USD, tùy theo vị trí. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ẩm thực chọn Food Court để kinh doanh.

Mô hình khu ẩm thực trong trung tâm thương mại đã phát triển hàng chục năm qua tại Singapore, Hong Kong, Thái Lan, như Singapore với Maxwell Food Center, Thái Lan với KhaoSan Road tại Bangkok... và vẫn khá hiệu quả. Tại Việt Nam, mô hình này xuất hiện với khu ẩm thực tại trung tâm thương mại Diamond Plaza, sau đó là Parkson, Now Zone, Crescent Mall, Bến Thành Street Food, Food Market, mỗi điểm nhắm đến một phân khúc khách hàng.

Ví dụ, Food Market phục vụ chủ yếu khách du lịch, còn giới văn phòng thì thường đến Food Central hay Cocochin trên đường Nguyễn Huệ. Mặc dù giá thuê mặt bằng tại các khu này còn khá cao, như giá thuê ki ốt 8m2 tại Ben Thanh Street Food là 50 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phí quản lý, hay thuê ki ốt 4m2 tại Food Central giá 35 triệu đồng/tháng nhưng tỷ lệ khách thường đạt trên 80%. Tuy nhiên tại TP.HCM, các khu ẩm thực này chỉ tập hợp tại quận 1, phục vụ chủ yếu khách du lịch nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Marketing Công ty Dịch vụ và Thương mại Cao Sáng thì, "Ưu điểm của mô hình Food Court là khách thuê lại từ chủ đầu tư, có khả năng hoàn vốn nhanh vì giá thuê thường thấp hơn so với giá thuê mặt bằng riêng biệt. Các thương hiệu ẩm thực tại đây có thể tận dụng khả năng cộng hưởng lẫn nhau để cùng phát triển".

Dù lạc quan đầu tư gần 80.000 USD/tháng để thuê lại 70% diện tích lầu 4 của tòa nhà Bitexco, ông Võ Ngọc Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Sáng Tạo, chủ đầu tư khu ẩm thực Food Creative cũng thừa nhận: "Giá thuê mặt bằng có diện tích lớn khá cao nên nếu lượng khách trong thời gian nhất định không đạt sẽ rất rủi ro cho chủ đầu tư.

Chưa kể ngay từ đầu, Food Creative phải đầu tư hơn 12 tỷ đồng để xây dựng gian hàng, trang bị hệ thống đông lạnh, hút khói, máy tính tiền, máy rửa tự động cho toàn khu ẩm thực. Khó khăn tiếp theo là chủ đầu tư phải mời được các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng vào để "làm nền", song các thương hiệu này thường yêu sách độc quyền, nghĩa là có KFC thì không thể có Lotteria, Jollibee, có Gloria Jeans Coffees thì không mời Coffee Bean & Tea Leaf.

>>Ngành bán lẻ đến năm 2020: Chợ vẫn chiếm ưu thế?

Ông Nguyễn Khánh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhà hàng Hoàng Yến cũng cho rằng: "Nhiều năm trước, kinh doanh Food Court trong trung tâm thương mại được một số doanh nghiệp hăng hái tham gia vì mới mẻ. Nhưng khách vào trung tâm thương mại chủ yếu là để mua sắm, còn nếu ăn thì mô hình nhà hàng không phù hợp ở đây, còn buffeet thì giá phải thấp, khoảng 200.000 - 300.000 đồng, trong khi giá của Hoàng Yến phải từ 400.000 - 500.000 đồng/người. Vì vậy, nhiều thương hiệu ẩm thực kinh doanh trong trung tâm thương mại chủ yếu là để quảng bá chứ khó có lợi nhuận".

Hiện nay giá thuê gian hàng trong khu ẩm thực tại các trung tâm thương mại không còn thấp. Ví dụ như 7m2 ở Vincom B có giá 25 triệu đồng++, ki ốt 30m2 ở Aeon Mall (Tân Phú) giá thấp nhất là 67 triệu đồng cộng thêm phí rửa chén 500 USD và phí quản lý 8 USD/m2, 19m2 ở Bitexco giá 65tr++, 15mở Nowzone 50 triệu đồng++.

Thêm vào đó là áp lực cạnh tranh giữa các trung tâm thương mại ngày càng khốc liệt. Đơn cử thời điểm Cresent Mall (quận 7) ra đời đã thu hút hàng ngàn khách hàng, đến khi Vivo City khai trương, khách hàng lại ồ ạt kéo nhau tới trung tâm thương mại này như một trào lưu mới, tương tự với các gian hàng Food Court tại Vincom khi lượng khách giảm hẳn do đổ về trung tâm thương mại Takashimaya.

Trong khi các Food Court thường tập trung vào trung tâm thương mại, khu trung tâm thành phố thì mô hình kinh doanh kết hợp giữa cà phê giải trí và khu ẩm thực (Food Square) lại chọn quận Tân Phú. Dù mục tiêu của Food Square là tạo điểm đến cho giới trẻ có nhu cầu ẩm thực kết hợp nơi vui chơi giải trí với nhiều trải nghiệm với không gian thiết kế hiện đại như sân vườn tổ chức party, khu cafe lounge, khu ăn uống thư giãn và khu trẻ em, nhưng mô hình này vẫn còn rất nhiều thách thức do địa điểm tại đây không có khách đến mua sắm, du lịch.

Ông Nguyễn Cao Kỳ Chương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cao Sáng - chủ đầu tư Food Square cho biết: "Với 70 gian hàng ẩm thực Việt Nam, những thương hiệu ngành F&B (nhà hàng và đồ uống) sẽ nhận được nhiều ưu đãi để mở rộng kinh doanh".

Cũng theo ông Chương, lâu nay nhiều người quan niệm cứ vào trung tâm buôn bán mới đông khách, khiến giá thuê mặt bằng liên tục tăng cao trong khi lượng khách hàng không tăng là bao, dẫn đến bán được bao nhiêu trả hết vào tiền thuê mặt bằng bấy nhiêu. Trong khi nhiều người làm việc ở trung tâm nhưng nhà cửa lại ở các quận ven thành phố. Đó là lý do khu Food Court Aeon Mall Tân Phú được doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực quan tâm. Rõ nhất là hệ thống Vincom khi vươn ra các khu ngoại ô đã có lượng khách hàng vùng ven đông hơn các trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen cũng như nhận thức cần phải có thời gian và chọn hướng đi khác biệt luôn là thách thức đối với doanh nghiệp.

>>Kinh doanh từ vị giác

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nội tình mô hình khu ẩm thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO