Kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng: Còn nhiều bất cập

HỒNG BÍCH| 03/01/2016 01:43

Đà Nẵng hiện đang có gần 500 khách sạn, trong đó từ 1-2 sao chiếm 400 khách sạn, cung cấp xấp xỉ 10.000 phòng. Số liệu này tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm, trong khi số khách du lịch nội địa chỉ tăng 30%.

Kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng: Còn nhiều bất cập

Thị trường xây dựng ở Đà Nẵng hai năm nay được "rã đông" là nhờ "cuộc đua" xây khách sạn. Nếu cách đây 4 - 5 năm, hơn 100 công ty xây dựng nhỏ đã phải giải thể do nền kinh tế suy thoái, người dân hạn chế xây dựng hoặc sửa chữa nhà, thì nay các cơ quan cấp phép đã ghi nhận sự xuất hiện rầm rộ nhiều công ty mới. 

Đọc E-paper

Dạo quanh các con đường từ Bạch Đằng (trung tâm thành phố) đến những con đường chỉ rộng 5,5 mét ven biển, đâu cũng thấy công trình xây dựng khách sạn vào mùa nước rút để đưa vào khai thác từ kỳ nghỉ Tết Dương lịch và đón đầu mùa khách Hè 2016.

Tại đây đã có rất nhiều khách sạn hoạt động, kéo theo dịch vụ ẩm thực, cò mồi, taxi làm náo động những khu vực dân cư.

Theo số liệu của ngành quản lý, tại Đà Nẵng hiện đang có gần 500 khách sạn, trong đó từ 1 - 2 sao chiếm 400 khách sạn, cung cấp xấp xỉ 10.000 phòng. Số liệu này tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm, trong khi số khách du lịch nội địa chỉ tăng 30%.

Từ thực tế ấy, các công ty tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước tại Đà Nẵng đã cảnh báo kinh doanh khách sạn "thấp cấp" không thật sự hiệu quả.

Thực tế không giống như quan sát bề ngoài, với lượng khách du lịch tăng mỗi năm từ 10%, việc phát triển ồ ạt khách sạn ít sao đang gây ra cảnh kẻ hy vọng, người khóc thầm. Kiểm tra thông tin trên các sàn giao dịch bất động sản, không hiếm lời rao bán khách sạn 1 - 2 sao ở các khu vực "nóng".

Một chủ khách sạn đã bán công trình của mình sau ba năm ôm nợ, phân tích, kinh doanh khách sạn thua lỗ vì không có năng lực quản lý, dịch vụ kém, mùa Đông chỉ khai thác được 10% phòng, tỷ lệ hoa hồng cho các công ty lữ hành, taxi dẫn khách quá cao.

Những chủ khách sạn cố gắng tự tìm nguồn khách, ít chi hoa hồng để nâng chất lượng phục vụ đối mặt với cảnh cạnh tranh không lành mạnh vì không thể chịu nổi tình trạng vắng khách kéo dài.

Trước tình trạng ấy, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà - địa bàn phát triển ồ ạt khách sạn đã lên tiếng tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng là cần phải có quy hoạch về xây dựng và kinh doanh khách sạn, không thể để phát triển quá nóng đến lúc "vỡ trận", uổng phí nguồn lực trong dân và mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng thương hiệu du lịch Đà Nẵng.

Một điểm quan trọng trong xu hướng phát triển du lịch Đà Nẵng là đẩy mạnh phân khúc trung và cao cấp. Thử hình dung mỗi tuần riêng các đường bay nối Đà Nẵng với các thành phố Trung Quốc là 57 chuyến đều do các công ty du lịch phối hợp với các resort, khách sạn 3 - 5 sao khai thác.

Các đường bay khác đều tăng trưởng mạnh, và nguồn khách du lịch đến Đà Nẵng đang ngày càng có mức chi tiêu cao do dịch vụ ngày càng tốt.

Ví dụ, hiện nay nguồn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng là khách của phân khúc khách sạn 4 - 5 sao, một số rất thấp sử dụng khách sạn 3 sao.

Mùa hè 2016 sẽ là một thách thức đối với các chủ đầu tư khách sạn bình dân do thành phố đang khuyến khích đầu tư phân khúc du lịch cao cấp, du lịch công vụ như các sự kiện Tuần lễ APEC 2016, Cuộc thi Maraton Quốc tế, Trình diễn Ánh sáng nghệ thuật Quốc tế.

Du lịch "bình dân" không được khuyến khích do đóng góp kém vào tăng trưởng du lịch, dịch vụ kém đã tạo ra cảnh bát nháo, mất an toàn trật tự ở một số khu vực ven biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu du lịch của Đà Nẵng.

Cảnh báo về cân nhắc đầu tư khách sạn 1 - 2 sao đã được cơ quan quản lý nhà nước công bố rộng rãi vào tháng 11/2015 đã nâng cảnh báo lên mức độ "khẩn cấp"!

>Đà Nẵng: Lo ngại bong bóng bất động sản

>Bất động sản Đà Nẵng: Giải cứu "đất vàng"

> Đà Nẵng: Đóng hay mở bãi biển?

>BĐS Đà Nẵng: Khởi sắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO