Hoa Kỳ: Thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng

Luân Tâm| 30/05/2019 08:56

Được đánh giá là thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, vì vậy doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn nỗ lực đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ: Thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng

Gia tăng xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều tăng ở mức cao. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2010 - 2018 bình quân tăng 16,3%/năm, từ mức 14,24 tỷ USD vào năm 2010 lên 47,53 tỷ USD năm 2018. Bước sang năm 2019, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt 13,3 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2018.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã cao hơn 4,7 lần tốc độ bình quân của các thị trường khác. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, hàng điện tử. Trong quý I/2019, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với kim ngạch 3,26 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tương tự, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu truyền thống với nhiều thế cạnh tranh đối với ngành da giày Việt Nam. Việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ của Hoa Kỳ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi  cho giày dép Việt Nam.

Ngoài hai ngành trên, Hoa Kỳ cũng là thị trường lớn của đồ gỗ làm từ Việt Nam. Bà Đinh Thị Hương Nga - đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP.HCM (HAWA) thông tin, năm 2017 xuất khẩu đồ gỗ đạt 8 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 40%. DN xuất khẩu đồ gỗ đang cố gắng tìm hiểu kỹ thị trường Hoa Kỳ để gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống nêu trên, trái cây Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường khó tính này. Mới đây quả xoài của Việt Nam chính thức xuất khẩu vào Hoa Kỳ sau gần 10 năm chờ đợi. Trái xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều, vú sữa.

Mong muốn đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, DN phải tìm hiểu thị trường thông qua đối tác, đầu mối thông tin. Mới đây nhất, nhiều DN Việt lên kế hoạch tham gia Hội chợ Quốc tế Hoa Kỳ Global Expo 2019 với 200 gian hàng (nông sản, hải sản, lương thực, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ). DN tham gia hội chợ cho hay, đây sẽ là cơ hội để hàng hóa “made in Vietnam” tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng, nhất là ở Mỹ.

Chú ý những quy định khắt khe

Ông Đức Lê  - Chủ tịch Công ty Grand Aster USA cho biết, DN cảm nhận rõ rệt sức nóng tăng trưởng giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong 330 triệu người tiêu dùng, thị trường Hoa Kỳ có cộng đồng hàng triệu người Mỹ gốc Việt luôn quan tâm hỗ trợ phát triển thương hiệu Việt ra thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải hoàn hảo cả chất lượng lẫn mẫu mã. Bởi vì, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm cao cấp chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Matt Priest - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ giày dép của Hoa Kỳ (FDRA) chia sẻ, thị trường Hoa Kỳ đang thay đổi rất nhanh cả về chuỗi cung ứng lẫn tâm lý người tiêu dùng. Người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn trước nhờ chính phủ cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên việc này không đồng nghĩa với việc dễ dàng tiếp nhận sản phẩm cần mua.

DN xuất khẩu cho rằng, Hoa Kỳ, một thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khó tính. Để có kim ngạch xuất khẩu cao vào thị trường này, DN phải hiểu rõ nhiều quy định khắt khe, nhất là những quy định về xuất xứ nguyên liệu. Về thực phẩm, khi vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chịu sự kiểm soát của nhiều quy định, đạo luật, như đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm, đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm... Ví dụ, đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm quy định, DN xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ. Theo quy định, cứ sau hai năm, DN xuất khẩu các nước phải đăng ký một lần để được cấp mã số kinh doanh. Vì thế, DN nên hợp tác với các công ty nhập khẩu của Hoa Kỳ để được hỗ trợ. Bên cạnh quy định hiện đại hóa an toàn thực phẩm, DN khẩu khẩu cần hiểu rõ cách phân loại thuế quan, các loại thuế nhập khẩu. Ông Herb Cochran - chuyên gia chương trình Tạo thuận lợi thương mại Amcham hướng dẫn: “DN các nước nói chung và Việt Nam nói riêng khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần lưu ý đến Đạo luật Thương mại 1974. Đạo luật này cho phép cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ được quyền đình chỉ các hiệp định thương mại ưu đãi. Thậm chí, có thể áp thuế nhập khẩu trong trường hợp thấy bất hợp lý hoặc cản trở thương mại của Hoa Kỳ”. Ông Herb Cochran cảnh báo, hiệu quả thương mại như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, vì đôi khi thỏa thuận thương mại chỉ mang tính tạm thời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoa Kỳ: Thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO