Khoai môn, củ kiệu "chính danh"

DUY KHUÊ| 25/10/2014 06:30

Sau thời gian dài xuất ngoại bằng đường tiểu ngạch, nông sản Việt như ớt, bắp, kiệu... cũng đang dần khẳng định tên tuổi trên thị thường quốc tế.

Khoai môn, củ kiệu

Sau thời gian dài xuất ngoại bằng đường tiểu ngạch, nông sản Việt như ớt, bắp, kiệu... cũng đang dần khẳng định tên tuổi trên thị thường quốc tế.

Đọc E-paper

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có tới 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu các nước khác, khiến hàng nông sản của nước ta bị thất thế và thất thu trên cả thị trường trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, theo đánh giá chung của các doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu trái cây và nông sản, sở dĩ tình trạng được mùa, mất giá cứ liên tục diễn ra trong suốt thời gian dài đối với nông sản Việt phần đều xuất phát từ cách làm tự phát của nông dân.

Sản phẩm không có thương hiệu, không được sản xuất tập trung vô tình trở thành "mồi ngon" của thương lái Việt Nam và Trung Quốc. Khoảng cách về giá từ nông trại đến người tiêu dùng cuối cùng tỷ lệ thuận theo các khâu trung gian, tức thương lái thu mua trực tiếp.

Nhận ra nhược điểm này, nhiều DN và địa phương đang tìm cách khắc phục, nhằm có được giá trị cao nhất khi nông sản có thương hiệu. Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chánh Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư, UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh sau thời gian dài xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nay đã bắt đầu chính danh trên thị trường quốc tế như trái ớt, củ kiệu, khoai môn, bắp siêu dẻo...

Các sản phẩm vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa như "Khoai môn Mỹ An Hưng", "Củ kiệu Hội An Đông". Sau hơn một năm, kể từ năm 2012, huyện Lấp Vò đã lập hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu cho khoai môn với diện tích sản xuất hằng năm khoảng 600ha và củ kiệu với diện tích sản xuất hằng năm gần 40ha, nhằm quảng bá sản phẩm đến nhiều địa phương cả nước, nhằm đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này.

Vì vậy, hai sản phẩm đặc thù trên địa bàn xã Mỹ An Hưng A và xã Hội An Đông thuộc huyện Lấp Vò lần lượt chính thức có mặt trên thị trường xuất khẩu "chính danh" với hình thức sơ chế vỏ, hút chân không, cấp đông. Mặc dù sản phẩm vẫn trong giai đoạn vừa xuất khẩu vừa thăm dò thị hiếu người tiêu dùng nhưng rất được thị trường Úc ưa chuộng.

Ngoài hai sản phẩm trên, ớt trái tươi cấp đông Thanh Bình (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa "Ớt Thanh Bình" vào tháng 7/2012 cũng đang rất được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Xuân Vĩnh, cùng với việc tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam nói chung và cụ thể là tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cách mà địa phương khuyến khích tạo đầu ra cho sản phẩm là vừa tìm cách khuyến khích bà con nông dân trồng trọt theo hướng "sạch", đồng bộ, vừa kêu gọi, hợp tác với các DN xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài, nhằm hạn chế khâu trung gian. Có như vậy mới có thể rút ngắn khoảng cách giá từ đầu vào đến đầu ra, đồng thời tạo lợi nhuận cho cả hai phía là nông dân và DN.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, Việt Nam có 933 sản phẩm nông sản phân bố trên 721 địa danh của cả nước, trong đó trên 800 sản phẩm nổi tiếng. Thế nhưng, số lượng các sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ chiếm tỷ lệ rất thấp, với khoảng 139 thương hiệu.

Cùng với sự có mặt của nhiều đặc sản, nông sản từ các vùng miền Việt Nam, tại Hội chợ "Nông sản xuất khẩu Việt Nam - Vietnam Farm Expo 2014" mới diễn ra tại TP.HCM trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng về gạo, chè (trà), cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều, mía đường, rau củ quả, nấm, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; các thiết bị chế biến nông sản, thực phẩm; những mặt hàng đạt chất lượng VietGap, Global Gap, sản phẩm hữu cơ... với 170 gian hàng, đến từ TP.HCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Hà Nội...

Chia sẻ tại Vietnam Farm Expo 2014, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch HIệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng, hội chợ đã mang đến những trải nghiệm về sự đa dạng của nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đây còn là điểm đến hấp dẫn để DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh giao lưu, gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, nhà phân phối cũng như giới thiệu các công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Đà Lạt, Lâm Đồng), tại hội chợ, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu cà chua đi các nước châu Âu đã đặt vấn đề nhập hàng của Tân Tiến với đơn hàng khoảng 1 tấn mỗi ngày.

Theo ông Vũ Ngọc Duy, Trưởng Bộ phận Giám sát chất lượng và Khai thác nguồn hàng Tổng công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX), rất quan tâm đến ớt sấy của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) để ký hợp đồng thu mua với số lượng lớn và thường xuyên để xuất qua thị trường Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khoai môn, củ kiệu "chính danh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO