Khốc liệt "cuộc chiến" vùng nguyên liệu nông sản

DUY KHUÊ - HẢI ÂU| 22/12/2016 03:40

Không chỉ dừng lại ở thương mại, các doanh nghiệp FDI đang nhắm đến việc hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu nông sản.

Khốc liệt

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bước vào thị trường nông sản Việt Nam kể từ sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Bên cạnh mảng thu mua, việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu cũng đang cạnh tranh khá gay gắt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sản lượng và chất lượng hàng nông sản xuất khẩu.

Đọc E-paper

Là người đứng ra “mai mối” cho khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài mới đây chia sẻ, từ năm 2015 đến nay, với việc trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam đã thu hút thêm vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn được đánh giá là thế mạnh và còn nhiều tiềm năng để khai thác. Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã bày tỏ về ý định đầu tư vào ngành chế biến hoặc mở công ty thu mua nông sản xuất khẩu ở Tây Nguyên.

Không chỉ DN Nhật Bản, gần đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan cũng “nhòm ngó” đến ngành nông nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, để đón đầu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (ký tháng 5/2015), một vài DN Hàn Quốc đã bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Chẳng hạn như Tập đoàn CJ đầu tư 2,1 triệu USD để trồng ớt ở Ninh Thuận. Quý III vừa qua, tập đoàn này tuyên bố rót 500 triệu USD vào nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ đầu tư vùng trồng, CJ còn hướng đến việc giao thương hàng hóa 2 chiều giữa thị trường Việt Nam và Hàn Quốc.

Một “chaebol” khác là Lotte, hồi tháng 4/2016 cũng chia sẻ ý định thành lập công ty logistic đảm trách mảng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thu mua nông sản Việt Nam để kinh doanh ở thị trường Hàn Quốc.

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Huỳnh Ngọc Phiên - nguyên TGĐ Công ty Amata Việt Nam, từng cố vấn cho một công ty nhập khẩu của Thái Lan tại Việt Nam cho biết, nhìn thấy lợi thế thị trường Việt Nam, đặc biệt là nông sản, cách đây 4 - 5 năm, nhiều DN Thái đã đặt văn phòng đại diện. Họ nhập hàng Thái Lan vào Việt Nam, ngược lại kết hợp với các đại lý địa phương thu mua nông sản để xuất thô về Thái.

>>Nông sản Việt: Làm gì để tăng trưởng xuất khẩu?

Từ giữa thập niên 1990, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Mỹ, một số nước châu Âu đã vào Việt Nam kinh doanh nông sản xuất khẩu, nhất là cà phê, trà, cacao và gần đây là gạo. Chẳng hạn, ở lĩnh vực cà phê, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số 30 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam niên vụ 2013/2014, có 14 DN FDI với những cái tên quen thuộc như Armajaro, Olam, Louis Dreyfus Commodities (LDC), Sunwah Commodities, Neumann Gruppe.

Đáng chú ý như Sunwah Commodities thuộc Tập đoàn Sunwah (Hong Kong) đầu tư vào Việt Nam từ trước năm 1975, đến năm 2006, nhìn thấy lợi thế về nguồn nguyên liệu, đã sản xuất và chế biến cà phê Robusta với sản lượng hằng năm trên 45.000 tấn.

Tập đoàn LDC hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998, chủ yếu trồng, chế biến, kinh doanh, bảo quản và phân phối cà phê, ngũ cốc, hạt có dầu và gạo tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Hai mặt hàng chính của Tập đoàn là cà phê Arabica và Robusta.

Để phục vụ cho mảng kinh doanh này và tăng tính cạnh tranh, LDC đã phối hợp với hơn 6.000 hộ nông dân, 30 đại lý và 110 trưởng nhóm nông dân tại Tây Nguyên phát triển cây cà phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ. Đến nay LDC đã đặt các cơ sở thu mua cà phê Robusta tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và xây nhà máy sản xuất cà phê Arabica tại Lâm Đồng, nhà máy chế biến cà phê Robusta tại Pleiku.

Thêm nữa, năm 2013, LDC đã liên doanh với Vinafood 1 lập Công ty TNHH Orient Rice (LDC chiếm 33% vốn điều lệ) để xây dựng nhà máy xay xát gạo Orico chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp.

Xuất khẩu cà phê theo loại sản phẩm từ niên vụ 2011 - 2016. Đồ họa: Tiến Đạt

Riêng ở lĩnh vực cacao, dù sản lượng chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 3.000 tấn/4,3 triệu tấn cacao hạt khô trên thế giới nhưng do được đánh giá là vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt tạo ra nguyên liệu khác lạ để sản xuất sôcôla có vị trái cây nên Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn vào thu mua, đầu tư.

Thay vì thu mua, sơ chế và xuất khẩu trực tiếp hạt cacao đến các nhà sản xuất sôcôla trên thế giới thì các DN Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu trung gian là trồng và cung cấp hạt cacao lên men cho các đầu mối như Công ty Cargill (Mỹ), ED&F Man (Anh), Mitsubishi Corporation (Nhật). Song ở “đấu trường” này, hiện nay gần như chỉ còn 2 tên tuổi lớn trong ngành sản xuất sôcôla và bánh kẹo là Puratos Grand-Place Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Grand-Place, Bỉ và Puratos Việt Nam) và Mars (Mỹ).

Họ là những DN hỗ trợ nông dân trồng cây cacao và khép kín chuỗi sản xuất từ nông trại đến thành phẩm thay vì chỉ nhắm đến thu mua và xuất thô. Trong khi đó, không hiểu vì lý do gì Cargill lại thu hẹp mảng thu mua cacao và một số nhân vật từng làm cho Cargill Việt Nam đã “ra riêng” với việc tiếp tục theo đuổi cây cacao.

>>Sôcôla Việt Nam - mặt hàng cao cấp ở Nhật

Theo ông Gricha Safarian - TGĐ Puratos Grand-Place Việt Nam, năm 2013, DN đã đầu tư khoảng 10 triệu USD xây dựng nhà máy sơ chế và chế biến hạt cacao tươi nhưng gần đây do ảnh hưởng của mặn xâm lấn (vùng trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long) và hạn hán (vùng trồng ở Tây Nguyên), diện tích cây cacao bị thu hẹp.

Do đó, để đủ sản lượng cho nhà máy, Công ty đã làm việc với nhiều DN sở hữu diện tích cà phê đã già cỗi muốn thay đổi cây trồng khác, để hợp tác phát triển. Hiện Puratos Grand-Place Việt Nam đã “bắt tay” với một đơn vị ở Bà Rịa - Vũng Tàu đồng thời tìm kiếm thêm các cơ hội ở Lào nhằm nhân rộng vùng trồng cacao. Bởi không như những nông sản khác, thay vì xuất khẩu thô, cacao đã được chế biến thành phẩm (bánh kẹo, sôcôla, bột) có giá trị cao phục vụ cho nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu. Vấn đề hiện nay của ngành là vùng nguyên liệu vẫn không đủ để cung ứng cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước.

Cơ cấu xuất khẩu cà phê theo loại sản phẩm niên vụ 2014 - 2015. Đồ họa: Tiến Đạt

Thực tế cho thấy, dù là cacao hay cà phê, nếu DN chỉ đơn thuần thu mua, xuất khẩu sẽ rất khó cạnh tranh vì khó đồng nhất được chất lượng và đáp ứng được về sản lượng do không có sự ràng buộc với nông dân.

Ở góc độ người trồng, ông Hồ Thanh Vân (An Khánh, Châu Thành, Bến Tre - một trong ba vùng nguyên liệu chủ yếu của cây cacao tại Đồng bằng sông Cửu Long) chia sẻ, gia đình ông trồng 1,2ha cây cacao từ năm 2004, năm 2011 cho 5 tấn trái, nhưng đến năm 2014, khi có sự hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón và mức giá thu mua ngang bằng với các sàn giao dịch cacao trên thế giới cộng thêm biên độ dao động từ 2 - 3% của Puratos Grand-Place Việt Nam, sản lượng đạt 19 tấn và dự kiến năm nay là 24 tấn.

“Việc hỗ trợ, đồng hành của DN không chỉ làm tăng từ 19 - 20% sản lượng trên cùng diện tích trồng cacao mà còn giúp chúng tôi an tâm phát triển vùng trồng và không lo rủi ro về giá”, ông Hồ Thanh Vân nói.

>>Sản xuất ethanol "giải cứu" cây cacao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khốc liệt "cuộc chiến" vùng nguyên liệu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO