Ngành gỗ và cơ hội bước qua ngưỡng tăng trưởng thấp

THANH TÂM - HOÀI SÂM| 05/03/2017 06:50

Là ngành thâm dụng lao động, dù có rất nhiều cơ hội, đơn hàng nhưng để doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ có thể mở rộng quy mô là thách thức rất lớn.

Ngành gỗ và cơ hội bước qua ngưỡng tăng trưởng thấp

Là ngành thâm dụng lao động, dù có rất nhiều cơ hội, đơn hàng nhưng để doanh nghiệp chế biến gỗ có thể mở rộng quy mô là thách thức rất lớn.

Đọc E-paper

Áp lực nhân công

Năm 1996, Công ty Bắc Việt - một công ty thương mại chuyên về sản phẩm trang trí nội thất được thành lập, đến năm 2001 đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất Thịnh Việt (Thịnh Việt Furniture). Năm 2005, Thịnh Việt xây dựng nhà máy thứ 2, tiếp đó là xây dựng nhà trưng bày đồ gỗ nội thất. Thịnh Việt hiện là công ty hàng đầu trong lĩnh vực gỗ nội thất ở Việt Nam, có thị trường ở 18 nước, do đó nhu cầu nhân lực rất cao.

"Khó khăn lớn nhất là vấn đề tuyển dụng. Chúng tôi có 2 nhà máy sản xuất đồ gỗ nhưng nhiều lần trễ tiến độ đơn hàng do không đủ nhân lực. Thịnh Việt cần thêm 500 nhân công nhưng đến nay vẫn tuyển dụng chưa đủ”, ông Lê Xuân Bắc - Chủ tịch Thịnh Việt Furniture chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Toàn - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất cơ khí Hồng Kí nhận xét, thâm dụng lao động quá cao cũng là trở ngại cho ngành. Ví dụ, khâu chà nhám trong sản xuất đồ gỗ luôn chiếm nhiều nhân công, lại mất thời gian thực hiện vì đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao. Chất lượng công đoạn này lại không đồng đều. Đây được xem là "nút thắt cổ chai" trong cả quy trình sản xuất đồ gỗ ở nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Bắc, điều đáng quan ngại hơn là nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Trình độ nhân lực ngành chế biến gỗ chưa cao. Nhân lực có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông trung học đến cao đẳng là đã có thể được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Phần còn lại, những nhân lực phổ thông thì việc quản lý họ để đảm bảo tiến độ sản xuất cũng khá khó khăn.

Ông Akira Nishiyama - Cố vấn Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận xét: "Chất lượng lao động chính là rào cản lớn của sự phát triển ngành chế biến gỗ Việt Nam. So với các nước, sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đạt độ thống nhất cần có. Ví dụ, cùng một loại sản phẩm nhưng độ chuẩn xác giữa các sản phẩm thường không đều nhau. Tuy độ chênh vẫn trong mức chấp nhận được nhưng với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ chẳng hạn, thì đó lại là điểm trừ. Chỉ có đầu tư hệ thống quản trị tốt, tập trung nâng cao khâu đào tạo, doanh nghiệp Việt Nam mới giải quyết được tình trạng này".

Năng suất, chất lượng phải từ công nghệ

Không chỉ đầu tư hệ thống quản trị và đào tạo để nâng cao hiệu quả sử dụng con người, một chiến lược phát triển cụ thể và những khoản đầu tư máy móc hợp lý cũng là yếu tố doanh nghiệp chế biến gỗ đang cần.

Từ năm 2003, Mifaco 100% vốn trong nước được thành lập với định hướng sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường xuất khẩu. Công ty quy hoạch và thiết kế nhà xưởng, văn phòng rất bài bản để vừa đảm bảo được tính hệ thống và tạo được quy mô lớn, từ đó củng cố được lòng tin của khách hàng ngoại quốc. Năm 2007, doanh số của Mifaco khoảng 5 triệu USD và nhân công khoảng 1.000 người. Sau 10 năm, doanh số đã tăng gần 20 triệu USD nhưng với chỉ khoảng 900 công nhân.

"Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, việc nâng cao được năng suất lao động luôn là điều tôi quan tâm hàng đầu", ông Điền Quang Hiệp - TGĐ Công ty TNHH Minh Phát 2 nhấn mạnh.

Theo ông Hiệp, thống kê trong khu vực cho thấy, Việt Nam đang là nước có năng suất lao động thấp, điều này có nghĩa là cơ hội tăng năng suất lao động là rất lớn.

Ông Hiệp chia sẻ: "Đã đến lúc doanh nghiệp chế biến gỗ quan tâm vào việc đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa. Rõ ràng máy móc, thiết bị luôn là công cụ giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây là lý do vì sao doanh số công ty tôi tăng gấp 4 lần nhưng nhân công gần như không tăng. Chỉ có tăng năng suất lao động mới có thể tăng được giá trị sản phẩm".

>>Xuất khẩu đồ gỗ: Sao chưa đúng tầm?

Không chỉ riêng Mifaco, đầu tư công nghệ cũng là giải pháp của rất nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ. Ông Cao Duy Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Vĩ Đại, đơn vị nhập khẩu máy móc sản xuất đồ gỗ khá lớn ở TP.HCM cho biết: "Trước đây, để doanh nghiệp đầu tư máy dù chỉ vài nghìn USD cũng khó vì năng lực tài chính có hạn, nhân công lại rẻ, nhưng nay những dây chuyền trị giá 200.000 đến 500.000 USD vẫn được nhiều doanh nghiệp tìm mua, bởi nó giúp không những tăng năng suất mà còn chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cũng đang quy tụ nhiều người thiết kế có tay nghề cao để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, vì thế có doanh nghiệp mỗi tháng cho ra đời một mẫu mã mới để thu hút khách hàng.

Theo ông Bắc, 2017 vẫn là năm không quá nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến gỗ, nhất là việc sụt giảm tiêu thụ từ thị trường châu Âu. Thế nhưng cơ hội dành cho Việt Nam vẫn còn rất nhiều từ thị trường khác.

"Tất cả những yếu tố cần thiết, từ nhân lực, cơ chế, chính sách… để phát triển ngành gỗ gần như đã hội đủ ở Việt Nam. Lượng doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, tổ chức sản xuất đồ gỗ ngày càng nhiều là minh chứng cụ thể cho điều đó. Dù còn những thách thức nhưng tôi nghĩ, đây vẫn là thời điểm rất tốt để doanh nghiệp gỗ Việt Nam bước qua ngưỡng tăng trưởng thấp", ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA nhận định.

Cơ hội từ nhiều thị trường mới

Sự sụt giảm doanh số của ngành chế biến gỗ không chỉ riêng ở Việt Nam mà là tình trạng chung của thị trường thế giới. Theo ông Lê Xuân Bắc, bất ổn ở thị trường châu Âu sau sự kiện Brexit đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Tất cả các hội chợ nổi tiếng của ngành chế biến gỗ quốc tế như Singapore hay Philippines đều thu hẹp quy mô. Đáng mừng là Vifa Expo Việt Nam 2017 vẫn tăng về mặt quy mô lẫn số lượng doanh nghiệp, khách đăng kí tham dự. Điều này cho thấy các đơn vị nhập khẩu cũng đang chờ đợi nhiều ở thị trường Việt Nam. Đơn cử như thị trường châu Phi hay Trung Đông cũng đang dần chấp nhận doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các hợp tác thương mại trong bối cảnh mới không chỉ dừng ở việc mua bán, trao đổi mà còn đi sâu hơn như hợp tác huấn luyện, trang bị kỹ năng, tư vấn thiết kế… để doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Câu chuyện của ông Akira Nishiyama - Chuyên viên cố vấn người Nhật là một ví dụ. 2 năm trở lại đây, chuyên viên này thông qua Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM để đến các doanh nghiệp làm công tác tư vấn, nâng cao năng lực cho nhà sản xuất.

"Ở Nhật, nhu cầu đồ gỗ rất lớn nhưng sản xuất, gia công gỗ ngày một thu hẹp dần. Chúng tôi tìm kiếm các đối tác gia công để mang hàng về Nhật Bản nhưng việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiêu chuẩn Nhật Bản không phải dễ. Việt Nam là nơi có thể ứng dụng được kỹ thuật này vì có nhiều điểm tương đồng", ông Akira Nishiyama nói.

Theo vị chuyên viên này, hiện kết quả chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp đang diễn ra khá tốt. Trong tương lai không xa, dự án này có thể thu được quả ngọt, có lợi cho cả 2 phía là Việt Nam và Nhật Bản.

>>Ngành chế biến gỗ: Tăng tốc cuối đường đua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ và cơ hội bước qua ngưỡng tăng trưởng thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO