Ngành mía đường “ngồi trên chảo lửa”

03/04/2019 02:27

Khó khăn chồng chất, doanh nghiệp ngành mía đường đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Chiều ngày 3-4, Hiệp hội mía đường Việt nam đã có cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đưa ra những kiến nghị, bàn bạc giải pháp tìm cách “ giải cứu” mía đường.

Ngành mía đường “ngồi trên chảo lửa”

Nông dân cạn kiệt vốn

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có diện tích trồng mía lớn, đến mùa vụ này nông dân vô cùng chán nản. Sau mùa vụ 2017- 2018 thua lỗ nặng nề phải cầm cố cả đất đai, nhà cửa, hàng nghìn hộ trồng mía ở tỉnh Trà Vinh đã không còn vốn đầu tư trồng mới. Nhiều nông hộ phải lưu gốc, trong khi giá phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch cứ tăng lên; buộc nhiều nông dân chọn giải pháp bỏ cây mía để chuyển sang sản xuất cây, con giống khác. Tại huyện Trà Cú, nơi có diện tích mía nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, đến nay đã có hàng trăm hécta mía được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng lúa và cây màu. Theo Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, diện tích mía năm nay chỉ còn hơn 3.300ha, giảm gần 30% so với vụ mía trước. Điều đáng nói là nhà máy mía đường Trà Vinh vừa đầu tư dây chuyền nâng công suất, và đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới.

duong-1-8749-1554305125.jpg

Mía rớt giá, mùa này người nông dân cơ cực hơn!

Ngược lại, tại tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2018-2019 địa phương xuống giống hơn 10.500ha, giảm trên 150ha so với niên vụ trước. Hiện giá mía đang giảm kỷ lục, chỉ 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS). Với mức giá này, nông dân sẽ không thể có lãi.

Long An, nông dân cũng điêu đứng vì mía rớt giá. Theo số liệu của Sở NN-PTNT Long An, đến cuối tháng 2/2019 vẫn còn hơn 60% diện tích mía (gần 6.000ha) của tỉnh này chưa được thu hoạch. Làm ra cây mía đã cơ cực, giờ không bán được khiến nông dân thua lỗ triền miên. Những năm trước, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Long An chủ yếu bán mía cho nhà máy đường của Công ty CP Nivl. Hiện, công ty này nợ trên 100 tỷ đồng thuế không có khả năng chi trả, chưa kể tiền nợ mua mía của nông dân. Vừa qua, tại Long An, đã có tình trạng nông dân bán mía phải nhận đường của công ty này. Nhà máy đường của Công ty CP Nivl giờ hoang phế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An không còn nhà máy thu mua mía buộc lòng nông dân phải bán mía cho thương lái với giá cao hoặc vận chuyển mía qua các tỉnh bạn để bán, chi phí vận chuyển và nhân công khiến người nông dân bó tay. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thủ Thừa Nguyễn Văn Chót cho biết, đầu vụ 2019 diện tích trồng mía trên địa bàn huyện Thủ Thừa còn khoảng trên 800ha, nhưng chỉ thu hoạch trên 100ha. 

Luẩn quẩn vẫn câu chuyện cũ

Niên vụ mía đường 2018/2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhìn thấy thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là tồn khá lớn từ trước, buôn lậu chưa giảm; đường lỏng tiếp tục nhập khẩu gia tăng. Nếu như năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu tới 140.000 tấn, tăng gấp 3 lần... Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường và đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay.

duong2-6296-1554305125.jpg

Ngọt- đắng vị đường!

Bế tắc với đường lậu, ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam- cho biết: Thái Lan sản xuất khoảng 15 triệu tấn đường/ năm, trong khi mức tiêu thụ trong nước của họ chỉ hơn 2 triệu tấn. Đường lậu không thuế của Thái Lan luôn tràn ngập trên thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn đường trong nước 1.000 đồng/kg. 

Hiệp hội Mía đường kêu cứu vì tồn đọng, ế ẩm. Giá bán đang dưới giá thành, trong khi hàng làm ra tồn quá nhiều, Trước tình hình mía đường làm ra dư thừa quá nhiều, diện tích quá lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay cả nước đã có tới 36 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995. Diện tích mía của cả nước cũng tăng lên khoảng 10 lần so với năm 1995, với tổng diện tích hiện có khoảng 300.000ha. Hàng năm, ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường (với giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng).

Lối nào cho ngành mía đường?

Lắng nghe kiến nghị của Hiệp hội mía đường Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có những chỉ đạo mang tính chất “tư vấn”: Thay đổi tư duy, biến bã mía, những phụ phẩm mía đường thành tiền. 

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tại các nước cơ cấu sản phẩm đường chỉ chiếm 60%, còn lại 40% là các sản phẩm phụ (điện, cồn, phân vi sinh...). Trong khi đó, các nhà máy Việt Nam chủ yếu làm ra sản phẩm đường nên chi phí giá thành sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh với đường của các nước. 

Vì thế, câu chuyện cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh đã được đặt ra. Theo hướng đi này, cùng với sản phẩm đường các loại thì các nhà máy sẽ phát triển thêm các sản phẩm: Điện sinh khối từ bã mía; nhiên liệu sinh học (ethanol, cồn từ mật rỉ và mía); phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn. Đặc biệt, hiện Việt Nam đã có 40 dự án phát điện từ bã mía (điện sinh khối) với tổng công suất điện khoảng 150 MW. 

Theo ông Lê Bá Thắng, Phó phòng Kiểm soát chất lượng môi trường của Công ty cổ phần Đường Lam Sơn (Thanh Hóa) hiện công ty có ba máy phát điện sử dụng nguyên liệu bã mía với tổng công suất hơn 18 MW. Mỗi năm công ty sản xuất được 52 triệu kW điện trị giá gần 50 tỉ đồng. Khoảng hai phần ba sản lượng điện này được nối vào lưới điện quốc gia; với giá bán 720 đồng/KWh công ty đã có lãi. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tư vấn các DN nên tận dụng bã mía để làm nấm. Đây là một hướng tiếp cận mới. Bộ trưởng dẫn chứng mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000m2, nhưng tháng nào cũng thu 400-500 triệu nấm tỏi gà. Rồi mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20kg nấm, khi giá nấm lên tới 450.000 đồng/kg. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: “Phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm" và cam kết  bộ, ngành sẽ đồng hành cùng Hiệp hội, DN, thúc đẩy sản xuất giống 3 cấp để đáp ứng đủ giống cho nông dân trồng, qua đó nâng cao năng suất trồng mía của Việt Nam lên 90-100 tấn, thay vì 50-60 tấn như hiện nay... 

Bộ trưởng cũng đồng ý với đề xuất thành lập Trung tâm kiểm soát chữ đường – một cơ quan trung gian để xác định chữ đường, lấy lại niềm tin cho người trồng mía để xác định giá trị mía chính xác, thay vì mua xô, bán xô như hiện nay.

Đến ngày 15/3, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất 2018-2019, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. Ước cả niên vụ 2018-2019 sẽ có khoảng 14 triệu tấn mía, với 1,3 triệu tấn đường. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành mía đường “ngồi trên chảo lửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO