Hàng tồn kho: Ám ảnh giảm phát

HỒNG NGA| 27/06/2012 09:08

Người tiêu dùng ngày càng cắt giảm mạnh chi tiêu, làm tăng thêm nỗi lo hàng tồn kho đối với nhiều doanh nghiệp.

Hàng tồn kho: Ám ảnh giảm phát

Người tiêu dùng ngày càng cắt giảm mạnh chi tiêu, làm tăng thêm nỗi lo hàng tồn kho đối với nhiều doanh nghiệp (DN).

Đọc E-paper

Liên Thành khá thành công trong việc đẩy hàng vào chợ

Đẩy hàng vào chợ



Theo chuyên gia thị trường Hồ Minh Chính, trong thời buổi khó khăn hiện nay, chợ truyền thống vẫn là kênh bán hàng hiệu quả nhất cho DN. Ngoài ưu thế về số lượng, ở chợ, phương thức truyền miệng tỏ ra rất hữu dụng, là hình thức quảng cáo không tốn tiền cho DN.

Hơn nữa, quầy kệ ở chợ có sẵn và không tốn tiền thuê nên DN không tốn nhiều chi phí. Lợi thế của chợ là tiếp thị rất dễ vì tiểu thương và Ban quản lý chợ luôn chào đón hàng hóa của DN. Hơn nữa, tiểu thương rất có uy tín với người tiêu dùng.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng, kênh phân phối hiện đại chỉ chiếm 18% thị phần của ngành bán lẻ, phần còn lại là kênh bán hàng truyền thống, các thị trường vùng sâu, vùng xa.

Lâu nay, các DN chủ yếu khai thác thị trường thành thị, là những thị trường lớn, chứ ít đầu tư cho thị trường nông thôn và các chợ truyền thống. Trong khi đây lại là kênh bán hàng giúp DN tăng doanh thu và đẩy mạnh lượng hàng tồn.

Bên cạnh việc đưa hàng vào chợ, ông Mười cũng khuyên nên thành lập các điểm bán “cận chợ”. Chợ tồn tại nhưng sẽ thay đổi theo hướng hiện đại hơn, nên DN phải thay đổi để phù hợp với tình hình thị trường. Bên cạnh các sạp chợ, DN cũng nên đầu tư cho các tiệm tạp hóa - kênh bán hàng sẽ phát triển trong tương lai.

Liên kết với cửa hàng

Theo bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Liên Thành, không có công thức chung cho tất cả các DN. Mỗi DN tùy vào nguồn lực và ngân sách có thể chọn phương thức bán hàng phù hợp.

Cách làm của Liên Thành là kết hợp giữa bán hàng và sản xuất sản phẩm mới. Theo khảo sát của Liên Thành, trước đây, rất ít người tiêu dùng và tiểu thương ở chợ biết đến thương hiệu của công ty.

Muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế khó khăn, không gì khác hơn là phải tìm mọi cách để người tiêu dùng biết đến. Chính vì vậy, năm 2011, Liên Thành quyết định mở chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm.

Bên cạnh đó, Công ty cũng kết hợp với các cửa hàng tạp hóa mở “gian hàng ở cửa tiệm”. Để có hệ thống nhận diện thương hiệu tại các cửa hàng này, Liên Thành chấp nhận chia sẻ chi phí mặt bằng, tăng chiết khấu cho người bán hàng. Hình thức này được đẩy mạnh triển khai với tiêu chí “mở tới đâu quản tới đó”.

Cùng với phát triển hệ thống phân phối riêng, Liên Thành cũng tăng cường đưa hàng đến các chợ truyền thống. Song song với việc mở rộng mạng lưới, Liên Thành còn nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Ba sản phẩm công ty đưa ra gần đây, gồm: nước mắm cốt nhỉ tự nhiên, nước mắm chay và nước mắm bổ sung sắt, đang rất được người tiêu dùng ưa thích.

Bà Hoàng Mai cho biết, nhờ cách làm này mà 6 tháng đầu năm 2012, trong khi rất nhiều DN gặp khó khăn thì Liên Thành vẫn tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (Namilux) cũng đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối. Ấp ủ hình thức tạo những “kệ hàng Namilux” trong các cửa hàng từ năm 2009 nhưng mãi đến năm 2011, Công ty mới triển khai. Bỏ ra 5 tỷ đồng, Namilux đã trang bị 1.000 bộ kệ trưng bày hàng cho 1.000 cửa hàng trong cả nước.

Ban đầu, Công ty gặp khó khăn vì nhiều khách hàng cho rằng làm như vậy sẽ chiếm nhiều diện tích, khó vệ sinh. Thế nhưng, sau khi công ty triển khai tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây thì số lượng cửa hàng đăng ký được trang bị kệ Namilux vượt nhu cầu của công ty. Doanh số bán hàng tăng nhanh và các sản phẩm mới bán mạnh hơn cả những sản phẩm cũ.

Sau một năm triển khai, ngoài doanh số tăng, mối quan hệ, sự gắn kết của cửa hàng, đại lý với công ty cũng khăng khít hơn. Thành công từ chương trình này, tháng 5 vừa qua, Công ty tiếp tục triển khai 1.000 kệ hàng lần thứ hai.

Mở kênh phân phối mới

Do sản phẩm là hàng thời trang, nên cách đẩy mạnh bán hàng của Công ty Nguyên Tâm (Foci) có khác. Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, cách Foci áp dụng để đối phó với tình hình hàng tồn là phát triển bán hàng trực tuyến. Hình thức kinh doanh này giúp công ty giải quyết được bài toán chi phí mặt bằng - vấn đề gây đau đầu đối với các công ty kinh doanh thời trang.

Cùng với triển khai bán hàng trực tuyến, Foci đẩy mạnh hình thức bán hàng thông qua đại lý; đưa hàng vào các cửa hàng khác bên cạnh hệ thống các cửa hàng riêng của công ty. Nhờ những hình thức này nên năm 2011, dù doanh số bán hàng của công ty giảm từ 30-50% nhưng bù lại, sản phẩm phủ dày hơn.

Ở một góc độ khác, ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Casumina, cho rằng, trong thời điểm này, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các DN là làm sao để bán được hàng. Muốn vậy, DN phải sản xuất ra sản phẩm có sức cạnh tranh, đồng thời phải tổ chức và điều hành tốt hệ thống phân phối.

Ông Trí hiến kế, các DN nhỏ có thể tận dụng hệ thống sẵn có của DN lớn để bán hàng. Nắm giữ 30% thị phần của thị trường vỏ xe nên công ty ông sẵn sàng hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh ngành dầu nhớt, ruột xe đưa hàng vào hệ thống phân phối của mình. “Làm như vậy không chỉ tạo cơ hội cho DN nhỏ bán hàng, mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh, sức mạnh tổng lực của các bên liên kết”, ông Trí nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng tồn kho: Ám ảnh giảm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO