Ngành gỗ trước triển vọng thuế suất 0%

PHẠM THỦY| 19/01/2017 01:32

Ngành gỗ phải có những bước chuyển mình triệt để mới có thể nắm bắt được cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Ngành gỗ trước triển vọng thuế suất 0%

90% đồ gỗ của Việt Nam vào EU sẽ hưởng thuế suất 0% sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến khoảng đầu năm 2018). Tuy vậy, ngành gỗ phải có những bước chuyển mình triệt để mới có thể nắm bắt được cơ hội từ thị trường này. 

Đọc E-paper

Mở rộng thị phần

Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ. 9 tháng năm 2016, xuất nhập khẩu gỗ đạt gần 5 tỷ USD, đồ gỗ đạt 3,6 tỷ USD.

EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thương mại song phương từ 6,3 tỷ USD năm 2003 đã đạt 41,2 tỷ USD vào năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu 31 tỷ USD, nhập khẩu 10 tỷ USD.

EU cũng là đối tác thương mại đầu tư lớn tại Việt Nam với 1.809 dự án có tổng vốn đăng ký 23,16 tỷ USD. Về xuất nhập khẩu gỗ, EU là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam. Kinh tế tại khu vực này có tốc độ tăng trưởng 2,3%/năm, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ được kỳ vọng phát triển mạnh nhờ vào sự phục hồi và phát triển của 2 nền kinh tế Anh, Đức kéo theo thị trường bất động sản, nội thất văn phòng hồi phục.

>>Brexit tác động thế nào đến tình hình xuất khẩu gỗ Việt Nam?

Theo ông Phạm Tuấn Long - Trưởng văn phòng SPS, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: "Dù đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu gỗ nhưng Việt Nam mới chiếm 1 - 2% tổng thị phần thế giới, chính vì thế dư địa cho ngành còn rất cao. EVFTA và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT/VPA) được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho ngành chế biến gỗ Việt Nam mở rộng thị phần, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, các thuận lợi như lực lượng lao động có kỹ năng, chi phí lao động thấp, sự ổn định về chính trị và điều kiện vị trí thuận lợi của Việt Nam hứa hẹn được phát huy và tạo ra những đột phá nhất định trong thu hút đầu tư FDI, tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh".

Cũng theo ông Long thì khi EVFTA và FLEGT/VPA được ký kết, ngành gỗ Việt Nam bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu như sự phục hồi chậm của EU, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, còn phải đối mặt với những khó khăn như phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, năng lực cạnh tranh chưa cao, đặc biệt là các rào cản thương mại, kỹ thuật phức tạp, trong đó phải kể đến quy trình xây dựng nguồn gỗ hợp pháp theo FLEGT/VPA.

Thách thức từ nguồn gỗ hợp pháp

Theo LS. Vũ Xuân Hưng - Phó phòng Pháp chế trọng tài, Trung tâm Xúc tiến thương mại TP.HCM: "Theo FLEGT, VPA, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu đồ gỗ vào EU nếu gỗ nguyên liệu (trong nước hoặc nhập khẩu) được cấp chứng chỉ Quản trị rừng thế giới (FSC), tức đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững. Đây là yêu cầu mang tính quyết định đối với ngành đồ gỗ Việt Nam ở thị trường EU".

Lâu nay các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam như Úc, Mỹ và EU đều đặt ra quy định gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp từ nguồn rừng trồng và quy định này áp trực tiếp lên nhà nhập khẩu. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Việt Nam vẫn chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn quốc gia về phát triển rừng bền vững.

Hiện chỉ có khoảng 200.000ha gỗ rừng trồng của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Trong khi yêu cầu về nguồn gỗ trong các năm tới là phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC. Đây là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

>>Doanh nghiệp gỗ và cơn khát nguyên liệu

Để có thể chủ động nguồn gỗ hợp pháp bằng cách tăng diện tích rừng trồng theo chứng nhận FSC, ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty Hưng Phát 2 cho biết: "Để trồng rừng theo chứng chỉ FSC, đơn vị trồng rừng cần nắm rõ thông tin về tình hình phát triển chung của ngành trên thị trường cũng như thế giới. Người trồng rừng cần nhận thức được giá trị của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC vì không những mang lại lợi nhuận (gỗ có chứng chỉ FSC có giá cao hơn gỗ thường từ 20 - 30%) mà còn tác động tốt đến môi trường và sự biến đổi khí hậu, là xu thế phát triển bền vững của thế giới. Ngành gỗ Việt Nam thiếu thông tin do thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị trồng rừng. Chúng ta còn chưa có hiệp hội gỗ mà mới chỉ có hiệp hội chế biến gỗ. Doanh nghiệp trồng rừng Việt Nam rất mạnh, nhiều hộ trồng cao su, trồng tràm bông vàng có diện tích lớn nhưng lại hoàn toàn đứng đơn lẻ".

Bên cạnh những khó khăn về việc xác lập nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp cho chế biến, theo ông Quyền, doanh nghiệp gỗ cần vượt qua những hạn chế như yếu vốn, kinh nghiệm, khả năng đi đường dài, thiếu năng lực dự báo cung cầu, chưa làm tốt xúc tiến thương mại và quảng bá cho ngành.

Để phát triển, đầu tiên, doanh nghiệp cần phải xem ngành gỗ là ngành công nghiệp chế biến chứ không phải ngành lâm nghiệp, từ đó có kế hoạch xây dựng hướng phát triển thị trường, phát triển logistics, giảm giá thành, xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ trước triển vọng thuế suất 0%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO