Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: "Nội - ngoại" so găng

HỒNG NGA - HẢI ÂU| 16/08/2015 06:17

Cuộc cạnh tranh trong phân khúc cửa hàng tiện lợi sẽ rất khốc liệt, mà dễ thấy nhất là sự chạm trán của hai phe "nội - ngoại"...

Kinh doanh cửa hàng tiện lợi:

Với sự xuất hiện của những thương hiệu lớn, cuộc cạnh tranh trong phân khúc cửa hàng tiện lợi (CHTL) sẽ rất khốc liệt, mà dễ thấy nhất là sự chạm trán của hai phe "nội - ngoại".

Đọc E-paper

Báo cáo của Nielsen cho thấy, so với năm 2012, số lượng CHTL đã tăng gấp đôi trong năm 2014, từ 147 cửa hàng lên 348 cửa hàng. Cùng với CHTL, chuỗi siêu thị mini cũng tăng từ 863 lên đến 1.452 điểm trong năm 2014. Dự báo, trong 3 năm tới, số lượng CHTL sẽ gấp 3 lần hiện tại, lên 1.500.

Tốc độ mở CHTL tăng nhanh trong những năm gần đây và đi kèm với đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt mà dễ thấy nhất là "cuộc so găng của hai khối nội - ngoại". Để tồn tại, C Express của Big C ngoài bán hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm công nghệ còn mở thêm dịch vụ ăn nhanh.

Tại đây, khách được phục vụ mì gói ăn liền, trái cây, kem, nước giải khát... Bs Mart thì có quầy phục vụ thức ăn sẵn như mì gói, bánh mì, bánh bao, xúc xích, chả giò, cá viên... Không chỉ thế, tại hệ thống cửa hàng này, người tiêu dùng có thể mua được thuốc giảm đau, thuốc nhỏ mắt...

Trong khi đó, hệ thống cửa hàng Circle K mở rộng khu phục vụ thức ăn nhanh với nhiều món như gà rán, mì trụng trộn trứng chiên, mì trộn cá viên, bò viên, cà phê, nước giải khát... cùng dịch vụ bán thẻ và sim điện thoại di động tại 80% cửa hàng.

>>Thị trường thức ăn nhanh: Sức ép từ Burger King

Family Mart với lợi thế mặt bằng lớn (diện tích trung bình là 135m2) đã tạo không gian để thưởng thức đồ ăn sẵn, dịch vụ thanh toán thẻ, mua báo và tạp chí bên cạnh các mặt hàng cơ bản. MiniStop thì phát triển dịch vụ trả hóa đơn điện, nước cho khách hàng và bán thực phẩm đông lạnh, thực phẩm ăn liền tại chỗ...

Ngược lại, ở khối nội, các CHTL trong nước như Satra Food, Co.op Food, đã không ngừng mở rộng quy mô. Đến thời điểm hiện tại, Saigon Co.op đã có 91 cửa hàng Co.op Food và gần 200 cửa hàng Co.op.

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trong năm 2014, Saigon Co.op đã mở thêm 17 CHTL Co.op Food, 30 cửa hàng Co.op.

Chủ trương của Saigon Co.op trong năm 2015 là mở thêm 30 cửa hàng Co.op Food tại TP.HCM và triển khai nhượng quyền thương hiệu (franchise) cho các cá nhân trong nước đủ điều kiện.

Dự kiến, trong 30 cửa hàng được mở trong năm nay sẽ có 10 cửa hàng franchise và hiện tại đã có một số cửa hàng triển khai thành công.

Bên cạnh việc mở điểm bán mới, Saigon Co.op còn tăng cường các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng. Chẳng hạn như ở một số cửa hàng Co.op Food, người tiêu dùng còn tìm được đồ dùng và hàng may mặc cần thiết mà các CHTL của nước ngoài không có.

>>Saigon Co.op: Sức ép của người dẫn đầu

Tuy không bán thức ăn nhanh nhưng hệ thống này lại áp dụng các dịch vụ tiện ích như đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà, sử dụng phiếu quà tặng... như tại các siêu thị trong hệ thống.

Đại diện Saigon Co.op, cho biết, với mục tiêu thay đổi chợ truyền thống nên chọn mô hình Food store chair (chuỗi cửa hàng thực phẩm) khi mở các cửa hàng Co.op Food.

"Để cạnh tranh với các đối thủ ngoại, chúng tôi đang hướng đến việc phát triển chuỗi cửa hàng 24/24. Hiện chúng tôi đang làm việc với đối tác nước ngoài để chuyển đổi mô hình cửa hàng Co.op sang hình thức này. Và nếu không có gì thay đổi, vào cuối tháng 9 tới, mô hình này sẽ ra mắt tại TP.HCM", bà Nguyễn Thị Tranh, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết.

Trong khi đó, hệ thống CHTL Satrafoods của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chỉ mới có mặt 4 năm nay nhưng đã xây dựng được chuỗi 60 cửa hàng. Trong năm 2014, Satra đã mở 17 Satrafoods và 5 năm tháng đầu năm nay đã khai trương thêm 7 cửa hàng mới.

Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng của thương hiệu này vì chiến lược phủ rộng mạng lưới tại TP.HCM vẫn đang được doanh nghiệp này triển khai.

>>Satra khai trương hai cửa hàng tiện lợi

Nếu như Co.op Food tận dụng các dịch vụ cộng thêm từ các "anh em trong cùng hệ thống Co.op" thì cửa hàng Satra Food lấy lợi thế cạnh tranh từ 8 đơn vị thành viên với gần 2.000 mặt hàng thực phẩm thiết yếu, hàng gia dụng... và hàng bình ổn giá (gạo, đường, dầu ăn, trứng, thịt gia súc...).

Trước sức ép từ các thương hiệu nước ngoài, hệ thống CHTL Citimart B&B của Công ty Đông Hưng phải liên tục cải tiến. Bà Ánh Hoa, cho biết, những năm qua, hệ thống Citimart B&B hằng năm liên tục điều chỉnh, cải tạo hoạt động, từ cung cách phục vụ cho đến hàng hóa.

Và hiện nay, sau khi hợp tác với Aeon, hệ thống 15 cửa hàng này đổi tên thành Aeon-Citimart B&B và đưa thêm hàng Nhật vào bán. Áp lực là vậy nhưng bà Ánh Hoa vẫn cho biết, Aeon-Citimart sẽ đẩy mạnh việc mở chuỗi và dự kiến, sẽ có thêm 10 cửa hàng Aeon-Citmart B&B ra mắt trong năm nay.

Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Left Brain Connectors, chuỗi CHTL chỉ có thể thành công khi độ phủ lớn và tạo sự khác biệt trong sản phẩm.

Với chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi cửa hàng trung bình 1,5 tỷ đồng (diện tích từ 80 - 120m2) thì mỗi chuỗi bán lẻ phải đạt ít nhất 30 cửa hàng trở lên mới mong hòa vốn.

"Với hệ thống chuỗi cửa hàng lớn, chủ đầu tư mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán mức giá tốt nhất với nhà cung ứng", ông Phạm Việt Anh phân tích.

>>Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: "Nội - ngoại" so găng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO