Kinh tế hợp tác xã và những điển hình đổi mới

NGUYÊN BẢO - THIÊN YẾT| 25/08/2016 01:36

Kinh tế hợp tác xã của Việt Nam đang trong quá trình đổi mới để phát huy tính hiệu quả, dù mô hình kinh tế này đã có bước đột phá cách đây 28 năm.

Kinh tế hợp tác xã và những điển hình đổi mới

Năm 2015, quy mô nền kinh tế (GDP) đạt 204 tỷ USD, trong đó kinh tế hợp tác đóng góp 6,5%, tức 13,26 tỷ USD (riêng kinh tế hợp tác tại TP.HCM đã đóng góp khoảng 1%). Mức này vẫn còn quá khiêm tốn so với hơn 20.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã cùng 150.000 tổ hợp tác trên cả nước.

Đọc E-paper

Kinh tế hợp tác xã của Việt Nam đang trong quá trình đổi mới để phát huy tính hiệu quả, dù mô hình kinh tế này đã có bước đột phá cách đây 28 năm từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa VI), ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là Khoán 10).

Nói về kinh tế hợp tác xã, GS-TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, bản thân mô hình kinh tế hợp tác không tiêu cực, quan trọng là người đứng đầu hợp tác xã phải có sự thay đổi trong tư duy quản trị và phân định rõ lợi ích của thành viên. Ngay như các hợp tác xã nông nghiệp sẽ không đi đến đâu nếu các xã viên (nông dân) không được làm chủ tài sản của họ (ruộng đất).

Chúng tôi đến xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tìm hiểu hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Phước An (hợp tác xã Phước An), một trong những hợp tác xã đầu tiên của TP.HCM sản xuất và cung cấp rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Không khí làm việc ở hợp tác xã khá rộn ràng, từ sơ chế, đóng gói cho đến vận chuyển. Cùng với Thỏ Việt, Tân Phú Trung, Phú Trung, hợp tác xã Phước An hiện là một trong bốn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả tại TP.HCM và tiêu biểu của khu vực Nam bộ.

Bên cạnh hoa kiểng, cá cảnh, rau an toàn là loại cây trồng mũi nhọn của nông nghiệp đô thị như ở TP.HCM. Diện tích trồng rau củ quả của Thành phố tập trung chủ yếu ở 3 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh, khoảng 3.000 - 3.500ha. Trong đó, rau ăn lá chiếm 80% với sản lượng bình quân từ 15 - 20 tấn/ha. TP.HCM có một số xã có thương hiệu rau an toàn là Tân Phú Trung, An Nhơn Tây, Tân Quý Tây, Tân Thông Hội.

Chia sẻ về hoạt động của hợp tác xã Phước An, ông Trần Văn Thích - Giám đốc hợp tác xã kiêm Phó chủ tịch Diễn đàn Nông dân hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp cho biết, ra đời năm 2006, hợp tác xã chỉ có 15 thành viên tự nguyện, vốn góp 111 triệu đồng và 13,5ha đất sản xuất.

Ở giai đoạn đầu, có những lúc hợp tác xã tưởng chừng như tan rã do thiếu thốn từ vốn cho đến cơ sở vật chất. Nhưng sau khi giải quyết được đầu ra cho các loại rau, hoạt động của hợp tác xã dần đi vào ổn định.

Hiện nay, hợp tác xã có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng (vốn góp thực tế 1,88 tỷ đồng, tối thiểu 10 triệu đồng, tối đa 300 triệu đồng mỗi xã viên), 62 xã viên, chia thành 7 tổ sản xuất, diện tích đất canh tác 25,3ha và sản lượng rau bình quân cung ứng ra thị trường khoảng 6 tấn/ngày. Phước An đã bao tiêu sản phẩm cho 88 hộ cả trong và ngoài hợp tác xã.

>>Nở rộ dịch vụ cho thuê đất trồng rau

Sau gần 10 năm hoạt động, hợp tác xã Phước An đã xây dựng được một kho lạnh có sức chứa khoảng 4 tấn củ quả, hồ xử lý nước thải, nhà sơ chế, đóng gói, 4 xe tải, 14 nhà lưới kính diện tích từ 500 - 1.000m2, hệ thống tưới phun, đèn chiếu sáng, giếng nước (do Quỹ QSEAP tài trợ).

Từ một hợp tác xã chỉ có vài xã viên, nay hợp tác xã Phước An được TP.HCM giao thực hiện chương trình bình ổn giá rau trên thị trường và trở thành nhà cung cấp rau an toàn cho các siêu thị Co.opmart, Metro Cash & Carry, Lotte và một số bếp ăn tập thể. Hợp tác xã Phước An đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm rau hữu cơ với khoảng 10ha, trước mắt cung ứng cho thị trường trong nước.

Ông Trần Văn Thích cho biết thêm, để thành viên hợp tác xã chủ động trong sản xuất và tránh tồn kho, đối với những đơn hàng lớn thì đối tác phải ký hợp đồng trước với hợp tác xã ít nhất 30 ngày, sau đó HTX mới triển khai xuống cho xã viên. Nếu giá trị hợp đồng dưới 50 triệu đồng, hợp tác xã sẽ cho trả sau, còn giá trị lớn hơn sẽ tùy vào thỏa thuận giữa hai bên mà có tiến độ thanh toán phù hợp.

Ngoài việc tìm đầu ra, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm của xã viên tối thiểu 5.000 đồng/kg rau chưa phân loại, khi giá biến động lớn, hợp tác xã sẽ đảm bảo mức giá bằng 80% giá thị trường.

Do cân bằng được lợi ích của xã viên nên kết quả kinh doanh của hợp tác xã được cải thiện liên tục, với doanh thu dao động từ 16 - 18 tỷ đồng/năm và lợi nhuận ở vào khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm (cao hơn mức bình quân 246 triệu đồng/năm của các hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước). Riêng về quyền lợi của xã viên, bên cạnh tiền lãi từ bán sản phẩm cho hợp tác xã, cuối năm còn được chia lãi dựa trên số vốn thực đóng với mức lãi khoảng 15%.

>>3 lợi ích phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng

Liên quan đến mô hình kinh tế hợp tác, ngoài nông nghiệp, hiện một vài hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực thương mại, vận tải cũng đã có những bước đổi mới mạnh mẽ trong quản trị và đạt được hiệu quả kinh tế nhất định. Điển hình như hợp tác xã Rạch Gầm (Tiền Giang), một trong ba hợp tác xã đứng đầu cả nước trong Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Từ một đơn vị thuộc Sở Giao thông - Vận tải Tiền Giang (năm 1979), với khoảng 100 xã viên cùng tài sản là một gian nhà 16m2, 29 ghe vỏ gỗ, 32 đò khách, bến đậu bờ sông Tiền, đến năm 2003, khi Luật Hợp tác xã ra đời, hợp tác xã Rạch Gầm đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang đa ngành (vận tải hàng hóa, hành khách, kinh doanh xăng dầu, cung ứng vật liệu xây dựng...) và quản lý, hạch toán thống nhất, giao khoán cụ thể đến từng xã viên, phương tiện và tăng cường trách nhiệm cá nhân trong quản lý tài sản.

Điều quan trọng là việc phát triển của hợp tác xã sau đổi mới đã dựa trên cơ sở tự nguyện tham gia của xã viên, thay vì ép buộc, mệnh lệnh như thời bao cấp.

Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Ban quản lý hợp tác xã Rạch Gầm cho biết, hiện nay, Hợp tác xã đang chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa đường sông, chủ yếu là vận chuyển gạo xuất khẩu, vật liệu xây dựng, rỉ đường, thức ăn chăn nuôi từ đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và ngược lại.

Thêm vào đó, việc ra đời các trạm xăng một mặt để phục vụ cho vận tải của hợp tác xã, mặt khác bán rộng rãi cho người dùng. Hợp tác xã Rạch Gầm trở thành đơn vị vận tải đường sông dẫn đầu cả nước, vốn kinh doanh hơn 690 tỷ đồng (tổng tài sản 685 tỷ đồng), gồm 348 tàu thuyền, sà lan có tổng trọng tải 150.190 tấn và công suất 82.600CV (tổ chức thành 5 đoàn vận tải hàng hóa đường sông), một xưởng đóng, sửa tàu thuyền, một tổng kho cùng 9 trạm xăng.

Hợp tác xã là "ngôi nhà chung" của hơn 1.250 lao động. Về chiến lược đến năm 2020, hợp tác xã Rạch Gầm xác định sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới đội tàu, mở rộng thị phần, vận chuyển container từ các cảng ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai về đồng bằng sông Cửu Long, sang Campuchia.

>>Người mang công nghệ Nhật về cho trái hồng Đà Lạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế hợp tác xã và những điển hình đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO