Mở lối ra cho nông sản

THANH NGÂN| 06/09/2016 08:25

Các mặt hàng nông sản, đặc sản nhờ các hoạt động kết nối cung cầu đã có đầu ra tại các chuỗi bán lẻ lớn trong nước và cả thị trường nước ngoài.

Mở lối ra cho nông sản

Các mặt hàng nông sản, đặc sản nhờ các hoạt động kết nối cung cầu đã có đầu ra tại các chuỗi bán lẻ lớn trong nước và cả thị trường nước ngoài.  

Đọc E-paper

Kết nối cung cầu

Hàng ngoại tràn ngập thị trường đã khiến doanh nghiệp (DN) trong nước vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Để hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tìm thị trường, đã có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu do các cơ quan chức năng triển khai.

Trong đó, hằng năm, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức chương trình kết nối nhà sản xuất với bán lẻ ở khu vực Nam Bộ. Năm 2015, Cục Công nghiệp Địa phương (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM, Long An, Bình Dương kết nối các cơ sở sản xuất với các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Big C, Satra...

Cũng với mục đích kết nối, đầu tháng 8 này, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (gọi tắt là Sở) đã tổ chức Phiên chợ Nông sản an toàn. Hai tuần một lần, vào ngày thứ 7 và Chủ Nhật, Phiên chợ Nông sản an toàn được tổ chức tại khuôn viên của Sở (176 đường Hai Bà Trưng, phường Đakao, quận 1).

Theo đại diện Sở, phiên chợ không chỉ bán sản phẩm mà là nơi để người tiêu dùng và nhà sản xuất gặp nhau, giúp DN tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Các phiên chợ này cũng là nơi kiểm chứng về độ an toàn của sản phẩm để tiến tới thực hiện mục tiêu sản xuất và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Sau các phiên chợ, sản phẩm sẽ được tiêu thụ ổn định thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Trước Phiên chợ Nông sản an toàn, từ tháng 4/2016 đến nay, Phiên chợ Xanh tử tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) triển khai đã thu hút nhiều DN và người mua hàng. Tại đây, người tiêu dùng mua được "rau sạch", "gạo sạch", biết được nguồn gốc nông sản và kết nối với người sản xuất. Thông qua việc bán hàng trực tiếp, tư vấn và tiếp cận mạng lưới chuyên nghiệp ở TP.HCM, nhiều nông gia, hợp tác xã làng nghề được tiếp cận thị trường đông dân nhất nước.

Các hoạt động trên phần nào đã giúp DN kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối. Báo cáo tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở nông nghiệp với hệ thống phân phối khu vực phía Nam năm 2016 vào cuối tháng 7 vừa qua, từ năm 2014 đến nay đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương với tổng giá trị lên đến 20.000 tỷ đồng.

Tăng đầu ra cho nông - đặc sản

Nhược điểm của các DN nhỏ là chưa biết cách quảng bá thương hiệu, chưa tạo cho người tiêu dùng cảm nhận được chất lượng sản phẩm tốt. Vì vậy, để nông sản, đặc sản được tiêu thụ rộng rãi, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng còn có sự chung tay của các nhà bán lẻ. Trong đó, phải kể đến vai trò của Saigon Co.op (sở hữu thương hiệu Co.opmart), Big C Việt Nam, Lotte Việt Nam...

Từ năm 2009 đến nay, Saigon Co.op đã ký kết với nhiều nhà sản xuất, cho ứng vốn, bao tiêu sản phẩm để các hợp tác xã, DN sản xuất các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng.

Saigon Co.op đã thành lập bộ phận chuyên tìm kiếm và hỗ trợ đưa sản phẩm của DN nhỏ vào siêu thị song song với việc kết hợp với các đơn vị khác tổ chức huấn luyện, hướng dẫn thủ tục về giấy tờ, xây dựng nhãn hiệu, quy cách đóng gói, hỗ trợ trưng bày cho nông gia, hộ sản xuất.

Với cách làm này, nhiều loại nông sản đã có đầu ra và giá ổn định khi được Saigon Co.op bao tiêu. Và cũng nhờ đó, nhiều đặc sản như chả Năm Thụy (Trà Vinh), rượu Phú Lễ (Bến Tre)... đã có mặt tại hệ thống Co.opmart.

Đồng hành cùng hàng Việt, từ nhiều năm nay, Big C Việt Nam đã tích cực hỗ trợ DN, đặc biệt là DN địa phương, nhà cung cấp nhỏ và vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Big C còn thành lập Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN nhỏ và vừa và triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ DN, như giúp nhà sản xuất hoàn thiện bao bì, nhãn mác, hỗ trợ quầy kệ trưng bày riêng, rút ngắn thời hạn thanh toán để nhà cung cấp có vốn xoay vòng.

Nhờ đó, nhiều thương hiệu của các DN gia đình, DN nhỏ và vừa như mắm Bà Giáo Khỏe (An Giang), rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ), rượu Ba Kích (Quảng Ninh), cà chua Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt)... mở rộng phạm vi phân phối.

Không chỉ được tiêu thụ trong nước, sản phẩm của các DN nhỏ và vừa còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Tính đến cuối năm 2015, có hơn 700 mặt hàng nông sản, đặc sản của các DN được tiêu thụ tại Pháp thông qua Big C.

Song song với các chương trình hỗ trợ từ cơ quan chức năng và nhà phân phối, gần đây, các siêu thị đã tạo điều kiện để hàng Việt vào siêu thị Việt nhiều hơn. Chẳng hạn như Vingroup hỗ trợ chiết khấu ở mức 0% cho DN Việt, Saigon Co.op tổ chức hội nghị nhà cung cấp để lắng nghe ý kiến DN... Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Lâm - TGĐ Công ty TNHH Thương mại Saigon Food cho rằng, đây là những tín hiệu vui cho DN trong nước.

"Gần đây một số siêu thị ngoại đã đề nghị đến tham quan nhà máy sản xuất và bàn chương trình hợp tác với DN. Mười năm qua nhiều lần DN mời siêu thị đến tham quan nhà máy sản xuất nhưng bị phớt lờ. Nay có những siêu thị chủ động đề nghị như vậy là điều đáng mừng", bà Thanh Lâm nói.

>Thị trường đặc sản Việt: Vào siêu thị, ra nước ngoài

>Phiên chợ cho những người “làm nông tử tế”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở lối ra cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO