Người Việt luôn lạc quan

NGUYỄN DUY| 02/06/2016 06:57

Kinh tế ổn định, dự báo tiếp tục tăng trưởng là một trong những lý do giúp người Việt trụ vững trong top 5 thế giới về lạc quan.

Người Việt luôn lạc quan

Kinh tế ổn định, dự báo tiếp tục tăng trưởng là một trong những lý do giúp người Việt trụ vững trong top 5 thế giới về lạc quan.  

Đọc E-paper

Theo báo cáo mới về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) được công bố bởi Nielsen, Việt Nam lọt vào top 5 thế giới về mức độ lạc quan.

Có nhiều lý do khiến NTD Việt luôn lạc quan, trong đó, kinh tế ổn định và dự báo tiếp tục tăng trưởng là một trong những yếu tố quan trọng giúp NTD yên tâm về tương lai.

Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ có kiến thức (với 57% dân số dưới 35 tuổi, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua), mà người trẻ thì rất lạc quan và tự tin vào sự phát triển trong tương lai. Trong xu hướng chung, NTD Việt chi nhiều tiền hơn cho bản thân để cải thiện cuộc sống và khao khát có được cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.

Điều này cũng trùng với những nghiên cứu trước đó do các tổ chức quốc tế công bố. Báo cáo của Viện Nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (Hiil ASEAN) hồi giữa tháng 3 vừa qua cho thấy, có đến 96% người Việt tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu. Chỉ có 2% NTD Việt tự nhận mình nghèo và 2% còn lại thừa nhận thuộc tầng lớp thượng lưu.

Nếu đánh giá mức thu nhập thực tế hộ gia đình với chuẩn 3.000 - 15.000 USD/năm để xác định tầng lớp trung lưu thì số người Việt Nam đủ chuẩn chỉ chiếm 50%.

Nhưng nghiên cứu của Hiil ASEAN cho thấy, rất nhiều người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế. "Những người này biết cách để có cuộc sống mơ ước bằng việc không ngừng cân bằng thu nhập và chi tiêu cũng như không bị ràng buộc vào mức thu nhập hiện có. Họ thực hiện bằng cách làm nghề tay trái để tăng thu nhập, kiểm soát chi phí hoặc chuyển đổi chi phí vào thu nhập tương lai", báo cáo của Hiil ASEAN.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng 2/2016, đến năm 2035, có hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu với mức tiêu dùng 15 USD/ngày. Hiện nay, mặc dù so với nhiều nước, thu nhập đầu người của Việt Nam còn thấp nhưng NTD Việt rất tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai.

Dù "lạc quan nhất thế giới" nhưng NTD Việt cũng rất biết tiết kiệm. Theo khảo sát của Nielsen, có đến 78% NTD Việt cho biết tiết kiệm là một trong những vấn đề họ quan tâm. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao thì xu hướng thay đổi thói quen chi tiêu để cắt giảm chi phí sinh hoạt tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của người Việt.

8 trong 10 người Việt đã điều chỉnh thói quen chi tiêu trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí (82%). Khoảng 3/5 người Việt (61%) đã giảm chi tiêu cho quần áo mới và cắt giảm chi phí giải trí bên ngoài (58%) so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa NTD Việt đã cắt giảm chi phí gas, điện (47%) và chi phí điện thoại (44%).

Nghiên cứu của Hiil ASEAN cũng chỉ rõ, hầu hết NTD Việt đều tìm kiếm sự ổn định và không mạo hiểm. Họ hài lòng với công việc hiện tại và dồn tiền vào tiết kiệm. Tuy nhiên, dù rất tiết kiệm nhưng NTD Việt vẫn sẵn sàng chi các khoản lớn khác sau khi đã trang trải đầy đủ các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

Khoảng 4 trong 10 người Việt cho biết sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi cho nhu cầu du lịch (chiếm 38%). Có 34% NTD chọn giải trí bên ngoài, 32% chọn các sản phẩm công nghệ mới và 31% chọn trang hoàng nhà cửa sau khi đã trang trải các chi phí thiết yếu. Trên thực tế, NTD Việt còn mạnh tay cho các nhu cầu cá nhân để thể hiện đẳng cấp.

Bằng chứng là thời gian qua, các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu đắt tiền trong các ngành hàng ô tô, mỹ phẩm, túi xách... Dường như Việt Nam đang trở thành điểm đến của rất nhiều thương hiệu đến từ Ý, Anh, Pháp, Mỹ... và một bộ phận không nhỏ NTD đã trở thành "tín đồ” của những thương hiệu này.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, đánh giá về NTD Việt: "NTD Việt không đơn thuần chỉ muốn "đủ ăn, đủ mặc" mà khao khát có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhiều người mong muốn sở hữu nhà riêng hoặc có thể đi du lịch lâu hơn, vì vậy, họ cần phải tiết kiệm nhiều hơn".

>Người tiêu dùng Việt xếp thứ 5 thế giới về mức độ lạc quan

>ANZ: Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất châu Á

>Người tiêu dùng Việt Nam luôn lạc quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Việt luôn lạc quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO