Khó xoay xở trả nợ ngân hàng

13/07/2012 08:35

Khi hàng tồn kho chưa giảm và đầu ra sản phẩm chưa được khơi thông do sức mua thị trường yếu, thì dù lãi suất các khoản vay cũ có giảm xuống, doanh nghiệp vẫn khó xoay xở trả nợ ngân hàng.

Khó xoay xở trả nợ ngân hàng

Khi hàng tồn kho chưa giảm và đầu ra sản phẩm chưa được khơi thông do sức mua thị trường yếu, thì dù lãi suất các khoản vay cũ có giảm xuống, doanh nghiệp vẫn khó xoay xở trả nợ ngân hàng.

Cái khó nhất với doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm

Lãi suất cao, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư sản xuất, giải phóng hàng tồn kho và trả nợ... là những nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2012.

Vì vậy, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và hạ thấp tỷ lệ nợ xấu.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Bình Dương cho biết, đầu năm 2011, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn của một ngân hàng thương mại, với thời hạn vay là 1 năm.

Lãi suất vay khi ký hợp đồng là 18%/năm, nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên theo từng thời kỳ (3 hoặc 6 tháng) như thoả thuận trước đó.

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là châu Âu và Mỹ gặp nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm của công ty bị thu hẹp, hàng tồn kho gia tăng.

Tình cảnh này khiến công ty rất khó trả nợ được khoản vay trên cho ngân hàng, dù lãi suất có được điều chỉnh xuống còn 15%/năm từ ngày 15/7 tới.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nêu trên, mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cũng đang đối mặt với tình trạng đình đốn trong sản xuất, kinh doanh, nên rất khó trả được nợ cũ cho ngân hàng.

Các doanh nghiệp cho rằng, họ cần được hỗ trợ vốn mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, từ đó mới có thể trả được nợ cũ cho ngân hàng.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, cái khó nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn là đầu ra của sản phẩm.

“Chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn, nhưng lúc này, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp là làm sao khơi thông được sức mua của thị trường, thì mới có thể giải quyết được nợ nần cho ngân hàng”, ông Kiệt nói.

Cũng theo ông Kiệt, hiện một số thành viên của Hiệp hội có hợp đồng, dự án, nhưng cạn tài sản thế chấp, nên không thể vay vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay VND đối với khoản vay cũ của doanh nghiệp xuống dưới cả mức 15%/năm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Tại Ngân hàng Eximbank, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, không phải đến thời điểm này, mà trước đó, Eximbank đã giảm dần lãi suất vay cho khách hàng khi đến thời kỳ điều chỉnh.

Lãi suất cho vay VND thấp nhất hiện nay tại Eximbank chỉ còn xoay quanh mức 12%/năm. Đồng thời, Eximbank còn có chương trình vay VND theo lãi suất ngoại tệ chỉ ở mức 7%/năm.

Tuy nhiên, cái khó của các doanh nghiệp là, ngân hàng không những không nới điều kiện cho vay mà còn siết chặt hơn, bởi lo ngại nợ xấu gia tăng, phải trích lập quỹ dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB, ông Phạm Linh, trong bối cảnh hiện nay, với các khoản vay rủi ro, ngân hàng sẽ thận trọng khi xem xét rót vốn. “Vốn của ngân hàng được huy động từ dân và phải trả lãi cho người gửi tiền, nên việc cho vay cũng phải được cân nhắc kỹ để tránh tối đa rủi ro nợ xấu”, ông Linh nói.

Hơn nữa, về điều kiện để cho doanh nghiệp vay vốn, các ngân hàng phải thực hiện theo quy chế của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng chỉ có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vốn, lãi suất hoặc các chính sách vốn…, chứ không thể nới tiêu chí cho vay.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp như: hạ lãi suất, cho phép gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ..., nhằm giải quyết tình trạng tín dụng âm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng xem ra các giải pháp vẫn chưa có tác dụng rõ rệt.

Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu giảm lãi suất, nhưng không có giải pháp giúp doanh nghiệp trả nợ cũ thì chưa hẳn đã thành công.

Cách tốt nhất để giảm tỷ lệ nợ xấu là ngân hàng phải khoanh vùng khách hàng, nếu doanh nghiệp có dự án khả thi, thì ngân hàng nên mạnh dạn cho vay. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc trả nợ vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó xoay xở trả nợ ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO