Kinh tế hợp tác xã TP.HCM: Thúc đẩy chuỗi để tăng giá trị

HOÀNG DUY| 29/12/2017 03:39

Tại Hội thảo khoa học phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới từ thực tiễn TP.HCM sáng 21/12 (do Thành ủy TP.HCM phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức) nhiều đại biểu cho rằng hoạt động kinh tế hợp tác xã tại TP.HCM cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo các mô hình hiện đại, phù hợp với cơ chế thị trường để tiến tới thiết lập các chuỗi nhằm giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.

Kinh tế hợp tác xã TP.HCM: Thúc đẩy chuỗi để tăng giá trị

Ảnh minh họa

Thống kê đến 30/9, toàn TP.HCM có 536 HTX, trong đó có 421 HTX và 4 Liên hiệp HTX đang hoạt động. Cũng có đến 115 HTX và 4 Liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động. Việc tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012 đã bước đầu tạo ra sự đổi mới nhất định, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Trong đó xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ gia đình và tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên mô hình này cũng bộc lộ nhiều khó khăn hạn chế do ảnh hưởng của tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, không phát huy được nguyên tắc tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 36% và thiếu nhân lực tâm huyết với hoạt động HTX nên khó đáp ứng các yêu cầu đổi mới.

Theo TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, do quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ, chưa đủ khả năng hình thành chuỗi khiến giá thành sản xuất cao, chưa tạo được sức hấp dẫn với người tiêu dùng và xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Link bài viết

Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang cho rằng, cần xác định đúng đắn vai trò, tính chất và thị trường của HTX qua từng thời kỳ. Khi đổi mới, quy luật kinh tế thị trường vận hành mà vẫn giữ nguyên tư duy cũ về vai trò và tính chất của HTX đã tạo ra rào cản. Theo ông, cần tổ chức lại HTX kiểu mới thông minh, theo đó 80% hộ sản xuất cá thể nhỏ lẻ cần được tổ chức lại, hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Điều này đòi hỏi vai trò kiến tạo và trọng tài của nhà nước để giảm sự tổn thương vì trình độ, năng lực và quy mô khiêm tốn của mô hình nhỏ lẻ. "Nên bắt đầu từ những hộ nông dân tiên tiến, các chủ trang trại, thương lái tự nguyện tham gia và gánh vác công việc theo mô hình hợp tác tự chọn, chung - riêng lưỡng lợi", ông nói.

Phân tích các mô hình HTX nông nghiệp ở các quốc gia tiên tiến như Đức và Hoa Kỳ, theo ông Hoàng Vũ Quang (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), môi trường pháp lý phải đảm bảo HTX được đối xử bình đẳng và phải cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác, buộc HTX phải luôn vận động, phát triển để cạnh tranh và tồn tại trong nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa. Môi trường pháp lý cũng tạo thuận lợi để HTX lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế của thành viên và sự thay đổi của điều kiện thị trường.

Việc cho phép nhà đầu tư tham gia sẽ tạo thuận lợi thu hút vốn, mở rộng hoạt động và tăng tính cạnh tranh song song với cơ chế kiểm toán kiểm tra nghiêm ngặt và minh bạch mới tạo điều kiện tốt để HTX hưởng ưu đãi về thuế, tiếp cận tín dụng và tạo tin tưởng cho thành viên. Để nâng cao sự cạnh tranh, HTX cần hướng tới nâng cao giá trị cho sản phẩm thành viên thông qua chế biến sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, đề xuất phương thức 2,5 triệu khách hàng thân thiết góp vốn (1 triệu đồng/thành viên) để thành lập HTX tiêu dùng đối với Saigon Co.op. Việc thành lập HTX tiêu dùng giúp Saigon Co.op chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và nâng cao năng lực cạnh tranh, đem lại lượng khách hàng ổn định và gắn bó.

Tuy nhiên nguyên tắc tổ chức, quản lý HTX cần tuân thủ theo nguyên tắc tự nguyện gia nhập, vốn góp thành viên không được giao dịch tự do như thị trường cổ phiếu. "Việc tổ chức thành công HTX tiêu dùng là cách giữ vững bản chất HTX của Saigon Co.op, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong nền kinh tế thị trường và giữ vững thị trường phân phối nội địa trước sự cạnh tranh đang gay gắt", ông bổ sung.

Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang chỉ đạo, cần phân tích những thuận lợi và khó khăn đối với HTX, có những tổng kết và đánh giá thực tiễn hoạt động, trên cơ sở đó hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển theo phương thức bền vững, phù hợp với điều kiện mới và tuân theo quy luật kinh tế thị trường để thực hiện chính sách đổi mới và phát triển HTX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế hợp tác xã TP.HCM: Thúc đẩy chuỗi để tăng giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO