Kinh doanh ở chợ: Buông tay là mất

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 03/04/2012 03:34

Các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại đã đẩy việc buôn bán tại các chợ xuống hàng thứ cấp. Vì thế, “tâm lý hàng chợ” đã trở thành rào cản cản trở nhiều thương hiệu Việt Nam đến với tiểu thương. Tuy nhiên, các đối thủ nước ngoài lại không nghĩ vậy...

Kinh doanh ở chợ: Buông tay là mất

Ảnh: Quý Hòa

Tâm lý “hàng chợ”

Một thực tế có thể thấy là dù chợ truyền thống đang chiếm đến 80% thị phần bán lẻ nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn e ngại đưa hàng vào chợ. Bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức, cho biết, đơn vị chấp nhận giảm sản lượng mứt, chỉ sản xuất theo đơn hàng ở siêu thị chứ không đưa hàng vào chợ.

Theo lý giải của bà Tâm Ái, hàng của công ty được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi đưa vào các chợ đã bị đánh đồng với những sản phẩm sản xuất kém chất lượng, thậm chí còn bị tiểu thương trộn hàng thấp cấp vào bán làm mất uy tín thương hiệu.

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Thúy, chủ cơ sở mứt Thành Long, cũng nhất quyết không đưa hàng ra các chợ mà chỉ tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị trong cả nước. Bà Thúy cho rằng, tâm lý của đa số người tiêu dùng đều xem “hàng chợ” là hàng dỏm, hàng chất lượng kém, vì thế, bán hàng ở đây sẽ khiến uy tín thương hiệu bị giảm sút.

“Vào được siêu thị mặc nhiên sản phẩm của mình đã có chứng chỉ an toàn về chất lượng và uy tín. Còn nếu đưa hàng vào chợ cũng đồng nghĩa với việc tự hạ đẳng cấp sản phẩm của mình”, bà Thúy nói.

Tâm lý “hàng chợ” chính là lý do khiến nhiều DN lớn của Việt Nam “buông tay” với chợ. Ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, chia sẻ: “Dù chợ truyền thống chiếm thị phần rất lớn nhưng công ty không thể đưa hàng vào bán ở đây. Lý do là hàng Việt Tiến ở một phân khúc khác của thị trường bán lẻ, việc phân phối sai phân khúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ty cũng như uy tín thương hiệu”.

Ông Kiệt cho biết, Việt Tiến đã từng thí điểm đưa hàng vào chợ bán với thương hiệu Việt Tiến, nhưng sản phẩm đã bị “dội chợ” cũng vì yếu tố tâm lý nói trên. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các thương hiệu thời trang như An Phước, Foci, Việt Thy, Ninomaxx... hoặc là mở cửa hàng riêng, hoặc đưa vào các trung tâm kinh doanh thương mại lớn chứ nhất quyết không đưa hàng vào chợ.

Ngoài yếu tố trên, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, DN không muốn đưa hàng vào chợ còn do chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của một kênh phân phối. Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất ở các chợ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người mua hàng hiện đại. Hơn nữa, cách trưng bày hàng hóa cũng chưa đẹp mắt, giá cả lại không ổn định khiến DN e ngại.

Được mất cùng tiểu thương

Trong khi các DN e ngại với việc tiếp cận chợ thì ngược lại, những người bán hàng cũng có những lý do để không dành ưu tiên cho hàng Việt. Bà Lê Kim Thanh, chủ sạp quần áo tại chợ Tân Bình, cho biết, lý do ø bà làm phân phối hàng Trung Quốc là do bán sỉ hàng nội lợi nhuận thấp, so với hàng ngoại thì lãi chỉ bằng 1/10.

Hơn nữa, việc tiếp cận hàng Việt đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà, rối rắm, như: hợp đồng mua bán, con dấu, tài sản thế chấp... Đã vậy, khi tiểu thương cần hàng, gọi đến họ nói rằng đang sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu, muốn có hàng phải đặt trước.

Một số hãng lớn còn khoán doanh thu cho tiểu thương, không cho đổi, trả hàng. Trong khi đó, “mua hàng Trung Quốc đặt bao nhiêu cũng có, lúc nào gọi hàng cũng được, hàng mang đến tận sạp. Đã vậy, họ cho gối đầu rất lâu và có thể trả hàng bất cứ lúc nào”, bà Thanh nói.

Ảnh: Quý Hòa

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có hai cái nhìn trái chiều như vậy vì chưa có sự kết nối giữa DN sản xuất và nhà phân phối. Từ nhiều năm nay, tại TP.HCM cũng như ở các địa phương khác như các tỉnh miền Đông Nam bộ, chưa có chương trình nào thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất Việt với tiểu thương.

Những phỏng vấn trực tiếp và thảo luận nhóm người tiêu dùng do BSA thực hiện cũng cho thấy, người tiêu dùng mua hàng ngoại vì không có và không biết có hàng Việt. Hàng được sản xuất 100% bởi DN Việt rất ít được nhìn thấy trên quầy kệ, bao phủ mỏng và ít về số lượng.

Có 90% chủ cửa hàng, chủ sạp mong muốn bán hàng Việt và sẵn lòng giới thiệu với khách hàng, nhưng đòi hỏi nhà cung cấp phải có cam kết, uy tín và phải cho họ hiểu rõ công ty. Vì người bán hàng càng hiểu rõ về công ty, sản phẩm của DN Việt thì càng có cơ hội lớn cho hàng của DN và người bán hàng dễ thuyết phục người mua hơn.

Chợ vẫn là nơi nhiều người tiêu dùng chọn đến mua sắm, nên để phát huy hết công suất, nhiều công ty chọn phương án cử đội ngũ nhân viên bán hàng vào tận các chợ, tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương thay vì thông qua nhà phân phối. Một số DN trong nước như Mỹ Hảo, Asia... đã đầu tư kinh phí để đẩy mạnh đưa hàng vào chợ truyền thống.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có gần 9.000 chợ truyền thống và đến 80% lưu lượng hàng hóa được luân chuyển qua kênh phân phối này. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp có thương hiệu vẫn thờ ơ hoặc không mặn mà với kênh phân phối chợ vì e ngại sẽ đánh mất thương hiệu và sản phẩm dễ bị làm giả, trong khi nhiều hộ sản xuất gia đình tận dụng rất tốt lượng khách hàng ở đây.

Trong đó, Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đầu tư khá mạnh cho hoạt động xúc tiến bán hàng tại chợ và đã tìm được thị phần đáng kể. Đây có thể xem là một trong những chiến lược quan trọng nhất của Mỹ Hảo trong những năm gần đây.

Vì thế, không chỉ có nhân viên chuyên trách, đích thân ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Mỹ Hảo, cũng đã nhiều lần đi khảo sát tình hình kinh doanh tại các chợ. Không tiết lộ đã bỏ ra bao nhiêu kinh phí cho các hoạt động xúc tiến bán hàng nhưng ông Vinh cho biết, đến 92% doanh thu của công ty là từ các chợ mang lại.

Từ đầu năm 2012, Mỹ Hảo đã triển khai chương trình hỗ trợ trưng bày cho người bán hàng ở khu vực miền Đông và miền Trung. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi cũng đang được công ty đưa vào các chợ lớn ở TP.HCM như An Đông (Q.5), Tân Bình (Q. Tân Bình), Bình Tây (Q.6)...

Ngoài những nỗ lực của hai phía (nhà sản xuất và người bán hàng), các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành, sự hợp tác của DN và tiểu thương để biến chợ truyền thống thành một kênh phân phối uy tín đối với các DN vừa Việt Nam.

Bởi nếu bỏ qua kênh phân phối truyền thống, sân chơi chiếm thị phần rất lớn này chắc chắn sẽ thuộc về “đại gia” nước ngoài và là “đất dụng võ” cho hàng giả, hàng lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh ở chợ: Buông tay là mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO