Khó khăn nhất 15 năm qua, triển vọng nào cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam?

BÌNH AN| 11/09/2018 03:32

Ngành mía đường được nhận định đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây, vậy còn triển vọng nào cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam?

Khó khăn nhất 15 năm qua, triển vọng nào cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam?

Kinh doanh khó khăn

Tháng 6 hằng năm là thời điểm kết thúc năm tài chính 2017 - 2018 của hàng loạt doanh nghiệp mía đường và tới nay, khi các con số được công bố, dễ nhận thấy đây là một mùa kinh doanh khá khó khăn. Cụ thể Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS) ghi nhận lỗ trong quý vừa qua dù doanh thu thuần tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, đạt 732,9 tỷ đồng. Chi phí giá vốn tăng cao hơn so với mức tăng của doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 45,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến LSS ghi nhận lỗ thuần hơn 10,4 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý vừa qua. Tính chung cả năm tài chính 2017 - 2018, LSS lãi sau thuế chưa đến 4 tỷ đồng, doanh thu đạt 1.452 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái và mới hoàn thành 41,9% kế hoạch đặt ra đầu năm.

Cùng chung tình trạng khó khăn là Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco). Báo cáo tài chính kết thúc năm 2017 - 2018 của công ty cho thấy, doanh thu đạt 1.065 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, Công ty CP Mía đường Kontum (mã KTS) cũng báo lợi nhuận giảm tới 78%, chỉ còn 9 tỷ đồng trong niên độ 2017 - 2018.

Link bài viết

Một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, quy mô lớn nhất ngành mía đường cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng là Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (mã SBT) cũng cho thấy sự suy giảm lợi nhuận. Cụ thể, niên độ 2017-2018, Thành Thành Công Biên Hòa đạt doanh thu hợp nhất 10.364 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 546,7 tỷ đồng, tăng 61%. Tuy nhiên, kết quả này có được là do có sự hợp nhất với CTCP Mía đường Biên Hòa (mã BHS – hoàn tất sáp nhập vào tháng 10/2017). Trong niên độ tài chính trước khi chưa hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của Thành Thành Công Biên Hòa theo báo cáo tài chính là 339,3 tỷ đồng, còn Mía đường Biên Hòa là 289 tỷ đồng.

Như vậy thực tế, lợi nhuận sau thuế năm qua của Thành Thành Công Biên Hòa còn thấp hơn tổng lợi nhuận riêng lẻ của công ty và Mía đường Biên Hòa gộp lại.

Triển vọng nào cho các doanh nghiệp mía đường?

Ngành mía đường được nhận định đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây và là thời kỳ khó khăn thứ hai kể từ khi ngành được thành lập. Nhìn lại lịch sử, năm 1995, ngành mía đường ra đời, chính thức có tên trong bản đồ ngành nghề Việt Nam. Nhưng ngay sau đó 4 năm, tức năm 1999, cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí bị xóa sổ.

Tới năm 2018, lịch sử lặp lại khi ngành mía đường đang ở điểm trũng với khó khăn chồng chất. Theo đó, tồn kho của ngành mía đường đang ở mức cao ngất ngưởng, nếu niên vụ 2015 - 2016, có giai đoạn tỷ lệ tồn kho lên tới 70% thì trong niên vụ 2016-2017, tình trạng tồn kho vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu. Tình trạng dư cung kèm cầu yếu đã khiến tiêu thụ đường gặp khó khăn, giá bán sụt giảm.

Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, giá đường trắng tháng 7/2018 giảm 17,75 USD/tấn so với tháng trước đó, xuống 317,85 USD/tấn (trong khi mức trung bình các năm 2016 là 498,13 USD/tấn, năm 2017 là 432,07 USD/tấn). Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đường giảm mạnh được cho là do sản lượng đường sản xuất toàn cầu niên vụ vừa qua tăng 10,3%, cao hơn so với mức tăng 2% của nhu cầu tiêu thụ. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh trực tiếp với đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Nhìn chung, sau một niên vụ không mấy thành công, cổ đông của các doanh nghiệp mía đường sẽ khó hy vọng vào một chính sách cổ tức cao. Để vượt qua khó khăn, bên cạnh giải pháp chung là kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển khách hàng, các công ty mía đường có thể tính đến phương án đa dạng hóa nguồn thu hay tìm cách tái cơ cấu, sáp nhập, mở rộng thị phần như phương án SBT đã thực hiện thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó khăn nhất 15 năm qua, triển vọng nào cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO