Hấp dẫn Big C

HỒNG NGA| 08/03/2016 09:28

Cuộc đua giành quyền sở hữu Big C Việt Nam đang ngày càng quyết liệt khi có đến 5 nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cùng đặt vấn đề mua.

Hấp dẫn Big C

Cuộc đua giành quyền sở hữu Big C Việt Nam đang ngày càng quyết liệt khi có đến 5 nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cùng đặt vấn đề mua. Thương vụ này sẽ đóng thầu vào ngày 10/3 tới và chưa biết Big C Việt Nam sẽ vào tay NĐT nào nhưng sự tham gia của các "ông lớn bán lẻ” đã chứng tỏ sức hút của thương hiệu Pháp cũng như ngành bán lẻ Việt Nam.

Đọc E-paper

Lực hút từ Big C

Thông tin từ Tập đoàn Casino, sau hơn 2 tháng rao bán, đã có ít nhất 5 "đại gia bán lẻ” đặt vấn đề mua lại Big C Việt Nam. Đó là TCC Group (Thái Lan), Central Group (Thái Lan), Lotte Shopping (Hàn Quốc), Dairy Farm (Singapore), Aeon (Nhật Bản).

Big C có điều gì mà hấp dẫn các NDT nước ngoài như thế? Phải chăng đây là cuộc chạy đua để giành vị trí bán lẻ số 1 tại thị trường Việt Nam?

Nếu xét về thương hiệu, Big C là đơn vị có mặt tại Việt Nam khá sớm (siêu thị đầu tiên đặt tại Đồng Nai năm 1998), trước rất nhiều NĐT như Lotte, Aeon, Central Group, Dairy Farm... Xét về số lượng thì hiện nay, Big C là đơn vị sở hữu mạng lưới các điểm bán lẻ đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau Co.opmart) với 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi C Express tại TP.HCM và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.

Hơn nữa, các điểm bán của Big C mặc dù phải thuê hoặc hợp tác với các DN Việt Nam nhưng thời hạn dài, lại ở những vị trí đắc địa nên rất xứng đáng để NĐT bỏ tiền mua. Một lợi thế khác của Big C là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với hơn 50 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó có 2,8 triệu khách hàng thành viên. Đây là "tài sản" rất lớn mà bất cứ nhà bán lẻ nào cũng muốn sở hữu.

Dù đánh giá thương hiệu Big C rất hấp dẫn nhưng các DN trong nước vẫn không tham gia cuộc đua giành quyền sở hữu thương hiệu này. Vì sao như vậy? Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng, không phải là Saigon Co.op không quan tâm mà vì "những hạn chế về luật và thủ tục quản lý nhà nước nên không thể chủ động tham gia M&A để tăng năng lực cạnh tranh.

Với thương vụ M&A của Big C Thái Lan, tổng thời gian từ lúc công ty mẹ công bố thông tin đến khi hệ thống này được bán chưa đến một tháng và đơn vị mua lại Big C Thái Lan chỉ cần có khoảng 10 ngày để quyết định. Chưa nói đến vốn, đầu tư ra ngoài của một đơn vị kinh tế hợp tác xã như Saigon Co.op không cho phép chúng tôi quyết định và hành động nhanh như vậy được", ông Diệp Dũng nói.

Thương vụ này sẽ được chốt thầu vào ngày 10/3. Việc NĐT nào sẽ sở hữu thương hiệu Big C Việt Nam sẽ được công bố trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, chia sẻ trên trang thông tin cá nhân, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng: "Tin ở phút 89,5 là bên cạnh việc mua Big C Thái Lan với giá gần 3,5 tỷ USD thì TCC Group đã chốt xong thương vụ mua Big C Việt Nam. Con số mua Big C Việt Nam ước tính 900 triệu USD, theo tỷ giá thị trường Thái Lan ngày 9/2".

Cũng theo bà Kim Hạnh, nếu cộng doanh số các mảng liên quan đến bán lẻ, phân phối của TCC và BJC (BJC là công ty con của TCC) trên thị trường Việt Nam thì mỗi năm doanh thu ước tính của DN này vào khoảng 33.000 tỷ đồng (1,6 tỷ USD). Nếu thâu tóm được Big C Việt Nam, đơn vị này sẽ trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam khi sở hữu nhiều mô hình kinh doanh từ bán sỉ, đại siêu thị, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tới bán lẻ truyền thống.

Tiếp tục đầu tư

Dù danh sách bỏ thầu sắp kết thúc và số phận Big C Việt Nam sẽ sớm được biết nhưng ngày 4/3, Big C Việt Nam đã phát đi thông cáo cho biết đang đàm phán với các cơ quan chức năng của Đà Nẵng để mở siêu thị mới. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Truyền thông Big C Việt Nam, cho biết, Big C đang tích cực làm việc với các cơ quan quản lý TP. Đà Nẵng, Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng để ra mắt siêu thị thứ 2 tại đây vào năm 2017.

Nếu kế hoạch được duyệt thì Big C Đà Nẵng sẽ là một khu mua sắm tích hợp giữa đại siêu thị và trung tâm thương mại, giải trí có quy mô khoảng 20.000m2, cung cấp hơn 50.000 mặt hàng, trong đó, có khoảng 95% là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tại trung tâm mới mở này sẽ có trung tâm ẩm thực, phòng tập thể dục và yoga, giải trí, cụm rạp chiếu phim, khu trò chơi...

Đánh giá của Big C cho rằng Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Khuynh hướng mua sắm ở Đà Nẵng đang chuyển dịch sang mô hình đại siêu thị, trung tâm mua sắm phức hợp có đầy đủ tiện ích và Big C đã thành công với điểm bán thứ nhất tại đây kể từ năm 2007.

Đại diện truyền thông của Big C từng cho rằng, việc Casino Group bán tài sản của Big C là bình thường vì thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Pháp. Và dù có đổi chủ hay không thì hoạt động của Big C cũng không bị ảnh hưởng. Chứng minh cho luận điểm này là việc tiếp tục mở những điểm bán mới như Big C Việt Nam công bố và đây cũng là lợi thế giúp Big C Việt Nam hút NĐT.

Theo số liệu của Euro Monitor, năm ngoái, doanh thu của Big C vào khoảng 546 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng). Chính vì vậy, việc thâu tóm chuỗi Big C sẽ giúp NĐT tiết kiệm rất nhiều thời gian và kinh phí trong việc xây dựng và triển khai kinh doanh. Và điều quan trọng nhất là DN nào dẫn đầu thị trường sẽ có quyền lực nhất trong nhiều vấn đề, đặc biệt là khâu thương lượng với nhà cung cấp hàng hóa để có giá bán tốt nhất, cạnh tranh nhất.

Hiện tại, tuy Big C đứng sau Co.opmart về số điểm bán nhưng lại có lượng lớn nhà cung cấp hàng hóa giá tốt giúp định hình thương hiệu "giá rẻ cho mọi nhà” trong tâm trí khách hàng. Theo Kantar Worldpanel, một bộ phận nghiên cứu hành vi tiêu dùng tại Việt Nam của Công ty Taylor Nelson Sofres Vietnam Pte., Ltd thì "Big C là nhà bán lẻ có giá tốt nhất và nhiều khuyến mãi nhất trong 5 năm liên tiếp".

Nếu nhận định của bà Kim Hạnh là chính xác thì khi sở hữu được chuỗi Big C Việt Nam, TCC sẽ trở thành áp lực lớn không chỉ của các DN trong nước mà cả của NĐT nước ngoài.

Bởi, ngay như thương hiệu được xếp vị trí hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Co.opmart (có đến 80 siêu thị Co.opmart, có 2 đại siêu thị Co.opXtra, 1 trung tâm thương mại SC VivoCity, 96 cửa hàng Co.opFood và gần 200 cửa hàng Co.op) nhưng doanh thu chỉ mới đạt khoảng 26.000 tỷ đồng trong năm 2015. Trong khi đó, khi TCC mua được Big C thì doanh thu của thương hiệu này sẽ đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.

>Big C Việt Nam: Cuộc đua thâu tóm giữa các đại gia ngoại

>Reuters: Big C Việt Nam "hút" nhiều đại gia bán lẻ thế giới

>Big C kích hoạt "cuộc chiến" giá rẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hấp dẫn Big C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO