Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018: Ngành thép, ngành hàng tiêu dùng nhanh chựng lại

NGỌC ANH| 04/08/2018 08:20

Dù tiết giảm được chi phí bán hàng, nhưng một vài tên tuổi trong ngành thép, ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng cho thấy kết quả kinh doanh nửa đầu năm không như kỳ vọng do tác động từ giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018: Ngành thép, ngành hàng tiêu dùng nhanh chựng lại

Báo cáo kết quả kinh doanh của Công CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố mới đây cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt 27.595 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.425 tỷ đồng, tăng tương ứng 30% và 27% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, HPG đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm. Nhóm ngành thép duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao, ổn định chính là động lực tăng trưởng của HPG thời gian qua. Thị phần thép của Hòa Phát vẫn duy trì vị trí số 1 với 22,2%. Được biết, năm 2018, Hòa Phát đặt mục tiêu 55.000 tỷ đồng doanh thu và 8.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trái ngược với Hòa Phát, báo cáo tài chính quý II/2018, Thép Việt Ý (MCK: VIS) công bố số lỗ bất ngờ lên đến gần 68 tỷ đồng. Chỉ tính riêng quý II, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.374 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ 2017, ngược lại chi phí giá vốn chỉ giảm 3%. Cụ thể, giá vốn trong quý II ở mức 1.391 tỷ đồng, cao hơn so với doanh thu 1.374 tỷ đồng, khiến Thép Việt Ý lỗ gộp từ bán hàng gần 16,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi gần 16 tỷ đồng.

Lý giải về sự sụt giảm doanh thu, Thép Việt Ý cho rằng, tiếp tục đà đi xuống từ quý I, bước sang quý II, nhu cầu thép của thị trường trong nước vẫn yếu, giá thép đầu ra liên tục giảm, còn giá nguyên liệu đầu vào không có nhiều thay đổi, dẫn tới chi phí giá vốn tăng mạnh.

Link bài viết

Theo ghi nhận của công ty, so với quý II/2017, giá phế liệu đầu vào của sản xuất thép tăng mạnh, thậm chí một số loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phôi thép còn tăng gấp đôi khiến giá thành sản phẩm tăng vọt. Cuối kỳ do chi phí sản xuất cao nên công ty còn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 4,5 tỷ đồng.

Dự báo, thời gian tới ngành thép sẽ còn đối diện với nhiều thách thức liên quan đến nguyên liệu đầu vào và cả đầu ra, trong đó có việc gia tăng rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu. Đơn cử, mới đây 3 nhóm sản phẩm thép Việt bị EU áp dụng tự vệ tạm thời và Thái Lan, Indonesia cũng khởi xướng điều tra phòng vệ đối với thép nhập từ Việt Nam.

Đó là chưa nói đến việc thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất sang Việt Nam khi không vào thị trường Mỹ cũng là điều đáng bàn. Bởi, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số 10 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất năm 2017 của Việt Nam có sắt thép các loại. Cụ thể, năm ngoái, giá trị sắt thép nhập khẩu đạt 9,01 tỷ USD (so với 8,05 tỷ USD của năm 2016), trong đó sắt thép Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 6,08 tỷ USD.

Với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), tuy doanh thu và lợi nhuận tăng nhưng tốc độ đã không còn như thời điểm trước đó. Báo cáo kết quả kinh doanh hồi quý I của công ty này cho thấy, doanh thu thuần đạt 12.120 tỷ đồng, tăng chưa đầy 1% so với cùng kỳ 2017 (doanh thu từ các sản phẩm chủ đạo là sữa và đồ uống giảm nhẹ, doanh thu từ xuất khẩu giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tăng khoảng 6%, lên gần 6.634 tỷ đồng (nguyên nhân chính do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng hơn 19%), kéo theo lợi nhuận gộp đạt 5.487 tỷ đồng, giảm gần 6%. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 45%, giảm so với mức 48% của cùng kỳ năm trước. Thêm nữa, chi phí bán hàng chiếm áp đảo, chỉ đứng sau giá vốn, và có xu hướng tăng lên 2.318 tỷ đồng. Trong đó cho thấy, mỗi ngày Vinamilk phải tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng quảng cáo, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 3,8 tỷ đồng. Kết thúc quý I, Vinamilk đạt lợi nhuận sau thuế 2.683 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và đạt 25% kế hoạch năm.

Vinamilk cho biết, quy mô thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý I/2018 tăng nhẹ 2% ở khu vực thành thị và giảm 3% ở khu vực nông thôn. Trong đó quy mô thị trường sữa giảm 6% ở khu vực thành thị và giảm 8% ở khu vực nông thôn. Vinamilk đã giành thêm được 0,5% thị phần trong quý I/2018.

Song, xét về triển vọng tăng trưởng, Vinamilk vẫn được đánh giá cao, do triển vọng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam vẫn khả quan nhất khu vực. Công ty Chứng khoán HSC dự báo ngành sữa sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 9% trong vài năm tới nhờ chi tiêu nội địa trên đầu người vẫn thấp hơn khu vực.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những biến động gần đây trên thế giới do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phải chủ động hơn nhằm tránh những rủi ro về biến động tỷ giá có thể dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018: Ngành thép, ngành hàng tiêu dùng nhanh chựng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO