Kinh tế hợp tác xã: Luật chưa đủ để hỗ trợ

NGUYÊN BẢO - THIÊN YẾT| 28/08/2016 06:58

Sự thành công của mô hình kinh tế hợp tác xã là không thể phủ nhận, nhưng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và đóng góp của khu vực này vào GDP chưa đáng kể.

Kinh tế hợp tác xã: Luật chưa đủ để hỗ trợ

Sự thành công của mô hình kinh tế hợp tác xã như hợp tác xã Phước An, hợp tác xã Rạch Gầm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) là không thể phủ nhận, nhưng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và đóng góp của khu vực này vào GDP chưa đáng kể.

Đọc E-paper

Số liệu của Viện Phát triển Kinh tế hợp tác thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác vào GDP giảm liên tục, nếu giai đoạn 1995 - 2003 chiếm 8,5% thì từ năm 2013 đến nay bình quân mỗi năm chưa đến 6% và tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế tập thể thậm chí thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, hơn 10.300 hợp tác xã nông nghiệp thì chỉ có 10% hoạt động hiệu quả.

Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM bày tỏ quan điểm, nhiều quốc gia trên thế giới tuy có nền nông nghiệp nhỏ nhưng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động rất tốt. Họ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chẳng hạn, ở Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan hay Hàn Quốc, hợp tác xã tổ chức các trường, viện giáo dục để đào tạo người điều hành hợp tác xã, điều hành trang trại, cơ sở sản xuất, đồng thời thành lập ngân hàng để hỗ trợ tín dụng cho nông dân.

Ở Nhật Bản, xã viên được tập huấn kỹ thuật và quản lý để quản trị tài sản và vốn, tạo cơ hội liên kết sản xuất hoặc cung cấp các dịch vụ cho hợp tác xã. Hợp tác xã tận dụng dịch vụ của xã viên nên về mặt quyền lợi đảm bảo. Thêm nữa, họ có tương trợ tốt, hỗ trợ vốn hiệu quả, giúp xã viên hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Vào hợp tác xã thì những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh được hoạch định rõ ràng, chủ nhiệm hợp tác xã phải có uy tín biểu hiện qua sản xuất riêng. Xuất phát điểm của hợp tác xã ở Nhật là từ lợi ích kinh tế nên người dân rất hào hứng tham gia.

Ở Thái Lan, ngoài hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, còn có hợp tác xã tín dụng để xã viên vay vốn, gửi tiền tiết kiệm, ký quỹ và các dịch vụ liên quan. Hiện nay, số hợp tác xã dạng này chiếm khoảng 39% trong tổng số hợp tác xã ở Thái Lan.

Ngược lại, ở Việt Nam nguồn vốn của các hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là vốn tự góp của xã viên, hợp tác xã không vay được vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Thích chia sẻ, năm 2011, hợp tác xã Phước An có kế hoạch mở rộng sản xuất nhưng vốn huy động từ xã viên chỉ có hơn 1,2 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư nhà sơ chế đã khoảng 700 triệu, phần còn lại không đủ để mua xe vận chuyển hàng, may mắn là có sự hỗ trợ từ phía Liên minh Hợp tác xã TP.HCM với khoản vay vài trăm triệu đồng trong 36 tháng (6 tháng gia hạn/lần).

Theo ông Thích, về nguyên tắc, các địa phương đều có chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi suất đối với hợp tác xã nông nghiệp nhưng chủ yếu theo dự án, còn để mua trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, phía nhà băng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp.

Cả nước hiện có trên 18.000 hợp tác xã, chỉ 6.260 hợp tác xã tổ chức đăng ký theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (hợp tác xã kiểu mới, mô hình như doanh nghiệp).

Cũng theo ông Trần Văn Thích, Luật Hợp tác xã (năm 2012) quy định mô hình hoạt động của hợp tác xã giống như doanh nghiệp, hệ thống quản trị phải tổ chức bài bản, tài chính minh bạch và kế hoạch kinh doanh rõ ràng, đặc biệt, muốn phát triển phải có đóng góp vốn từ cổ đông (xã viên).

"Nhiều hợp tác xã nông nghiệp có mức góp vốn của xã viên chỉ vài trăm nghìn cho đến dưới 2 triệu đồng, nếu xã viên không mạnh dạn đóng góp thì làm sao phát triển được hợp tác xã?", ông Thích nói. Bởi, như các hợp tác xã lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long, chí ít phải huy động được vốn mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy sấy, xây dựng nhà kho, nếu không sẽ rất khó khắc phục tình trạng bị thương lái ép giá ngay sau khi thu hoạch.

Đại diện hợp tác xã Phước An đề xuất, Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ các thành viên trực tiếp tham gia quản lý hợp tác xã để họ an tâm gắn bó lâu dài; có chế độ bảo hộ lao động, tài trợ, trợ giá để khuyến khích xã viên bám nghề nông.

>Kinh tế hợp tác xã và những điển hình đổi mới

>2012 - Năm của hợp tác xã

>Nên miễn phí đăng ký thành lập hợp tác xã

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế hợp tác xã: Luật chưa đủ để hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO