Kinh doanh ngọc trai: Cuộc đua "săn ngọc"

DUY KHUÊ - MAI PHƯƠNG| 21/01/2016 08:34

Có lẽ sức hấp dẫn của công cuộc “săn ngọc” từ việc nuôi cấy và chế tác ngọc trai quá lớn, nên khoảng chục năm trở về trước, Việt Nam đã trở thành địa điểm khai thác ngọc lý tưởng của không ít nhà đầu tư nước ngoài

Kinh doanh ngọc trai: Cuộc đua

Có lẽ sức hấp dẫn của công cuộc “săn ngọc” từ việc nuôi cấy và chế tác ngọc trai quá lớn, nên khoảng chục năm trở về trước, Việt Nam đã trở thành địa điểm khai thác ngọc lý tưởng của không ít nhà đầu tư nước ngoài. Khá nhiều tiền được đổ vào đây, song lợi nhuận thu về không phải ai cũng được như mong muốn.

Đọc E-paper

Khủng hoảng thử ngọc

Tuy không thể sánh vai với các “thủ phủ” ngọc trai trên thế giới như Indonesia, quốc gia xuất khẩu ngọc trai đạt gần 29 triệu USD vào năm 2014, hay Úc, Philippines, Myanmar, Trung Quốc về số lượng lẫn sự đa dạng của chủng loại ngọc, nhưng cái tên Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài mấy chục năm qua.

Mặc dù nghề nuôi trai lấy ngọc đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1960, song mãi đến hơn 20 năm sau, các vùng biển thuộc đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đảo Cô Tô (Quảng Ninh), bán đảo Đầm Môn (Khánh Hòa), Côn Đảo mới trở thành nơi khám phá của các chuyên gia ngọc trai đến từ Pháp, Úc, Nhật, Trung Quốc.

Đứng sau những cái tên “thuần Việt” như Công ty TNHH Ngọc trai Phú Quốc Việt Nam, Công ty TNHH Ngọc trai Việt Nam, Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn..., hầu hết đều là những “ông chủ ngoại”. Nhật, Hong Kong, úC, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Ấn Độ, New Zealand, Pháp, Thái Lan từng là thị trường tiêu thụ hầu hết ngọc trai xuất khẩu từ Việt Nam.

Thế nhưng, khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra kể từ giữa năm 2008 đã kéo theo sự tụt dốc nhanh chóng của mặt hàng xa xỉ này. Nhiều nhà đầu tư đột ngột trở về nước, bỏ dở công trình nửa chừng, trong đó có Công ty CP Ngọc trai Hoàng Gia.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám Công ty CP Ngọc trai Hoàng Gia, lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ dở nhiều công trình khai thác ngọc trai, hoặc chọn cách bán lỗ cơ sở nhằm thoái vốn, không phải đều bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cũng có nhiều trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ngưng đầu tư khai thác ngọc trai tại Việt Nam đơn giản là do ban đầu họ chỉ chọn hướng khai thác ngọc trai tự nhiên nên một khi nguồn tài nguyên này dần cạn kiệt thì cũng chính là lúc họ về nước.

Sau sự thoái vốn đột ngột của các doanh nghiệp (DN) khối ngoại là sự dấn thân của các nhà đầu tư Việt Nam.

Ngoại trừ cái tên Công ty TNHH Ngọc trai Việt Nam (do người Nhật đầu tư), nổi bật đến thời điểm này có những cái tên còn lại như Ngọc trai Hoàng Gia, Ngọc trai Ngọc Hiền, Ngọc trai Hạ Long, Ngọc trai Việt Nam (thuộc Công ty CP Ngọc trai Việt Nam) hầu hết là những cơ sở tư nhân nuôi, cấy ghép ngọc trai tại một số vùng thuộc Kiên Giang, Bến Tre và một số cơ sở ở miền Bắc.

Tính đến nay, sau 48 năm, kể từ những ngày đầu Việt Nam xuất hiện nghề nuôi trai lấy ngọc, ngành nuôi, cấy ghép và khai thác ngọc trai Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, dù rằng theo Quyết định 1380/QĐ-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực kể từ ngày 25/3/2011) ban hành nhằm hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được, trong đó có ngọc trai.

Du lịch song hành ngọc trai

Hiện nay, các điểm đến du lịch như Phú Quốc, Hạ Long, Nha Trang, Mũi Né... đang được xem là “đất vàng” để các nhà phát triển, chế tác ngọc trai cạnh tranh thu hút khách.

Những năm trở lại đây, việc kinh doanh trang sức chế tác từ ngọc trai được xem là ngành hàng ăn nên làm ra tại các thành phố, thị tứ biển, đảo.

Điển hình, tại Phú Quốc, trang sức chế tác từ ngọc trai được bày bán khá phổ biến tại thị trấn Dương Đông với mức giá dao động từ 1 triệu đồng/sản phẩm đến trên 10 triệu đồng/sản phẩm với nhiều thương hiệu. Tại đây còn có dịch vụ lặn biển bắt trai lấy ngọc. Song chất lượng ngọc thì chỉ có người trong cuộc mới rõ.

Theo chia sẻ của một chuyên gia về ngọc trai, không khó để đánh giá chất lượng ngọc trai đối người trong ngành.

Theo vị này, hiện nay trên thị trường đang có hai dạng ngọc trai, một là ngọc trai nước ngọt và một là ngọc trai nước mặn. Giá bán ngọc trai nước mặn luôn cao hơn hẵn ngọc trai nước ngọt.

Thế mạnh của Việt Nam là nuôi cấy được ngọc trai nước mặn. Trong khi đó, hầu hết ngọc trai từ Trung Quốc là ngọc trai nước ngọt khi nước này đứng thứ hai trên thế giới về nuôi cấy ngọc trai nước ngọt. Vì ham lợi nhuận, hiện nay vẫn có nhiều DN kinh doanh ngọc trai nước ngọt nhưng lừa khách hàng là ngọc trai nước mặn.

Theo đại diện của Ngọc trai Hoàng Gia, các DN kinh doanh ngọc trai nước ngoài sẽ vào Việt Nam, hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng sẽ bằng không.

Theo đó, một khi DN không chủ động được nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh sẽ rất khó để chạy đua đường dài. Tự khắc họ - những DN làm ăn không chân chính sẽ bị loại khỏi thị trường.

>Chiến lược kinh doanh của "Vua ngọc trai"

>Kỳ thú nghề định dạng ngọc trai

>Người đưa ngọc trai Việt ra thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh ngọc trai: Cuộc đua "săn ngọc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO