Mạng đặt chỗ online: Sức ép của người khổng lồ

BÌNH NGUYÊN/DNSGCT| 28/04/2014 07:00

Hội nhập đã đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài.

Mạng đặt chỗ online: Sức ép của người khổng lồ

Hội nhập đã đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài.

Đọc E-paper

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có thời gian tự điều chỉnh trước khi các hàng rào thuế quan dần được giảm thiểu hoặc dỡ bỏ, các doanh nghiệp trong ngành truyền thông online không hề có lợi thế đó. Hơn thế, những tập đoàn toàn cầu đã bước vào chiếm lĩnh sân nhà Việt Nam trước khi người Việt kịp hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra.

Google, Facebook, và YouTube là những ví dụ điển hình. Các trang web này lần lượt nắm ba vị trí cao nhất trong số các website được truy cập nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia khác.

Các mô hình online này đã hướng dẫn người Việt làm quen với những khái niệm hoàn toàn mới như tìm kiếm trên mạng hay kết nối mạng xã hội. Doanh nghiệp Việt Nam muốn xây dựng những mô hình tương tự để cạnh tranh với các mô hình trên là một bài toán cực khó, các ví dụ trong ngành mạng đặt chỗ online có thể coi là những điển hình.

Theo báo cáo về tương lai số ở Đông Nam Á của Comscore năm 2013, các công ty thuộc sở hữu của priceline.com (đơn vị sở hữu agoda.com) chiếm vị trí đầu tiên về số người truy cập (unique visitor) ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Thực tế diễn ra đúng như báo cáo khi phần nhiều các khách du lịch Việt Nam đều chọn Agoda nếu muốn đặt khách sạn online bằng thẻ tín dụng của họ. Agoda đã chiếm được một từ khóa trong tâm trí khách hàng khi họ nghĩ tới việc đặt khách sạn.

Riêng trong lĩnh vực này, Agoda đã trở thành “Google” và “Facebook” ở Việt Nam, một vị trí vững vàng không dễ lay đổ. Tỷ lệ đặt chỗ qua các OTA (mạng đặt chỗ online) qua agoda.com của các hệ thống khách sạn năm sao lớn ở Việt Nam hiện nay đã chiếm khoảng 35 – 40%.

Tỷ lệ này ở các khách sạn ba sao hay bốn sao tuy ít hơn, nhưng cũng dao động từ 15% tới 25%. Xu thế đặt chỗ khách sạn online đang lên nhưng thị phần rơi hết vào tay các “đại gia” nước ngoài như agoda.com.

Có thể điểm qua vô số những OTA Việt Nam đã xuất hiện trong thời gian qua để cạnh tranh với người khổng lồ Agoda. Nổi bật hơn cả là chudu24h.com, ivivu.com và mytour.vn.

Cách tiếp cận cơ bản và cách định vị rõ ràng đã tạo cho các mạng đặt chỗ này một vị trí nhất định dù còn khiêm tốn trong hệ thống đặt chỗ online hiện nay. Theo báo cáo của Comscore, mytour.vn hiện đứng vị trí số hai trong các website đặt chỗ online được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam.

Một số trang khác như mangdatphong.vn, checkinvietnam.com, vnbooking.com cũng liên tục xuất hiện trong thời gian qua nhưng chưa tạo ra bất kỳ một dấu ấn nào trong tâm trí khách hàng. Mạng yesgo.vn mới ra mắt gần đây gây ấn tượng hơn cả với nỗ lực quảng bá rộng khắp trên hầu hết các kênh online tốt nhất hiện nay như Google và Facebook.

Tuy vậy, cuộc chiến với người khổng lồ trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn Agoda vẫn như một “điệp vụ bất khả thi” bởi một số lý do quan trọng. Thứ nhất, Agoda bước vào thị trường đầu tiên và như đã nói ở trên, nó chiếm một từ khóa trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn online trong tâm trí người Việt. Nghĩ đến chuyện tìm kiếm khách sạn khi đi đâu đó là nghĩ đến Agoda.

Thay đổi và thách thức lại người tiên phong là một bài toán nan giải cho người đến sau, cho dù đó là các OTA Việt Nam hay ngay cả những OTA tên tuổi như booking.com hay expedia.com. Cả hai mạng đặt chỗ “đỉnh” của thế giới này đều đã có phiên bản tiếng Việt khá hoàn thiện nhưng cũng chưa thể cạnh tranh với Agoda.

Thứ hai, người Việt có thói quen tin vào sự chuyên nghiệp của các tập đoàn toàn cầu hơn là những doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong những lĩnh vực cần niềm tin như đặt chỗ qua mạng, các doanh nghiệp Việt Nam dù nỗ lực làm ăn đứng đắn cũng không dễ thay đổi tâm lý này của người dân.

Thứ ba, tỷ lệ đặt phòng khách sạn qua Agoda ngày càng tăng mạnh khiến cho họ dễ dàng gây sức ép với hệ thống khách sạn để có thể được mức chiết khấu tốt nhất, dẫn tới giá trên agoda.com luôn cạnh tranh nhất so với các OTA khác. Hoàn toàn không dễ để các OTA mới khởi động có được mức giá cạnh tranh như Agoda đã có.

Thứ tư, các OTA mới ra đời của Việt Nam khó có tính chuyên nghiệp và sự tối ưu như Agoda, một mạng đặt chỗ đã có lịch sử từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Những trục trặc thường thấy khi đặt chỗ trên các mạng Việt Nam khiến các OTA này gần như không có cơ hội được quay trở lại lần thứ hai.

Không tiên phong, không giá rẻ và không tiện lợi, các mạng đặt phòng khách sạn mọc lên như nấm hiện nay ở Việt Nam không có cơ hội cạnh tranh với người khổng lồ toàn cầu, và thị trường vẫn luôn tuân theo quy luật 80/20 của nó: người dẫn đầu nắm gần như phần lớn thị phần và số đông những kẻ theo đuôi chỉ tranh nhau phần ít ỏi còn lại.

Lĩnh vực đặt chỗ vé máy bay ở Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Vẫn theo báo cáo của Comscore, website đặt chỗ của VietJet Air và Vietnam Airlines lần lượt chiếm hai vị trí thứ ba và thứ tư ở Việt Nam.

Trong khi đó, ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines…, hãng hàng không giá rẻ AirAsia luôn nằm ở tốp đầu cùng với các hãng hàng không nội địa của các quốc gia đó.

Mạng đặt chỗ của hai hãng lớn VietJet Air và Vietnam Airlines xếp thứ hạng cao là dễ hiểu bởi cả hai đều nổi bật trong tâm trí người Việt với tư cách là hãng hàng không giá rẻ và hãng hàng không quốc gia của Việt Nam.

Bị ấn tượng bởi hệ thống phòng vé offline hiện diện khắp nơi và sự quảng bá mạnh mẽ trên hầu hết các kênh truyền thông lớn tại Việt Nam, du khách Việt Nam đương nhiên sẽ có xu hướng truy cập vào trang web của hai hãng hàng không này nếu có nhu cầu đặt vé máy bay trực tuyến.

Sẽ còn nhiều mạng đặt chỗ online của Việt Nam ra đời trong thời gian tới để cạnh tranh với Agoda cũng như các OTA nước ngoài khác đang nỗ lực xâm nhập. Cuộc chiến với người khổng lồ này sẽ lâu dài và phức tạp cho các OTA trong nước, và bài học từ hai mạng booking của VietJet Air và Vietnam Airlines có thể sẽ là câu trả lời.

Một hệ thống bán hàng offline khắp nơi kết hợp với kế hoạch quảng bá khôn ngoan sẽ là những cách đi dù khó khăn nhưng phù hợp. Giá cả cạnh tranh và cảm giác thuận tiện có thể là những yếu tố cần nhưng chưa đủ nếu các OTA Việt Nam chưa thực sự nghĩ tới việc làm thế nào để chiếm chỗ trong tâm trí khách hàng. Khách hàng sẽ chỉ đặt chỗ trên một OTA Việt Nam khi OTA ấy thực sự có chỗ trong tâm trí của họ.

>Kinh doanh đặt phòng trực tuyến: Chưa dễ ăn
>Cơ hội cho các dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạng đặt chỗ online: Sức ép của người khổng lồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO