Làm sao để tăng xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc?

XUÂN LỘC/DNSGCT| 19/10/2013 08:57

Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn rất hạn chế.

Làm sao để tăng xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc?

Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn rất hạn chế.

Nhận thấy đây là một trong những thị trường tiềm năng của ngành nông nghiệp nước ta, sáng ngày 4/10, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm WTO tổ chức hội thảo “Tiếp cận thị trường Hàn Quốc từ hiệp định ASEAN - Hàn Quốc và cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”.

Các ý kiến tại hội thảo đã mở ra một hướng đi mới cho ngành nông sản trong nước, góp phần cải thiện đời sống người nông dân.

Vì sao nông sản Việt Nam khó vào Hàn Quốc?

Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc vốn được xem là thị trường khó tính vì có những quy định chặt chẽ về điều kiện đối với nông sản nhập khẩu. Mặt khác, giới nhập khẩu nông sản Hàn Quốc cũng chuộng mối quan hệ uy tín lâu dài.

Nếu các nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan đã thâm nhập và chiếm lĩnh được thị trường Hàn Quốc thì Việt Nam chỉ là “người đến sau” nên muốn vượt qua các đối tác đã có được thị phần đáng kể là điều không mấy dễ dàng.

Rào cản hạn chế xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc trước hết là các quy định về nhập khẩu rau quả của thị trường này hết sức nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành.

Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản sản phẩm…

Tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc đều do Bộ Kinh tế - Tri thức kiểm soát. Đối với một số loại rau quả, Hàn Quốc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu do các hiệp hội ngành hàng hoặc các cơ quan bộ ngành có liên quan quản lý.

Khi có lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch thì mặt hàng nhập khẩu sẽ bị áp dụng mức thuế nhập khẩu rất cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của đối tác xuất khẩu.

Xem xét các mặt hàng nông sản mà Hàn Quốc nhập khẩu trong thời gian qua, có thể thấy các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam gần như chưa có được kết quả đáng kể gì trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần tại thị trường này.

Về trái cây, Hàn Quốc đang sử dụng thường xuyên sản phẩm nhập từ Philippines, Mỹ và Thái Lan, còn rau thì từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật. Chỉ có mặt hàng hải sản là Việt Nam vẫn đang có thị phần xứng đáng cùng với Trung Quốc và Nhật.

Theo đại diện của Tập đoàn Lotte (một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu tại Hàn Quốc), những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng lớn ở Hàn Quốc là thủy sản (tôm, mực lá, cá cơm, cá hú, cá diêu hồng, ghẹ, bạch tuộc…), trái cây (dừa, chanh dây, thanh long, xoài, măng cụt, chôm chôm, đu đủ, ổi…), rau củ quả (ớt, cà rốt, tỏi, gừng, nấm, bông cải xanh, rau diếp, cải thảo…).

Theo nhận xét của các nhà đầu tư Hàn Quốc, nông sản Việt Nam khá rẻ so với Thái Lan và Trung Quốc nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Một vài điểm yếu mà nông sản xuất khẩu Việt Nam hay mắc phải là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm (lẫn nhiều sản phẩm hỏng), lẫn nhiều dị vật (đất, tóc, lá cây…). Trong đó, hai lỗi mà các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phản ứng gay gắt nhất là tình trạng lẫn dị vật hoặc lẫn nhiều sản phẩm hỏng.

Cần nói thêm rằng trong các quy định nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc, yêu cầu về kỹ thuật đông lạnh là khắt khe nhất, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa đầu tư được máy móc thiết bị tương xứng. Riêng thanh long, chuối được nhập khẩu tươi vào Hàn Quốc nhưng phải qua kiểm nghiệm nghiêm ngặt về nhiệt độ.

Thêm vào đó, do chưa nắm bắt rõ các quy định làm thế nào để thông quan nhanh nên hàng của Việt Nam thường không còn tươi mới khi đến được địa điểm nhận hàng. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng lô hàng xuất khẩu đầu tiên, nếu việc thông quan lô hàng đó trót lọt thì những lần tiếp theo là có biểu hiện lơ là.

Các lô hàng trong những lần xuất khẩu về sau vẫn bị phía Hàn Quốc kiểm tra kỹ như lô hàng đầu nên nếu có lỗi là doanh nghiệp Việt Nam sẽ chẳng những mất mối hàng, mà còn bị phạt rất nặng.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh

Một trong những lợi thế hiện nay là nhiều công ty Hàn Quốc chuyên nhập hàng của Trung Quốc và Mỹ muốn chuyển sang mua hàng của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường để giảm thiểu rủi ro.

Hơn nữa, thời gian gần đây, các mặt hàng Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại nên uy tín đã bị giảm sút đáng kể. Mùa đông ở Hàn Quốc kéo dài đến năm tháng nên rau quả tươi sống trong mùa này thường rất đắt. Trong các tháng từ 11 đến 12 là mùa làm kim chi nên nhu cầu nhập khẩu rau cải thảo, gừng, ớt tươi của người Hàn rất lớn.

Khi xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về các quy định trong Luật Nhập khẩu của nước này, nhất là các mặt hàng cấm. Chẳng hạn dưa hấu được sản xuất trong nước đã đủ nhu cầu tiêu dùng nên được xếp vào hàng cấm nhập khẩu.

Cũng có khi một số mặt hàng bị cấm nhập khẩu vì phía Hàn Quốc chưa kiểm định được chất lượng, chẳng hạn gạo nhập từ Trung Quốc. Mức thuế nhập khẩu khi hàng vào Hàn Quốc cũng khá cao, chẳng hạn đối với chuối là 45%, với dứa, bơ, ổi đều 30%, với thanh long lên tới 45%.

Từ năm nay, sau khi mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc có những cải thiện đáng kể, hứa hẹn nông sản xuất khẩu của nước ta sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn.

Ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tránh để tồn tại tình trạng lẫn lộn sản phẩm hư, dị vật thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý về nhãn mác (quan trọng nhất là thông tin chi tiết của nhà nhập khẩu và tên gọi, nguồn gốc của sản phẩm), giấy chứng nhận y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm cần được dịch sang tiếng Hàn.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các đối tác Việt Nam do thông tin do các doanh nghiệp ta cung cấp khá hời hợt hoặc chỉ ghi thông tin chung chung, lại thể hiện bằng tiếng Việt.

Các đối tác Hàn Quốc khi giao tiếp rất mong những cuốn catalogue giới thiệu đầy đủ về các sản phẩm nông sản, còn vào bàn đàm phán, họ muốn đối tác Việt Nam khẳng định rõ khả năng cung cấp là bao nhiêu, thời gian giao hàng, giá bán...

Theo kinh nghiệm của một số người từng giao thương tại thị trường này, các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam nên tạo mối quan hệ trực tiếp với đối tác Hàn Quốc hoặc thông qua đại lý tin cậy của họ để hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn của ngành hàng, thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm, cách thông quan hàng xuất khẩu nhanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm sao để tăng xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO