Loạn kim cương nhân tạo

NGUYỄN MẠNH DƯƠNG; Ảnh: QUÝ HÒA| 04/08/2010 04:33

Thị trường kim cương tự nhiên tại Việt Nam đang đối mặt với sức cạnh tranh từ các sản phẩm kim cương nhân tạo.

Loạn kim cương nhân tạo

Thị trường kim cương tự nhiên tại Việt Nam đang đối mặt với sức cạnh tranh từ các sản phẩm kim cương nhân tạo. Sự cạnh tranh này không chỉ là trào lưu mới về mua sắm, mà là từ sự không rõ ràng trong kinh doanh dòng sản phẩm này.

Bài 1: Kim cương, kênh đầu tư?

Hàng châu Âu, giá... Việt

Yến, nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1 tự hào khoe ra chiếc nhẫn có gắn một viên đá sáng lấp lánh, mà theo cô là kim cương nhân tạo. Nhưng cái giá mà Yến tiết lộ còn gây sốc hơn: chỉ 500 ngàn đồng.

Kim cương nhân tạo (ảnh minh họa)

Loại nhẫn kim cương nhân tạo mà Yến mua vốn đã xuất hiện cách đây vài năm, nhưng sức tiêu thụ đột nhiên tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Địa điểm được giới thiệu rộng rãi nhất phải kể đến là Công ty Ngọc Long Châu, có trụ sở chính tại chợ Bàn Cờ, quận 3, TP.HCM.

Giá bán sản phẩm nơi đây khá đa dạng, nhưng cũng chỉ ở mức vài trăm ngàn cho đến 1 triệu đồng. Kích cỡ các viên kim cương nhân tạo của Ngọc Long Châu cũng giống như kích cỡ của các hạt kim cương tự nhiên, từ 1,2 - 15 ly. Các hạt kim cương nhân tạo này được gắn cho bông tai, nhẫn, mặt dây chuyền...

Để chiều lòng khách hàng, tại tiệm của Ngọc Long Châu có sẵn các sản phẩm nữ trang đã gắn sẵn kim cương, hoặc nếu thích, khách có thể tự chọn cho mình một viên rồi đính vào nữ trang sau. Công ty cũng sẵn sàng giao hàng tận nơi nếu có yêu cầu.

Đắt giá hơn kim cương nhân tạo ở chợ Bàn Cờ là kim cương bán tại một số cửa hàng nữ trang ở khu vực quận 1, trung tâm thương mại An Đông ở quận 5. Giá bán một chiếc nhẫn, hoặc một đôi bông tai khoảng 2 đến 5 triệu đồng. Theo một người sành kim cương, sở dĩ sản phẩm có đính kim cương nhân tạo này cao hơn khu vực chợ Bàn Cờ, không phải do chất liệu kim cương nhân tạo tốt hơn, mà là do chất liệu của nhẫn, vòng, bông tai... tốt, có thể là vàng trắng, hoặc vàng ít tuổi.

Theo như lời giới thiệu của ông Dương Bình, Giám đốc Công ty Ngọc Long Châu, sản phẩm kim cương nhân tạo được nhập khẩu từ châu Âu. Sản phẩm này có thành phần giống với kim cương tự nhiên do được tạo ra từ mầm kim cương tự nhiên, sau đó dùng nhiệt độ cao, áp suất cao tái tạo cacbon thành kim cương, cuối cùng là mài cắt bằng máy chuyên dụng, nên có độ cứng gần... bằng với kim cương tự nhiên, có độ chiếu theo tiêu chuẩn thế giới...

Không chỉ giám đốc Ngọc Long Châu quảng bá cho sản phẩm do mình, mà trên trang web, công ty này còn có nội dung tuyên truyền: “Sản phẩm của chúng tôi giống kim cương thiên nhiên tới 98%. Nếu nhìn bằng mắt thường không bao giờ nhận ra”.

Đừng hớ!

Quảng cáo như kiểu Ngọc Long Châu, xem ra có quá nhiều mâu thuẫn. Một chuyên viên về kiểm định kim cương Công ty SJC cho rằng, không thể có chuyện có kim cương nhân tạo xuất xứ từ châu Âu mà giá bán lại rẻ như vậy. Giải thích rõ hơn về nguồn gốc của kim cương nhân tạo, ông Lê Hữu Hạnh, Công ty PNJ giải thích từng bước.

Từ hơn 10 năm qua, ngành sản xuất nữ trang đã sử dụng loại đá thay thế cho kim cương tự nhiên gọi là Cubic Zirconia (CZ), dùng để làm những sản phẩm trung cấp trở xuống, giá trị chỉ bằng một phần ngàn so với kim cương tự nhiên. Bởi CZ không đạt được độ bền, độ chiếu, các giác cắt mài không hoàn hảo..., nên dân trong nghề không gọi đó là kim cương nhân tạo, mà gọi là xoàn Mỹ, xoàn Thái, hoặc Nga...

Bên cạnh CZ còn có thêm một loại gọi là xoàn dầu, có công nghệ tiên tiến hơn. Nhìn kỹ giác cắt không bằng kim cương tự nhiên, nhưng đã tương đối hoàn hảo hơn. Vì có màu hơi ánh ngà, nên được gọi là xoàn dầu. Giá của nó đắt hơn CZ khoảng 3 lần. So với kim cương tự nhiên, một viên 2,5 ly xoàn dầu thấp hơn viên kim cương cùng loại khoảng 700 lần. Sản phẩm này được bán nhiều ở chợ Hòa Bình, An Đông.

Cách đây 5 năm, thị trường Việt Nam đã xuất hiện một sản phẩm đá tổng hợp, có độ cứng và độ khúc xạ ánh sáng tương đương với kim cương tự nhiên. Sản phẩm này được gọi bằng tên Moissanite. Một số doanh nghiệp nước ngoài phân phối Moisainite đã vào các trung tâm thương mại như: Parkson, Vincom... Gía của Moossanite thấp hơn kim cương tự nhiên 15 - 20 lần.

Kim cương nhân tạo màu trên thị trường hiện nay thực chất chỉ là viên đá nhân tạo, được bàn tay con người xử lý để vươn đến độ lấp lánh, độ trong, cứng và đẹp mắt như kim cương thật. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng nó bị định giá quá cao, vượt nhiều lần giá trị thực, bởi độ lấp lánh của những viên đá tổng hợp sẽ nhanh chóng phai mờ.

Theo ông Đỗ Tường Huy, Trưởng phòng Giám định Sacombank-SBJ, các loại đá nhân tạo như Cz, hoặc Mossanite được dùng để “nhái” kim cương. Và các loại đá này cũng hoàn toàn khác với kim cương nhân tạo như Cvd, Hpht..

Ông Huy cho rằng, trong trường hợp đá thuộc loại “nhái” như Cz, Moissanite... thì theo thông lệ quốc tế, tên đá phải nên công bố là đá tổng hợp để người mua tránh nhầm lẫn.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, các loại “kim cương nhân tạo” có giá vài trăm ngàn đồng/viên tại Việt Nam không thể gọi là kim cương nhân tạo. Còn việc chọn mua là quyền quyết định của khách hàng. Nhưng có một điều mà theo giới kinh doanh kim cương lưu ý là kim cương nhân tạo đắt giá tại Việt Nam chỉ bán ra chứ không mua lại.

Một viên kim cương tự nhiên thông thường bán ra, công ty kiếm lời 5 - 10%, nhưng luôn có trách nhiệm mua lại với tỷ lệ thỏa thuận. Còn kim cương nhân tạo có lợi thế về giá khi mua, nhưng nếu bán ra không ai mua thì cũng kể như mất giá trị.

Hiện cũng có một số công ty ở Việt Nam mua lại kim cương nhân tạo, nhưng động thái đó chỉ... để dụ. Khi mua lại, họ luôn đưa ra các điều kiện như viên kim cương không được trầy xước. Mà đã là nhân tạo thì làm sao tránh được trầy xước!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loạn kim cương nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO