Hỗ trợ điện quang- bắt đầu từ đâu?

Ng. Loan| 19/05/2019 08:54

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn đang xây dựng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời. Đặc biệt, hướng đến các đối tượng khách hàng có nguồn thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận, sử dụng năng lượng tái tạo.

Hỗ trợ điện quang- bắt đầu từ đâu?

Chỉ riêng của khu vực miền Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện khảo sát vào năm 2018, kết quả cho thấy tiềm năng điện mặt trời áp mái ở khu vực này là ước đạt 6.700MW. Hiện nay đã có 3.074 khách hàng trên toàn quốc đã lắp đặt điện mặt trời. Trong đó, chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Công suất đã tải lên lưới của toàn bộ khách hàng chỉ đạt hơn 40MW, một con số rất nhỏ so với tiềm năng.

Để khuyến khích thị trường phát triển, EVN đang tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, trong đó hướng đến xin hỗ trợ các nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài thông qua Chính phủ, Bộ Công thương để cho phép tập đoàn triển khai thực hiện.  Hiện EVN đang phối hợp Ngân hàng Tái thiết Đức triển khai dự án với nguồn vốn trị giá 14 triệu euro. Nếu được tiếp cận nguồn vốn này, EVN sẽ thực hiện giảm 2 triệu đồng đối với các dự án đầu tư điện mặt trời, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu cho các hộ gia đình.

Ông Trần Viết Nguyên, phó trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết có một giải pháp khác để sử dụng điện mặt trời là cho bên thứ 3 vào đầu tư. Khi khách hàng có diện tích mái nhà lớn, có thể cho các nhà đầu tư, các ngân hàng thuê mặt bằng để đầu tư pin mặt trời trên mái để bán lại cho khách hàng.  Bên cạnh lợi ích không phải bỏ chi phí đầu tư, hình thức này cũng mang lại lợi ích cho các khách hàng là làm giảm nhiệt cho mái, giảm sử dụng các thiết bị điều hòa.

Những tháng gần đây lượng điện năng tiêu thụ của đối tượng khách hàng sinh hoạt tăng rất là cao, do đó, nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là nguồn năng lượng dồi dào, mang lại lợi ích cho cả hộ gia đình lẫn quốc gia. 

Bên cạnh đó, EVN cũng đang nghiên cứu để triển khai giải pháp cung cấp dịch vụ năng lượng như dịch vụ lắp đặt điện mặt trời áp mái cho khách hàng. Với mô hình này, ông Nguyên cho biết khách hàng không phải bỏ chi phí đầu tư, nguồn vốn sẽ do EVN đứng ra thu xếp với các công ty tài chính hoặc do khách hàng đàm phán với các công ty tài chính và EVN sẽ là cầu nối để đầu tư cho khách hàng. 

Hiện EVN đang nghiên cứu, cố gắng đẩy nhanh tiến độ để sớm thực hiện một trong các giải pháp trên ngay trong năm 2019 này.

Gía mua bán điện cũng là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm.  Hiện nay, mức giá bán điện đang là 9,35cent/kwh. Theo quyết định của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án điện mặt trời để hòa lưới điện có ngày vận hành trước 30/6 trong vòng 20 năm, với giá mua ưu đãi. Thời điểm ngày 30/6 sắp đến gần, đây là lúc mà các nhà đầu tư đang chạy “nước rút” cho kịp tiến độ hòa lưới, nhất là các dự án tại khu vực Ninh Thuận.

Vậy sau ngày 30/6 thì điện mặt trời có còn được ưu đãi nữa hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN khẳng định, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư để các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và  sẽ báo cáo lên Bộ Công thương và Chính phủ để duy trì cơ chế ưu đãi về giá là giữ mức 9,35cent/kWh sau thời điểm đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ điện quang- bắt đầu từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO