Những “điểm chết” của ngành công nghiệp ô tô

21/03/2012 09:07

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011, trong đó phải kể đến những “điểm chết” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Những “điểm chết” của ngành công nghiệp ô tô

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp sản xuất ô tô trên lãnh thổ Việt Nam tính hết năm 2010 là 314 doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm tỉ trọng cao nhất (52%), tiếp theo là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (42%). Số lượng doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 6%.

Lắp ráp ô tô tại Công ty CP ôtô Trường Hải.

Công suất thiết kế đạt khoảng 458.000 xe/năm nhưng thực tế sản xuất cho thấy, các nhà máy sản xuất ô tô mới chỉ huy động khoảng 50% công suất thiết kế.

Bà Lê Thị Hải Vân – Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Nhìn chung trình độ công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ta ở mức trung bình và lạc hậu. Cái gọi là công nghệ hiện nay chỉ dừng lại ở việc hàn – sơn – lắp ráp và kiểm tra sản phẩm.

Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ vừa yếu lại vừa méo mó, không đồng bộ. Đến nay, cả nước có khoảng trên 210 doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô, tạo việc làm cho 26.163 lao động. Nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những linh kiện đơn giản như gầm xe, thùng xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, hệ thống dây điện, nhíp lò xo, ống xả, hộp số, vô lăng…

Xét cho cùng, đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại lẫn sản lượng. Hàng năm, ngành công nghiệp ô tô vẫn phải nhập khẩu khoảng 2 tỉ USD linh kiện.

Một số doanh nghiệp FDI cũng đã xâm nhập thị trường sản xuất linh kiện ô tô của Việt Nam và sản xuất để khẩu chừng 1,5 tỉ USD linh kiện. Đó là một nghịch lý của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo các dự báo đến năm 2025, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 12 tỉ USD để nhập khẩu ô tô nếu ngành công nghiệp ô tô vẫn cứ mãi tình trạng phát triển èo uột như hiện nay. Đến năm 2014, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực các nước ASEAN (AFTA) sẽ giảm xuống còn 50%, và tới 2018 chỉ còn 0%. Như vậy, các doanh nghiệp Việt sẽ chống chọi ra sao với thực trạng ô tô ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam?

Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được cho là kém phát triển với 80% linh kiện phục vụ cho lắp ráp xe vẫn phải nhập khẩu. Thị trường ô tô có quy mô nhỏ, khoảng 150.000 xe/năm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến hết năm 2010, tổng lượng xe ô tô lưu hành trên cả nước là 1,63 triệu chiếc. Như vậy, thị trường ô tô của Việt Nam còn tiềm năng rất lớn. Nhưng thực chất thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất lớn tầm cỡ khu vực và xuất khẩu.

Theo như quy hoạch, Việt Nam đặt ra chỉ tiêu nội địa hóa các loại ô tô tối thiểu là 50%. Tuy nhiên khi thực hiện, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chỉ đạt dưới 15% – một con số quá thấp để có cơ sở phát triển một ngành công nghiệp ô tô.

Tỉ lệ nội địa hóa với các phương tiện khác như xe khách trên 10 chỗ ngồi và xe chuyên dùng đạt từ 30 – 40%, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với quy hoạch là 60%.

Nguyên nhân là các nhà cung cấp Việt Nam vẫn chưa năng động và nhạy bén trong việc tiếp cận khách hàng, chưa tự tin và chưa hình thành khái niệm xây dựng quan hệ “hai bên cùng có lợi” trong kinh doanh. Các doanh nghiệp thuộc công nghiệp hỗ trợ vẫn sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao do công nghệ lạc hậu.

Do vậy, luôn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá bán cũng như thời hạn giao hàng của các doanh nghiệp nước ngoài so với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Về việc liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trong công nghiệp ô tô vẫn là một mối liên kết lỏng lẻo và thiếu thống nhất. Một cuộc khảo sát 23 doanh nghiệp FDI trong sản xuất ô tô năm 2010 do Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với Tổng cục Thống kê và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho kết quả: 6/23 doanh nghiệp không mua nguyên liệu đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam.

Chỉ có khoảng 15% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp FDI là từ các sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, tỉ lệ nội địa hóa của các sản phẩm ô tô của Việt Nam hầu như chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ngành công nghiệp ô tô vẫn phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường ô tô trong nước vẫn tràn ngập ô tô nhập khẩu hoặc ô tô mang thương hiệu Nhật, Hàn, Đức…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những “điểm chết” của ngành công nghiệp ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO