Năng lượng tái tạo: Trước lực cản EVN

MINH HIỀN - Thạc sỹ kinh tế, Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne - Pháp| 14/11/2013 09:58

Công nghệ năng lượng tái tạo hiện trở thành một lĩnh vực đầu tư được nhiều chính phủ ưu tiên. Nhưng dường như, lĩnh vực được kỳ vọng này vẫn đang bị nghẽn tại Việt Nam.

Năng lượng tái tạo: Trước lực cản EVN

Công nghệ năng lượng tái tạo hiện trở thành một lĩnh vực đầu tư được nhiều chính phủ ưu tiên. Nhưng dường như, lĩnh vực được kỳ vọng này vẫn đang bị nghẽn tại Việt Nam.

Đọc E-paper

Nhu cầu lớn

Việt Nam là nước có nhu cầu tiêu thụ năng lượng tương đối lớn với khoảng 39,9% tổng năng lượng tiêu thụ thuộc về sản xuất công nghiệp, 33,4% tổng năng lượng tiêu thụ phục vụ nhu cầu dân sinh và 22% phục vụ nhu cầu giao thông vận tải.

Đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 6 lần so với năm 2010 và dự kiến phải nhập khẩu than cho sản xuất điện sau năm 2015.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 mới đây đề ra ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo gồm: thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sinh khối.

Theo đó, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn tái tạo sẽ chiếm 5,6% tổng công suất nguồn điện và đáp ứng 4,5% tổng nhu cầu điện vào năm 2020. Đến năm 2030, tỷ trọng này sẽ tăng lên 9,4% tổng công suất nguồn điện và đáp ứng 6% tổng nhu cầu về điện.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo. Đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi lượng vốn lớn, khiến nhà đầu tư phải chịu rủi ro cao.

Vì vậy, Chính phủ đưa ra các chính sách tập trung vào hỗ trợ nguồn vốn và chi phí vay vốn cho doanh nghiệp với cơ chế tài trợ đầu tư, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm và bảo hiểm tín dụng với mức phí ưu đãi.

Tính đến nay, nhà máy điện gió tại Bạc Liêu là một ví dụ về dự án đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ thông qua sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam. Dự án này đã vay được 70% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 1 và dự kiến sẽ được vay 85% tổng vốn khi sang giai đoạn 2.

Dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và Bộ Công Thương điều phối thực hiện trong những năm gần đây cũng đã cung cấp tổng số tiền vay lên tới 78 triệu USD với lãi suất ưu đãi cho 9 dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 30MW.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với năng lượng tái tạo khi ban hành Nghị định số 38, trong đó chỉ rõ năng lượng tái tạo là một trong hai loại hạ tầng năng lượng được ưu tiên tiếp cận nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Dự án năng lượng tái tạo cũng được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật tư để xây dựng ban đầu cũng như khi mở rộng sản xuất. Ngoài ra, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải cũng nằm trong số các lĩnh vực được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm.

Trong khi đó, mức thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí - các nguồn nguyên liệu hóa thạch chính sử dụng làm năng lượng hoặc sản xuất năng lượng tại Việt Nam - nằm ở mức cao hơn hẳn, trong khoảng từ 32% đến 50% tùy từng dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn có các chính sách hỗ trợ giá thị trường cho năng lượng tái tạo. Bắt đầu từ năm 2008, Bộ Công Thương hằng năm đều ban hành biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo (chi phí tránh được là chi phí sản xuất 1kWh của tổ máy phát có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia).

Biểu giá chi phí tránh được giúp các dự án thủy điện nhỏ bán được điện với giá tương đương với các nhà máy điện lớn khác đang sử dụng các nguồn nhiên liệu không tái tạo.

Đối với các nhà máy sản xuất điện gió, giá bán điện của các nhà máy điện gió nối lưới được quy định là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 US cent/kWh), trong đó Chính phủ hỗ trợ trực tiếp 207 đồng/kWh (tương đương 1 US cent/kWh), bên mua điện chi trả phần còn lại.

Điểm nghẽn EVN

Tuy Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra ngần ngại với lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam do điều mà họ quan tâm nhất vẫn chưa được giải quyết, đó là cơ chế quản lý ngành điện còn thiếu tính thị trường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện vẫn là người mua buôn duy nhất trên thị trường ở mức giá điều hành cứng nhắc khiến các nhà đầu tư không thể chủ động về nguồn tiêu thụ và giá cả đầu ra của mình.

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo được ban hành quá nhiều bởi các cơ quan khác nhau dẫn tới chồng chéo và đôi khi mâu thuẫn trong chính sách, không tạo nên khung pháp lý thống nhất cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Một điểm quan trọng là EVN vẫn mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo ở mức giá thấp hơn giá thành, trong khi trợ giá của Chính phủ chỉ bù đắp được một phần hạn chế. Điều này khiến các nhà đầu tư nản lòng vì giá bán và doanh thu quá thấp so với đầu tư vào các ngành khác.

Thêm vào đó, thủ tục đầu tư và vận hành các dự án năng lượng tái tạo rất phức tạp với sự tham gia của quá nhiều cơ quan chức năng khiến nhà đầu tư tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhờ tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý và điều kiện khí hậu. Nhu cầu về năng lượng của Việt Nam cũng rất lớn và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và gây áp lực cho các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng hiện nay.

Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp đúng đắn phù hợp với xu thế toàn cầu nhưng Chính phủ Việt Nam phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và ban hành các chính sách thiết thực để huy động hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển nguồn năng lượng này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năng lượng tái tạo: Trước lực cản EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO