Kinh doanh thực phẩm: Sao mãi "được vạ, má sưng"?

LỮ Ý NHI| 25/10/2016 04:37

Thông tin các sản phẩm gây hại, không an toàn vệ sinh thực phẩm được công bố, đăng tải một cách vội vàng, thiếu cơ sở khoa học (rộ lên từ 2 tuần qua là về nước mắm) đã từng có nhiều tiền lệ.

Kinh doanh thực phẩm: Sao mãi

Thông tin các sản phẩm gây hại, không an toàn vệ sinh thực phẩm được công bố, đăng tải một cách vội vàng, thiếu cơ sở khoa học (rộ lên từ 2 tuần qua là về nước mắm) đã từng có nhiều tiền lệ. Nó làm doanh nghiệp khó khăn, người tiêu dùng hoang mang, và tạo ra bức tranh về môi trường kinh doanh không thuận lợi. Để giải quyết, cần có sự thay đổi căn bản và sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước. 

Đọc E-paper

Giữa tháng 5/2016, lô xúc xích nhãn hiệu Vietfoods bị Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội tạm giữ vì trong sản phẩm nghi có chứa chất tạo màu gây ung thư. Ngay sau đó, thông tin này đã được loan truyền, đăng tải và làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng dấy lên, uy tín của thương hiệu bị giảm mạnh, không chỉ một mình Vietfoods lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới.

Sau khi được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định sản phẩm không vi phạm an toàn thực phẩm. Cụ thể, hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55mg/kg, hoàn toàn an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia..., toàn bộ lô hàng bị thu giữ được giải tỏa.

Tuy nhiên, để "được vạ”, thì "má đã sưng", phần lớn trong số 2,2 tấn xúc xích được trao trả lại cho Vietfoods đã gần hết hạn sử dụng. Sản xuất của công ty này bị đình trệ, công nhân bị mất việc.

"Đến giờ tuy kết luận đã minh oan cho Vietfoods song sản xuất của chúng tôi vẫn chưa thể vận hành lại như cũ vì hậu quả của thông tin sai là quá lớn, thậm chí vẫn còn đầy rẫy những bài báo, đoạn tin phản ánh xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư tràn lan trên mạng khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này", đại diện Vietfoods cho biết. Theo doanh nghiệp này, ước tính thiệt hại họ phải gánh chịu lên đến 10 tỷ đồng.

Trước đó, trên các phương tiện thông tin truyền thông cũng rộ lên nhiều thông tin cho rằng mì ăn liền có Acid Oxalic gây sạn thận và hàm lượng chất béo Trans fat gây hại cho sức khỏe đã khiến ngành mì gói bị thiệt hại đáng kể.

Ông Kajiwara Junichi - TGĐ Công ty CP Acecook Việt Nam cho rằng, nhiều thông tin không đúng sự thật, không có cơ sở khoa học vẫn được công bố đã làm cho người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng chung cho cả ngành hàng.

>>Thị trường nước mắm: Trở ngại khi tạo thế cân bằng

Cũng thông tin tương tự, gần đây dư luận lại hoang mang khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả một cuộc khảo sát toàn diện về nước mắm, được thực hiện trên 150 mẫu đóng chai, thuộc 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại siêu thị, đại lý, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản trên 19 tỉnh, thành, cho thấy, hàm lượng thạch tín (arsen) ở phần lớn mẫu cao hơn nhiều so với quy định.

Vinastas cũng nhấn mạnh, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ có hàm lượng asen cao càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Có thể thấy, nước mắm có thạch tín không khác "đại nạn" vừa qua của mì gói, bởi theo các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất nước mắm lâu năm, asen hữu cơ luôn có trong cá. Khi ủ cá dùng để sản xuất nước mắm, cá tiết ra arsen nên nước mắm bị nhiễm.

Nguyên nhân cũng có thể do muối ở vùng biển nhiễm thạch tín. Và thạch tín (nếu có) là thạch tín hữu cơ tự nhiên, không gây hại và không độc cho cơ thể, cũng giống như Acid Oxalic trong bột mì, rau củ...

Ông Trần Hữu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bảy Hồng Hạnh cho biết: "Khi có thông tin nước mắm có thạch tín, hầu hết các nhà phân phối và tiểu thương đều hoang mang, không dám nhập hàng của Hồng Hạnh. Chúng tôi phải đi xét nghiệm và cung cấp cho họ những bản kiểm nghiệm arsen vô cơ trong nước mắm. Thực tế những tỉnh thành lớn có phương tiện thông tin rộng khắp nên người dân biết được thông tin mới là arsen trong nước mắm là arsen hữu cơ. Nhưng ở những vùng sâu, vùng xa người dân vẫn đang rất lo ngại. Vì vậy cần cơ quan nhà nước lan truyền thông tin này tới từng người dân".

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM: "Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, chắc chắn, thông tin của Vinastas vừa qua sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn và tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển, đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và cả ngành nghề truyền thống vốn mang quốc hồn quốc túy Việt Nam, chắc chắn sẽ có nhiều lô hàng bị tẩy chay, bị siêu thị trả về và sẽ có không ít doanh nghiệp bị điêu đứng".

Theo các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân của các thông tin sai lệch trên là do thị trường có cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó là các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, buông lỏng, việc kiểm chứng thông tin chưa đi đến tận cùng sự việc để có kết luận minh bạch cho người dùng và công chúng. Đặc biệt, vẫn chưa có chế độ xử phạt nghiêm minh các đơn vị, cá nhân đưa thông tin sai lệch, trong đó, nhiều quy định của luật pháp chưa chặt chẽ...

>>Kinh doanh thực phẩm với phụ nữ là lợi thế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh thực phẩm: Sao mãi "được vạ, má sưng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO