Kinh doanh đa ngành: Lỡ bước do không tập trung thế mạnh

NGUYÊN BẢO - NGỌC ANH| 16/04/2018 03:34

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng nắm "ngôi vương" trong một số lĩnh vực nhưng việc mở rộng sự hiện diện ở nhiều ngành đã khiến nguồn lực bị phân tán, bị mất "ngai vàng".

Kinh doanh đa ngành: Lỡ bước do không tập trung thế mạnh

BIDV đang chào bán khoản nợ xấu của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn

"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" - câu nói của người xưa đến nay vẫn nguyên giá trị. Không ít doanh nghiệp Việt Nam từng nắm "ngôi vương" trong một số lĩnh vực nhưng việc mở rộng sự hiện diện ở nhiều ngành đã khiến nguồn lực bị phân tán, bị mất "ngai vàng".

Uber đã chấm dứt hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nhưng phải nhìn nhận khách quan rằng, sự xuất hiện mô hình taxi công nghệ như Uber đã khiến doanh nghiệp taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề. Cả Vinasun lẫn Mai Linh đều sụt giảm doanh thu, lợi nhuận và cắt giảm hàng nghìn nhân viên từ khi taxi công nghệ xuất hiện.

Song, với Mai Linh, ngoài vấn đề liên quan đến Grab, Uber, từ năm 2012, tập đoàn vận tải này đã có dấu hiệu giảm sút. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra vào thời điểm đó là do Mai Linh đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành, chủ yếu là các trạm dừng chân ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bất động sản là "sân chơi" không chỉ dành cho những ai có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm thị trường mà còn có khả năng ứng phó với rủi ro, "tay ngang" nhảy vào rất dễ "ngã ngựa". Đó là câu ví von mà giới đầu tư bất động sản vẫn hay nhắc đến.

Link bài viết

Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài ra thông báo chào bán và tìm kiếm đơn vị thẩm định giá trị khoản nợ xấu của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn thuộc Công ty CP Thuận Thảo do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch HĐQT lập ra để kinh doanh bất động sản ở Bình Chánh, TP.HCM.

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, đến cuối năm 2017, Công ty CP Thuận Thảo còn tổng nợ hơn 1.450 tỷ đồng. Đáng kể là các chi phí phải trả ngắn hạn gần 611 tỷ đồng, các khoản vay nợ hơn 660 tỷ đồng, thuế 124,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng BIDV Phú Tài cho Thuận Thảo vay hơn 230 tỷ đồng cả ngắn hạn, dài hạn.

Thuận Thảo đang phải trả lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, trong khi nguồn thu từ kinh doanh những năm gần đây liên tục sa sút, chỉ còn vài chục tỷ đồng. Như năm 2017, doanh thu của Thuận Thảo giảm một nửa so với năm 2016, về dưới 50 tỷ đồng. Số tiền này không đủ trang trải các khoản chi phí. Ước tính, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 của Thuận Thảo là 1.079 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Thuận Thảo rơi vào tình trạng vốn chủ sở hữu bị âm.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, từ giữa năm 2016, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo đã bị hủy niêm yết bắt buộc và sau đó chuyển sang sàn UPCoM. Dù vẫn hiện diện trên thị trường chứng khoán nhưng giá cổ phiếu GTT chỉ còn 400đ/CP.

Từng là đơn vị tư nhân đầu tiên kinh doanh siêu thị và cũng khá nổi tiếng trong mảng vận tải, Thuận Thảo được lãnh đạo Phú Yên xem là một doanh nghiệp điển hình, là doanh nghiệp tiên phong của tỉnh. Từ 2003 - 2010, Thuận Thảo liên tục mở rộng ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, đầu năm 2004, Thuận Thảo xây dựng nhà máy sản xuất nước tinh khiết mang nhãn hiệu Suga. Cuối năm 2004, Thuận Thảo kinh doanh du lịch - giải trí với việc xây dụng Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo. Sang năm 2007, Công ty khánh thành Trung tâm Hội nghị - Triển lãm và Dịch vụ du lịch Thuận Thảo. 

Những năm sau đó, Thuận Thảo tìm cách mở rộng diện tích và nâng cấp, bổ sung thêm nhiều dịch vụ trong chuỗi kinh doanh đa ngành. Năm 2008, Thuận Thảo xây dựng khu resort cao cấp 10ha. Năm 2009, Thuận Thảo khánh thành khách sạn 5 sao Cendeluxe đầu tiên ở Phú  Yên. 

Để thực hiện mục tiêu mở rộng, năm 2010 Thuận Thảo niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, từ khi lên sàn đến nay, Thuận Thảo chỉ một lần duy nhất huy động được 145 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện hữu. Trong khi đó, Thuận Thảo cần vốn cho đầu tư bất động sản, khách sạn, khu giải trí...

Việc lấy nợ ngắn vay ngân hàng nuôi khoản đầu tư dài hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn phải trả giá.

Giai đoạn 2011 - 2012, bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã nói lời chia tay với thị trường, Thuận Thảo cũng vướng phải khó khăn. Năm 2011, Thuận Thảo lập Thuận Thảo Nam Sài Gòn và chuyển cho công ty này số tiền 400 tỷ đồng để triển khai các dự án bất động sản ở Bình Chánh, nhưng đến nay đây là khoản nợ khó đòi và Công ty phải trích lập dự phòng. Trong khi các khu vui chơi, giải trí không được nâng cấp vì thiếu vốn dẫn đến tình hình kinh doanh ngày một giảm sút. Mảng kinh doanh vận tải từng là thế mạnh của Thuận Thảo không được chú trọng đã mất phần lớn thị phần.

Để khắc phục tình trạng thua lỗ triền miên và khó khăn về tài chính, Thuận Thảo đưa ra nhiều giải pháp như thanh lý, chuyển nhượng tài sản các dự án, chuyển nhượng một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân, cũng như xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng để có nguồn vốn tái cấu trúc, đầu tư sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp các lĩnh vực còn lại, tạo sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Thuận Thảo cũng sẽ tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh - liên kết. 

Tất cả những giải pháp tháo gỡ khó khăn đó của Thuận Thảo đều nhằm huy động nguồn vốn để giảm sự bị động về tài chính. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính đang làm việc cho một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam, vấn đề thanh lý tài sản, nhất là tài sản đảm bảo đã liệt vào nhóm nợ xấu phải mất không ít thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh đa ngành: Lỡ bước do không tập trung thế mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO