Hàng Việt đẩy mạnh phân phối ở siêu thị ngoại

THANH NGÂN| 31/07/2014 05:00

Khi áp lực về thị trường Trung Quốc đang là mối lo thì nguồn tiêu thụ từ các kênh siêu thị nước ngoài là cơ hội lớn đối với nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Hàng Việt đẩy mạnh phân phối ở siêu thị ngoại

Khi áp lực về thị trường Trung Quốc đang là mối lo thì nguồn tiêu thụ từ các kênh siêu thị nước ngoài là cơ hội.

Đọc E-paper

Ông Lê Ngọc Trung, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Công Thương tại triển lãm - truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam - Hàn Quốc”

Bán hàng kép

Chương trình triển lãm - truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam - Hàn Quốc” với sự tham gia của gần 100 DN các ngành thủy hải sản, nông sản, dệt may... đang diễn ra đồng loạt tại hệ thống siêu thị Lotte Mart ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Ông Hong Won Sil, Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, cho biết, trong 10 ngày triển lãm (từ 25/7 - 3/8), chương trình đã giới thiệu những thương hiệu Việt Nam xuất sắc tới người tiêu dùng đồng thời mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc cho DN Việt.

> TPP: Mở cửa lớn vào siêu thị Mỹ

> Chiến lược đại siêu thị của Co.op mart

> Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini khởi sắc

> Tìm đường vào siêu thị Nhật

> Làm sao có “giấy thông hành”vào siêu thị Mỹ?

> Hàng Việt ở siêu thị nước ngoài

Sau triển lãm, những sản phẩm này sẽ có cơ hội đưa vào 109 siêu thị Lotte Mart tại Hàn Quốc. Trước Lotte Mart, trung tuần tháng 6, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart) đã tổ chức một hội chợ với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo, hoa quả, mì tôm, hải sản và thực phẩm chế biến đồng loạt tại 270 đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi của NTUC Fairprice - tập đoàn bán lẻ
hàng đầu của Singapore.

Đây là một phần trong hợp tác tổng thể giữa NTUC Fairprice và Saigon Co.op nhằm tìm kiếm và giới thiệu thêm các sản phẩm chất lượng cao vào
thị trường Singapore. Bán hàng cho các siêu thị, các DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2013, hệ thống siêu thị Big C đã xuất khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam trị giá 20 triệu USD sang các chi nhánh của Tập đoàn Casino trên thế giới. Trong đó, các mặt hàng dệt may, nội thất tre, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, trái cây... được tiêu thụ mạnh. Riêng mặt hàng thanh long có sản lượng xuất khẩu tăng gấp đôi so với năm 2012, với 160 container (3.000 tấn) với trị giá 2,4 triệu USD.

Metro Việt Nam đã hợp tác với các công ty của Việt Nam đưa hàng vào hệ thống Metro trên toàn thế giới. Chỉ riêng mặt hàng nông sản, trong năm 2013, đơn vị này đã mua trực tiếp từ các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với tổng trị giá hơn 6 triệu USD. Năm qua, Saigon Co.op cũng nỗ lực để đưa các mặt hàng thực phẩm công nghệ như trà, cà phê, trái cây sấy... sang Singapore thông qua hệ thống bán lẻ lớn nhất nước này là Fairprice.

Tập đoàn AEON Nhật Bản, tuy mới “góp mặt” vào thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng đã xuất khẩu được 60 triệu USD hàng Việt (gồm dệt may,
da giày, thực phẩm...) sang Nhật. Chưa dừng lại ở những con số trên, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang gia tăng sản lượng nhập khẩu hàng
Việt Nam. Cụ thể, trong kế hoạch năm 2014, Văn phòng Thu mua Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Metro dự kiến sẽ nhập khoảng 12 triệu euro hàng nông sản (gấp đôi năm 2013) và 28 triệu euro hàng phi thực phẩm từ Việt Nam.

Số lượng hàng này sẽ được tiêu thụ ở 747 trung tâm Metro tại 29 quốc gia trên thế giới. Cũng như Metro, NTUC Fairprice đang tăng lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Tan Kian Chew, Giám đốc điều hành nhóm hệ thống siêu thị NTUC Fairprice Singapore, cho biết: “Các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở Singapore.

Mỗi năm chúng tôi nhập khẩu từ Việt Nam 350 container gạo, 120 container thanh long và thủy hải sản, nông sản chế biến... với hơn 400 mặt hàng. Vì sự quan tâm ngày càng cao của khách hàng đối với sản phẩm Việt Nam nên chúng tôi đang tính đến việc mở rộng chủng loại hàng hóa”.

Tăng cường quảng bá


Xuất khẩu hàng hóa thông qua siêu thị đang được xem là kênh hiệu quả nhất hiện nay. Bởi, xuất qua kênh này, hàng của DN tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng mà không phải qua khâu trung gian. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trường Vụ Thị trường Châu Âu - Bộ Công Thương, cho rằng, việc kết hợp với các hệ thống phân phối không những giúp DN Việt Nam tiết kiệm được chi phí quảng bá sản phẩm mà còn tiếp cận và nắm bắt hành vi tiêu dùng, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng các nước.

Lợi thế từ kênh bán hàng này khiến các cơ quan nhà nước và DN đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Hai năm nay, Bộ Công Thương (Bộ) đã kết hợp với các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức quảng bá, xúc tiến đưa hàng Việt vào các siêu thị lớn. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với Metro tổ chức “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” nhằm đưa hàng hóa Việt Nam đến trực tiếp với người tiêu dùng châu Âu.

Chương trình nằm trong đề án cấp chính phủ của Việt Nam để quảng bá hàng Việt ra thị trường châu Âu, giúp DN giới thiệu hàng hóa và bán trực
tiếp siêu thị. Theo đánh giá của Metro, mỗi khi tổ chức những ngày hội sản phẩm Việt Nam tại Đức thông qua hệ thống của tập đoàn này, mức độ hưởng ứng của người tiêu dùng Đức rất tốt, đặc biệt là với thực phẩm.

Ngoài chương trình quảng bá ở nước ngoài, ông Michael Wiedmann, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách công Tập đoàn Metro, cho biết, Metro đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng xây dựng những trung tâm mua hàng tại nhiều địa phương để cung ứng hàng hóa đảm bảo chất lượng cho Metro phân phối trong nước cũng như xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

“Nhiều hàng hóa Việt Nam như cá tra, cá basa sẽ khẳng định vị thế trên thị trường Đức và châu Âu”, ông Michael Wiedmann cho biết. Trong khi đó, Big C Việt Nam tổ chức hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại cho hàng Việt như “Big C cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho hàng nội”,
các chuỗi hội thảo kết nối với nhà sản xuất trong nước...

Tại Pháp, chương trình quảng bá thương hiệu Việt cấp quốc gia cũng được Big C tổ chức nhiều năm nay. Theo ông Đặng Hoàng Hải, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng lâu nay các DN chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu trung gian trong khi siêu thị, một trong những kênh phân phối hiệu quả nhất cho các nhà sản xuất lại chưa được chú ý.

Vì thế, tiếp cận hệ thống siêu thị là hướng xuất khẩu mới được Bộ đặc biệt chú trọng. Thành công khi kết hợp với Metro và Big C đưa hàng qua châu Âu, Bộ đang tính toán để mở rộng hoạt động này với các chuỗi siêu thị bán lẻ khác. Và như vậy, Bộ hy vọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam theo hướng mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt đẩy mạnh phân phối ở siêu thị ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO