Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Trầy trật lăn bánh

HỒNG NGA - HẢI ÂU| 20/08/2015 08:37

Để các thương hiệu lớn phát triển tại thị trường mà thói quen mua sắm ở chợ và cửa hiệu tạp hóa vẫn còn ăn sâu trong tâm thức người tiêu dùng, là điều không dễ.

Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Trầy trật lăn bánh

Sau nhiều năm lần nữa, cuối cùng, 7-Eleven - thương hiệu cửa hàng tiện lợi (CHTL) có số lượng lớn nhất toàn cầu đã công bố chính thức bước vào Việt Nam. Dù vậy, nhưng để phát triển tại thị trường mà thói quen mua sắm ở chợ truyền thống và cửa hiệu tạp hóa vẫn còn săn sâu trong tâm thức người tiêu dùng, là điều không dễ.

Đọc E-paper

Đến năm 2017, cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của 7-Eleven mới có mặt nên việc thương hiệu này có lấn át các doanh nghiệp khác không thì phải "hạ hồi phân giải". Bởi, trước khi 7-Eleven quyết định thâm nhập thị trường 90 triệu dân này thì 2 thương hiệu CHTL lớn của Nhật là Ministop và FamilyMart cũng đã có mặt.

Tuy nhiên, hoạt động của hai thương hiệu này cũng chẳng mấy suôn sẻ khi phải thay đổi đối tác đầu tư.

Nếu như Ministop (thuộc Tập đoàn Aeon - Nhật Bản) phải chia tay với Công ty G7 (thuộc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) để bắt tay với Tập đoàn Sojitz (cũng của Nhật) thì Family phải tạm biệt Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) để tự mình xây dựng hệ thống CHTL với B's Mart.

Ngay khi mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2011, liên doanh G7-Ministop cho rằng có thể thu hút khách bằng mô hình kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và tạp hóa. G7 cũng tự tin về việc phát triển chuỗi vì ngoài những điểm bán mới, liên doanh này còn dựa vào hệ thống 460 cửa hàng G7 Mart.

Thế nhưng, những cửa hàng G7 Mart không phải tất cả đều thuộc quyền quản lý của G7 mà đa phần được nâng cấp từ các cửa hàng tạp hóa thông qua nhượng quyền kinh doanh.

Khi hợp tác với G7, Ministop đặt mục tiêu phát triển 500 CHTL nhưng sau gần 5 năm hợp tác, chỉ dừng lại ở 17 điểm bán. Đầu năm nay, hai bên đã chính thức "đường ai nấy đi" và Ministop cùng với Sojitz nâng chỉ tiêu lên 800 cửa hàng tại Việt Nam.

Trong khi đó, từ giữa năm 2014, hai thương hiệu New Chợ và C Express của Big C đã hợp nhất thành C Express. Phát triển từ năm 2012 nhưng cho đến nay, C Express cũng dừng ở con số 10 cửa hàng. Hơn 1 năm nay, C Express không phát triển cửa hàng và nhà đầu tư này cũng không có ý định mở rộng chuỗi.

Nguyên nhân chính khiến C Express không tăng số lượng vì tại Việt Nam hiện nay, thói quen đi chợ và tiệm tạp hóa chiếm đến 80%, trong khi siêu thị và CHTL chỉ mới được 20% người tiêu dùng lựa chọn.

Ở Thái Lan có đến 40% người tiêu dùng chọn kênh hiện đại để mua sắm, ở Singapore tỷ lệ này lên đến 70%-80%... Chỉ khi kênh siêu thị phát triển mạnh thì đi kèm với nó, hệ thống các CHTL mới phát triển theo.

Một lý do nữa là giá bán ở các CHTL cao hơn siêu thị. Theo khảo sát của một hệ thống siêu thị lớn nhất nhì tại Việt Nam, hầu hết các mặt hàng bán ở CHTL có giá cao hơn khoảng 10% so với siêu thị.

"Trong đó, diện tích mặt bằng nhỏ, hàng ít nên quyền thương lượng giá với nhà cung cấp không cao. Hơn nữa, do thời gian bán kéo dài (24/24) mà lượng khách vắng nên chi phí quản lý CHTL cao khiến giá bán tăng", đại diện của thương hiệu siêu thị này nói.

Cùng nhận định này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Aeon - Citimart cho biết, kinh doanh CHTL không dễ ăn như các nhà đầu tư nước ngoài dự tính.

CHTL chủ yếu bán cho khách du lịch mà ở Việt Nam, ngành du lịch chưa phát triển mạnh như các nước Singapore, Thái Lan nên lượng hàng bán cho đối tượng này không nhiều.

Đánh giá sâu hơn về mô hình CHTL, bà Nguyễn Ánh Hồng - Chủ đầu tư hệ thống siêu thị Maximark cho rằng, CHTL chỉ có thể phát triển mạnh ở những quốc gia mà kênh bán lẻ truyền thống không phát triển.

"Ở Việt Nam, chỉ cần ra đường là gặp cửa hàng tạp hóa, muốn mua thứ gì cũng có. Thậm chí, người ta còn bán thiếu thì không nhiều người vào những CHTL như 7-Eleven", bà Ánh Hồng phân tích.

Nhận định của các nhà bán lẻ cũng phù hợp với xu hướng thực tế tại Việt Nam thời gian qua. Dù đang phát triển về số lượng như theo Euromonitor, năm 2013, doanh thu từ các CHTL tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán hàng tạp hóa so với tỷ lệ trung bình là 42% ở các nước trong khu vực.

Báo cáo của Kantar Worldpanel ghi nhận tại 4 thành phố lớn cũng cho thấy, dù CHTL đang phát triển về số lượng nhưng doanh thu lớn vẫn thuộc về các tiệm tạp hóa.

Một báo cáo khác của Nielsen công bố trung tuần tháng 5/2015 cũng cho thấy, chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người Việt yêu thích.

Ở góc độ cạnh tranh, tuy 7-Eleven là thương hiệu CHTL phổ biến nhất (có khoảng 38.000 cửa hàng bên ngoài Nhật Bản nhưng Lawson và FamilyMart đang tạo nên thế cạnh tranh gay gắt với 7-Eleven tại thị trường châu Á).

Ngay như ở thị trường "sân nhà”, Lawson và FamilyMart cũng là đối thủ đáng gờm của 7-Eleven, còn ở Việt Nam, hai thương hiệu CHTL của Nhật cũng đã có mặt từ rất sớm là FamilyMart và MiniStop.

Riêng tại TP.HCM, FamilyMart, sau khi bán chuỗi cửa hàng cho BJC (Thái Lan, hiện được đổi thành B's Mart), thương hiệu này đã tạo nên chuỗi CHTL mới mang tiên FamilyMart, với mức độ đầu tư và định vị nét đặc trưng riêng, cụ thể là việc đa dạng hàng hóa và dịch vụ thực phẩm ăn liền (một trong những tiêu chí hút khách hàng của các cửa hàng tiện lợi, cùng với vị trí thuận tiện và giờ hoạt động...).

>Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

>7-Eleven với triết lý "cùng tồn tại và cùng thịnh vượng"

>Bí quyết phát triển sản phẩm mới của 7-Eleven Nhật

>Dịch chuyển M: Thương mại điện tử "cất cánh"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Trầy trật lăn bánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO