Kiện vi phạm bản quyền: "được vạ má sưng"

17/04/2019 07:02

Các vụ vi phạm bản quyền liên tục diễn ra trong mọi lĩnh vực văn hóa, âm nhạc, giáo dục, kinh doanh…nhưng hầu hết các đơn vị, cá nhân “bị” ăn cắp bản quyền vẫn trong tình cảnh mỏi mòn chờ đợi công lý.

Kiện vi phạm bản quyền:

Tiết thao giảng tại Trường Kiến Thiết được các giáo viên đánh giá cao

Không biết luật hay biết vẫn làm?

Mới đầu năm 2019 nhưng hàng loạt vụ vi phạm bản quyền đã gây chú ý dư luận. Mở đầu là vụ kiện tranh chấp bản quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Sau 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, ngày 8/2/2019, họa sĩ Lê Linh đã được Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và Công ty Phan Thị phải bồi thường danh dự và hàng loạt chi phí khác cho tác giả Lê Linh. Ngay sau đó, ngày 2//3/2019, Tòa án Nhân dân Hà Nội cũng đã trả lại quyền “chủ sở hữu” kịch bản “Ngày xưa” cho đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội đã phải phải trả cho Công ty truyền thông DS của đạo diễn Việt Tú hơn 660 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 1/2019, câu chuyện bản quyền cũng đã  gây sự chú ý  dư luận khi ca khúc mới là "Tình nhân ơi" lẫn sản phẩm phát hành cách đây một năm là "Người lạ ơi" của Châu Đăng Khoa bị phát hiện có sử dụng các ý tương đồng thơ của tác giả Linh Linh. Trước dư luận không ngừng công kích, Châu Đăng Khoa đã phải đăng lời xin lỗi lên trang cá nhân cùng với khoản nhuận bút 6 triệu đồng cho Linh Linh.

Mặc dù các vụ vi phạm bản quyền kể trên đã tìm được công lý nhưng thực tế, vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân vẫn đang mỏi mòn trên hành trình này. Điển hình, năm 2014, Trường Đắc Nhân Tâm Dale Carnegie Việt Nam đã khởi kiện một chuyên gia huấn luyện vì lý do vi phạm quyền tác giả của Dale Carnegie. Sau khi được đào tạo thành chuyên gia huấn luyện và được là thành viên của trường, chuyên gia này đã tự đi đào tạo riêng bên ngoài rồi thành lập công ty đào tạo. Điều đáng nói là gần như toàn bộ giáo trình, quy trình, bài giảng, tài  liệu…của  chuyên gia này giống đến gần 100% của Dale Carnegie. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho Dale  Carnegie.

Tương tự đầu tháng 3/2019, theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3, một giáo viên dạy Văn của Trường  THCS Kiến Thiết đã  xây dựng  bài giảng dựa trên sự kết hợp nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực gồm: Phương pháp dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, đóng vai, thuyết trình - nhận xét – đánh giá, phương pháp dạy học theo trạm, mở rộng không gian lớp học, kĩ thuật phòng tranh…để thực hiện chuyên đề: “Tích hợp liên môn Văn – Sử - Gíao dục công dân” để giảng dạy môn Ngữ Văn. Tiết giảng đã nhận được sự đánh giá tích cực của gần 100 giáo viên Ngữ văn khối 8,9 trong toàn Quận. Tuy nhiên, hai tuần sau đó, phương pháp này đã được tái hiện y chang tại một  trường khác tại Quận 3 nhưng lại được công bố là thành quả sáng tạo và tâm huyết của giáo viên trường này.

 Với hầu hết những vụ vi phạm bản quyền, lập luận của các đơn vị, cá nhân vi phạm đều rất ngô nghê. Đơn cử, trên trang tin điện tử Zing.vn, Châu Đăng Khoa “biện minh” rằng, anh ta không đạo thơ mà chỉ  là… lấy “thơ” của Linh Linh để làm cảm hứng sáng tác?. Hay kỳ cựu như ca sĩ Mỹ Tâm mà vẫn “ngây ngô” rằng: “Không biết tác giả là ai”, ca sĩ Noo Phước Thịnh thì biện minh: “Do không hiểu rõ về luật”, còn những người vi phạm trong lĩnh vực giáo dục thì cho rằng, đó là phương pháp chung của xã hội, có quyền sao chép  để giảng dạy... Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News cho biết, công ty ông đã nhiều lần phát hiện rất nhiều trường, trung tâm ngoại ngữ photo sách để bán cho học viên và sao chép những CD chương trình luyện thi nhiều cấp độ TOEFL iBT, TOEIC mà First News đã mua bản quyền. Sau khi bị xử lý phạt hành chính, các  đơn vị này đều trả lời là do không biết ở Việt Nam có Luật bản quyền, không hiểu Công ước Berne…

Được vạ má sưng

vi-pham-ban-quyen-7073-1555499869.jpg

Mặc dù thắng kiện nhưng ông Lê Linh cho biết, hành trình 12 năm theo đuổi vụ việc đã làm ông phải tốn nhiều công sức để suy nghĩ, bảo vệ quyền lợi của mình. Nhất là những lần lên xuống, liên tiếp đến tòa ảnh hưởng đến công ăn việc làm và cả gia đình, rất mệt mỏi.

Tương tự, đại diện Dale Carnegie cũng chia sẻ: “Tổn thất của Dale Carnegie rất lớn. Điển hình từ năm 2009 - 2010, Dale đã ký hợp đồng với một ngân hàng lớn đào tạo một chuỗi chương trình “Lãnh đạo tạo đột phá” - chương trình điển hình của Dale Carnegie Nhưng sau đó  mới huấn luyện được khoảng 6, 7 chương trình thì phía ngân hàng dừng hợp đồng, hóa ra chương trình tiếp theo đã được “người vi phạm” kia âm thầm mang chương trình dạy tiếp cho nội bộ trong ngân hàng với chi phí thấp hơn”.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam cho biết: “Hành trình theo đuổi vụ kiện rất cực khổ, bởi Luật sở hữu trí tuệ và việc thực thi tại Việt Nam còn nhiều vấn đề bàn cãi, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc  đấu tranh cho những sản phẩm và tài sản trí tuệ. Điều đáng nói là trước khi vụ việc tạm khép lại, ngay cả khi Dale Carnegie Việt Nam có cả sự chứng thực của Bộ ngoại giao Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ nguyên mẫu của Dale Carnegie nhưng đơn vị vi phạm và phía cơ quan quản lý cũng không hề có bất cứ động thái nào”.

Ông Phước cũng cho rằng, chi phí và công sức theo kiện đôi khi còn lớn hơn nhiều tiền thắng kiện. Ngoài ra, để có một cuốn sách, nhà sách phải mất công tìm kiếm từ ý tưởng đến theo sát nguồn hàng, đàm phán và trả phí bản quyền, nhuận bút, thuê người biên dịch, biên tập, thiết kế, chế bản, in ấn và phát hành đến tay người đọc. Trong khi đó kẻ in lậu không cần trả bất cứ chi phí nào, ngang nhiên copy và bán với giá cao ngất ngưởng. Lợi nhuận của việc in sách lậu dùng tài liệu không có bản quyền là rất lớn.

Ở góc độ sản xuất, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh cũng chia sẻ: ‘Để không bị các đơn vị khác “vi phạm bản quyền” của mình, công ty ông đã đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng trên 20 nước có hàng xuất khẩu nhưng vẫn còn rất nhiều thủ tục, rào cản”. Ông nói: “Không có quốc gia nào thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ lại lâu như Việt Nam. Thường thời gian đăng ký khoảng một năm nhưng thực tế kéo dài đến 15, 16 tháng, dẫn đến thiệt hại cho DN vì thời gian chờ đợi quá lâu, đủ để các DN khác có thể sản xuất giống sản phẩm của DN mình, mà nếu đủ cơ sở khiếu nại thì thị trường cũng đã mất”.

Điều đáng nói hơn  là hầu hết các vụ kiện bản quyền thời gian qua đều không vì mục đích đòi tiền mà chỉ mong muốn “đòi được danh dự”. Chia sẻ trên báo chí, đạo diễn Việt Tú nói: "Tôi không đòi tiền bồi thường hay tranh quyền sở hữu. Việc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh từ vở "Ngày xưa" của  tôi là chiến thắng không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả nghệ sĩ. Bởi không ai có thể ăn cắp trắng trợn thành quả lao động của người khác rồi ghi tên mình là tác giả được”.

Với lập luận: “Phương pháp giáo dục là tài sản chung, ai cũng có thể áp dụng”, bà Khánh Linh - Tổng Giám đốc Dale Carnegie cũng khẳng định: “Nhân rộng phương pháp đào tạo, giáo dục mới, ưu việt là điều tốt nhưng không chấp nhận việc “sao chép” nhằm mục đích kinh doanh hoặc đánh bóng tên tuổi khi sản phẩm đó của người khác. Dù lý do gì, chất xám trong giáo dục, sáng tạo  phải được tôn trọng trên nguyên lý đơn giản: Những gì thuộc về người khác thì chúng ta phải tôn trọng và không lấy làm của mình. Đừng vì luật pháp còn có nhiều ngõ “lách” mà ngang nhiên lấy trí tuệ của người khác để làm lợi hay “tô vẽ” danh hiệu cho mình. Trong một thế giới phẳng, khi các Hiệp định thương mại đều có mối liên quan tới sở hữu trí tuệ, mọi người cần có một tư duy chuyên nghiệp hơn, văn minh hơn để xây dựng uy tín và thương hiệu cá nhân”.

Không chỉ người bị mất bản quyền bị tổn thất mà ngay cả kẻ vi phạm cũng ‘bị má sưng’. Noo Phước Thịnh cũng đã tiếc nuối vì ngoài số tiền bị yêu cầu phải chi trả 850 triệu đồng, thì MV bị vi phạm bản quyền của chàng ca sĩ này cũng nhanh chóng biến mất kéo theo 30 triệu lượt xem, đồng nghĩa mất hết tiền đầu tư. Hay như Mỹ Tâm, Châu Anh Khoa cũng phần nào bị mất uy tín sau vụ vi phạm bản quyền.

Đằng sau các vụ vi phạm bản quyền, bài học cho các bên vi phạm đã rõ. Vấn đề là khung pháp lý trong lĩnh vực này cẩn rõ ràng, cụ thể hơn và mỗi cá nhân, đơn vị cũng phải ý thức hậu quả  mà  giữ lòng tự trọng của bản thân cũng như uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp. Trước đây, Noo Phước Thịnh và Đinh Hà Uyên Thư – người thực hiện MV cho Noo đã từng  đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền. Nếu bản thân họ chịu rút kinh nghiệm ngay từ sai sót đầu tiên, chắc hẳn sản phẩm "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" đã không phải trả gía đắt như bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiện vi phạm bản quyền: "được vạ má sưng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO