Học lãnh đạo từ phim đề cử Oscar

HOÀNG ĐĂNG| 07/03/2012 04:40

Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật, những bộ phim được đề cử giải Oscar còn chứa đựng một số bài học lãnh đạo thú vị.

Học lãnh đạo từ phim đề cử Oscar

Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật, những bộ phim được đề cử giải Oscar còn chứa đựng một số bài học lãnh đạo thú vị.

Tinker Tailor Soldier Spy

Phim được đề cử 3 giải Oscar. George Smiley (nhân vật chính trong phim, do Gary Oldman đóng) bị tống cổ ra khỏi cơ quan tình báo Anh (MI6) cùng với một điệp viên cấp cao khác mang bí danh Control.

Khi đó, MI6 nằm dưới sự điều phối của Percy Alleline và các “phó tướng” Bill Haydon, Roy Bland và Tony Esterhase. Control qua đời và Smiley được triệu hồi để tìm ra tên điệp viên hai mang trong tổ chức.

Truyện phim gợi lên sự liên tưởng về những con người đang mải mê tranh đấu để giành lấy địa vị cao trong xã hội mà chưa bao giờ tự hỏi ta sống để làm gì; sứ mệnh của tổ chức, của công ty mà ta đang phục vụ có phù hợp với mục đích sống của ta không.

- Bài học rút ra là lãnh đạo trước nhất phải hiểu mình, phải lãnh đạo được bản thân thì mới lãnh đạo được người khác.

Moneyball

Moneyball (được đề cử 6 giải Oscar) là bộ phim chuyển thể từ câu chuyện có thật cùng tên của nhà văn Michael Lewis.

Quyển sách thuộc thể loại “người tí hon đánh bại kẻ khổng lồ”, rất giàu cảm hứng, nói về Oakland A’s, một đội bóng chày nghèo nhưng luôn biết cách vượt qua khó khăn để giành chiến thắng.

Trong phim, Billy Beane (diễn viên Brad Pitt thủ vai) là người quản lý đội bóng, luôn có năng khiếu “thách thức lối mòn”.

Moneyball  khắc họa một ảo tưởng phổ biến rằng chiến thắng có thể đạt được chỉ nhờ kết quả phân tích hay một công thức vạn năng dẫn đến thành công.

Thế nhưng, phương pháp này bộc lộ hai nhược điểm.

Thứ nhất, những thuật toán, phương pháp phân tích không phải phương thuốc vạn năng. Một khi đối thủ phát hiện và tìm cách khắc chế thì Beane trở lại với hình ảnh một quản lý với ngân sách eo hẹp.

Và thứ hai, dù có giai đoạn chiến thắng đến 20 trận liên tục nhờ các thuật toán, đội bóng của Beane thường thất bại trong những trận đấu lớn, vốn đòi hỏi tinh thần thi đấu quên mình vì màu cờ sắc áo.

Beane chỉ có thể đạt được điều này nếu thu phục được nhân tâm và truyền được lửa thi đấu cho các cầu thủ, thay vì lệ thuộc vào những công thức cứng nhắc.

- Không thể có một công thức vạn năng để đạt được thành công. Thành công sẽ đến nếu người lãnh đạo không ngừng sáng tạo và khích lệ nhân viên, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho tổ chức của mình.

The Iron Lady

Được đề cử 2 giải Oscar. Bộ phim xoay quanh cuộc đời của nữ Thủ tướng duy nhất trong lịch sử nước Anh, bà Margaret Thatcher.

Đứng trước thử thách phải thay đổi bản thân để xoay chuyển cục diện của đất nước, Margaret Thatcher phải học cách ăn nói như một người lãnh đạo thực thụ, thay vì “quát tháo quá nhiều” như Quốc hội từng phê bình.

Trước và sau bước chuyển nói trên, Margaret Thatcher như hai con người khác. Chi tiết này không chỉ được phản ánh trên phim ảnh, mà đây chính là những gì thực sự diễn ra trong cuộc đời của “người đàn bà thép” này.

- Dù tài ăn nói là yếu tố rất quan trọng làm nên một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng khả năng lắng nghe cũng quan trọng không kém. Bởi nếu không thể lắng nghe, bạn sẽ không thể tiếp nhận đúng thực tế, và kéo theo đó là hàng loạt sai lầm xuất phát từ dữ liệu đầu vào bị sai lệch ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học lãnh đạo từ phim đề cử Oscar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO