Hồ sơ Panama và xu thế kinh doanh toàn cầu

LS. NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch LP Group| 03/06/2016 08:30

Việc Hồ sơ Panama nhắc đến một số doanh nhân Việt khiến họ bị nghi ngờ vi phạm về thuế hay đầu ra nước ngoài. Về mặt pháp lý, dư luận họ trốn thuế liệu có đúng?

Hồ sơ Panama và xu thế kinh doanh toàn cầu

Đầu tư ra nước ngoài và kinh doanh ở nước ngoài của doanh nhân Việt Nam ngày càng tăng. Việc Hồ sơ Panama nhắc đến một số doanh nhân Việt khiến họ bị nghi ngờ vi phạm về thuế hay đầu tư ra nước ngoài. Về mặt pháp lý, dư luận họ trốn thuế liệu có đúng?  

Đọc E-paper

Hồ sơ Panama

Thông tin dư luận có nguồn gốc từ công bố của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), được thành lập bởi một nhà báo Mỹ, tạo nên một mạng lưới toàn cầu, chuyên thực hiện các phóng sự điều tra chuyên sâu. Các thông tin được công bố này không phải là bằng chứng thuyết phục để kết luận các doanh nhân có tên trong Hồ sơ Panama vi phạm pháp luật.

Hồ sơ Panama tiết lộ về các giao dịch tài chính ngầm ở nước ngoài, và điều làm người ta quan tâm là các giao dịch này được thực hiện tại "thiên đường thuế” Panama, nên từ đó không tránh khỏi có những đánh giá sai lệch.

Trước hết, chỉ có thể hiểu rằng các doanh nhân Việt có tên trong "Hồ sơ Panama" có tiến hành hoạt động đầu tư, chuyển tiền hoặc đứng tên cho một doanh nghiệp có đăng ký tại các nước này.

Các vấn đề pháp lý liên quan dư luận đang đặt ra như chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp, hoạt động trốn thuế, rửa tiền hay giao dịch quốc tế bất hợp pháp, tất cả chỉ là phỏng đoán.

Giả định rằng, theo hồ sơ được công bố, việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài và thành lập doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề sở hữu tài chính, họ có thể đóng vai trò là cá nhân góp vốn hoặc cá nhân quản lý. Theo đó, việc tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối là quyền để được đầu tư ra nước ngoài cần được các nhà đầu tư đảm bảo. Với các doanh nhân có tiềm lực tài chính, việc đáp ứng các thủ tục đó không quá khó khi chắc chắn các cố vấn luật pháp sẽ tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục để đáp ứng theo quy định nhằm tránh rủi ro pháp lý.

Mô hình đầu tư "offshore" và "thiên đường thuế”

Mô hình đầu tư theo hình thức công ty "offshore" (tạm dịch "công ty ngoài khơi" hay "công ty ở bên ngoài") khá phổ biến trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu. Cá nhân, tổ chức thành lập một công ty có trụ sở đặt tại các quốc gia có chính sách ưu đãi hoặc miễn thuế để thực hiện mục đích đầu tư và kinh doanh trong các danh mục đầu tư mong muốn.

Kể cả với các ngân hàng đầu tư, tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư hay thậm chí các cá nhân am hiểu luật lệ cũng dùng phương cách này để đầu tư vào các mục tiêu cụ thể, cho một hoặc nhiều giao dịch. Thuật ngữ chuyên ngành gọi các công ty như vậy là các "Special Purpose Vehicle" hay "Special Purpose Entity", hiểu hôm na là công ty phục vụ mục đích đặc biệt (gọi chung là SPV).

Các SPV có quốc tịch từ các "thiên đường thuế” không chỉ có mức thuế suất thấp, thậm chí bằng 0%, mà còn có nhiều lợi ích khác của một công cụ đầu tư theo đúng nghĩa của nó. Thành lập doanh nghiệp nhanh, chi phí thấp, không cần chứng minh năng lực tài chính, báo cáo đơn giản... là những ưu điểm của các "thiên đường thuế” mà các nhà đầu tư khai thác trong môi trường kinh doanh toàn cầu như hiện nay. Với mục đích cao nhất của nhà đầu tư là tối đa hóa lợi nhuận thì các SPV và "thiên đường thuế” chính là trợ thủ đắc lực.

Cuộc chơi toàn cầu của doanh nhân

DN có quyền lựa chọn quốc gia để kinh doanh, khởi nghiệp, tự do lựa chọn "miền đất hứa" cho mình. Pháp luật Việt Nam không có điều khoản cấm hay hạn chế hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư phải chứng minh các điều kiện và thông qua các chấp thuận cần thiết về vốn dự án, tài chính đầu tư về giải trình dự án để được chấp thuận đầu tư.

Cách thức đầu tư và kinh doanh theo mô hình đầu tư "offshore" sẽ là một lựa chọn trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đó là chưa kể việc một công dân có hai quốc tịch không quá khó, họ có thể dùng quốc tịch phù hợp với từng hoạt động đầu tư để thực hiện mục tiêu đầu tư hoặc kinh doanh.

Vậy trước khi doanh nhân quyết định đầu tư và kinh doanh, bên cạnh việc xác định thị trường thì việc xem xét các chính sách đầu tư của các quốc gia, chính sách thuế và ưu đãi tài chính liên quan cũng như thời gian thực hiện các thủ tục hành chính là những vấn đề họ sẽ cân nhắc.

Ở góc nhìn thị trường, trong môi trường kinh doanh toàn cầu khi các nhà đầu tư và doanh nhân đã am hiểu luật lệ, cùng với sự hậu thuẫn của các nhà tư vấn luật thì các chính phủ buộc phải lựa chọn hoặc sẽ bị thất thoát tài sản (đặc biệt là thuế, tài sản trí tuệ và con người) hoặc điều chỉnh chính sách phù hợp thay vì quản lý chặt chẽ.

Các cơ quan chức năng lên tiếng về việc điều tra các hành vi trốn thuế của những người có tên trong danh sách là việc phải làm, nhưng không nên là việc ưu tiên. Trong thời gian tới, tại Việt Nam, khi TPP được thực thi thì cơ chế kiện tụng trong đầu tư sẽ mang tính toàn cầu và các doanh nhân toàn cầu có thêm các lựa chọn trong việc bảo vệ quyền kinh doanh của mình.

Một khi chính sách chưa thật sự hoàn chỉnh thì các quốc gia cần linh hoạt thể hiện ưu điểm trong chính sách và thực thi chính sách để giữ chân nguồn tiền và các tài sản khác của quốc gia mình.

>3 xu hướng kinh doanh mới giúp tăng trưởng ngành logistics

>Từ vụ Hồ sơ Panama: Lách thuế, trốn thuế, và ranh giới mong manh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồ sơ Panama và xu thế kinh doanh toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO