Góp gạo thổi cơm chung

KHẢI LY| 18/08/2010 05:16

Con đường di sản văn hóa Đông Dương - một điểm đến ba quốc gia” với nhiều sáng kiến mới đã mang lại nhiều hiệu quả cho du lịch các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Góp gạo thổi cơm chung

Bối cảnh phát triển kinh tế du lịch có khá nhiều thay đổi, nếu trước đây các nước luôn so sánh để cạnh tranh nhau về điểm đến trong khu vực, thì hiện nay trong ASEAN đang có xu hướng mới. Các nước đưa ra những chương trình hợp tác để biến ASEAN thành một điểm đến không biên giới, hay nói cách khác là du lịch Đông Dương sẽ trở thành một thương hiệu chung.

“Con đường di sản văn hóa Đông Dương - một điểm đến ba quốc gia” với nhiều sáng kiến mới đã mang lại nhiều hiệu quả cho du lịch các nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Trên tuyến đường này, các di sản văn hóa đã trở thành hạt nhân cho việc phát triển du lịch trong mỗi vùng.

Một cây làm chẳng nên non

Hợp tác làm chính mình mạnh lên

Rất nhiều hãng lữ hành đã thiết kế tour dựa trên trục đường Huế - Hội An - Mỹ Sơn - Kon Tum - Dăk Lăk - Champasak - Luang Prabang - Siem Reap.

Tour Caravan 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia - Ảnh Ánh Dương

Trong xu thế thuận lợi của hội nhập với các chính sách cởi mở hơn, các nước láng giềng có nhiều điều kiện để nói đến chuyện góp gạo thổi cơm chung, xây dựng một thương hiệu mới cho du lịch ba nước Đông Nam Á mang tên “Con đường di sản văn hóa Đông Dương - một điểm đến ba quốc gia” bằng những quyết tâm và sáng kiến mới.

Chính quyền các nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều xác định các di sản văn hóa được UNESCO công nhận đã trở thành hạt nhân cho việc phát triển du lịch trong mỗi vùng. Riêng Angkor mỗi năm đón gần 2 triệu lượt khách tham quan. Luang Prabang và các di sản khác đón 1,2 triệu lượt khách.

Và từ năm 2002, Con đường di sản văn hóa thế giới ở miền Trung đã thành một thương hiệu để các đơn vị làm tour khai thác ngày càng hiệu quả, thu hút khoảng 5,2 triệu khách, trong đó có hơn 2 triệu khách quốc tế.

Trong những năm gần đây, các nước thuộc vùng Đông Dương đều có những bước tiến vượt bậc. Chính phủ Campuchia thực hiện một dự án 3 triệu USD để bảo vệ khu vực quanh Angko Wat, quy hoạch xây dựng hàng trăm khách sạn ở Siem Reap, nơi có di sản, nhưng không khách sạn nào vượt quá ba tầng. Tại Lào, giao thông đến các khu vực có di sản Cánh đồng chum, cố đô Luang Prabang đã khá hiện đại.

Riêng Con đường di sản văn hóa thế giới miền Trung Việt Nam, nhiều khu vực đã biến thành những thương hiệu du lịch nổi tiếng. Các địa phương cũng đang từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các bãi biển Đà Nẵng, Hội An, Lăng Cô... đã chật kín các dự án phục vụ du lịch cao cấp.

Hệ thống sân bay, cảng biển cũng được đầu tư nâng cấp trở thành những trạm trung chuyển lớn, như sân bay Chu Lai, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, Kỳ Hà, Chân Mây, là địa chỉ cập bến của nhiều chuyến tàu du lịch quốc tế. Các lễ hội văn hóa như Festival Huế, Đêm rằm phố cổ, Ấn tượng Mỹ Sơn, Huyền thoại Phong Nha - Kẻ Bàng, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, tăng sức hút cho thương hiệu con đường di sản.

Các làng nghề truyền thống nằm trên con đường di sản cũng đã được khảo sát đầu tư, phục hồi để đưa vào khai thác du lịch, như làng gốm Phước Tích, mây tre Phò Trạch, đúc đồng Huế, Phước Kiều, đá mỹ nghệ Non Nước, làng rau Trà Quế, làng lụa Mã Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà..., tạo nên nét phong phú đa dạng trong sản phẩm du lịch trên con đường di sản.

Các dự án đường bộ xuyên Đông Dương đã và đang hoàn thiện nối mạng khắp các vùng có tiềm năng phát triển như hành lang kinh tế Đông Tây 1 và 2. Tại Diễn đàn Du lịch các nước ASEAN mới đây tổ chức tại Đà Nẵng, các nước đưa ra những chương trình hợp tác để biến ASEAN thành một điểm đến không biên giới rất đáng quan tâm.

Trong đó, các nghị định về hợp tác hàng không, bãi bỏ thị thực nhập cảnh là những vấn đề quan trọng. Tinh thần mới về hợp tác cùng phát triển được các doanh nghiệp du lịch hồ hởi đón nhận.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phân tích: “Chúng ta phải coi tình hình chính trị Thái Lan bất ổn ảnh hưởng đến du lịch toàn vùng, đặc biệt là Việt Nam. Du khách khi muốn đến ASEAN thường chọn một điểm đến nổi tiếng là Thái Lan hoặc Malaysia, và thêm điểm thứ hai là Việt Nam hoặc Campuchia.

Gần đây, các tổ chức du lịch thế giới còn đưa ra nhận định là du khách quốc tế đang đổ xô vào tham quan Angkor Wat và tương lai du lịch của Campuchia có thể nhanh chóng vượt qua Việt Nam. Như vậy, thay vì “đấu” với đối thủ cũ Thái Lan, “lo” về đối thủ cạnh tranh mới Campuchia, chúng ta hãy liên kết phát triển một không gian du lịch toàn Đông Dương, xây dựng nó thành một thương hiệu du lịch lớn mạnh bên cạnh Thái Lan. Sự hợp tác sẽ làm cho du lịch Việt Nam lớn mạnh, hình ảnh Việt Nam thật sự giá trị trong mắt du khách”.

Đường bộ, đường thủy hay hàng không?

Chị G. Emilya, một nhà báo Nga đã thực hiện hành trình Đông Dương bắt đầu từ Hà Nội, nhận xét, thực sự chưa có con đường xuyên Đông Dương nào được hoàn thiện và làm hài lòng du khách. Đi lại bằng máy bay ở khu vực này quá đắt đỏ so với nhiều nơi tương tự trên thế giới. Ví dụ: bay một chiều từ Hà Nội đến cố đô Luang Prabang mất từ 100 - 150USD. Từ TP.HCM đi Siem Reap là 168USD, trong khi đó, từ Bangkok đi TP.HCM vé khứ hồi chỉ tốn 150USD.

Nhà báo này đành chọn đường bộ, đi tàu hỏa vào Hà Tĩnh, qua cửa khẩu Cầu Treo nhập cảnh Lào. Chuyên viết về du lịch cho các tạp chí xuất bản tại Nga, chị G. Emilya nói:

“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về Đông Dương và có ý định viết về du lịch vùng này, nhưng ngoài phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và những di sản văn hóa, các bạn chưa có tư duy quy hoạch phát triển tổng thể du lịch ra ngoài biên giới. Tôi buộc phải có những khuyến cáo với du khách vấn đề di chuyển và những chi phí đắt đỏ. Chỉ cần dịch vụ có chênh lệch 50USD so với nước khác là sức cạnh tranh đã giảm”.

Chọn hướng khai thác ưu tiên nào? Tổng cục Du lịch Việt Nam phân tích bức tranh phát triển du lịch giữa ba nước phải rất đồng bộ, cùng lúc khai thác cả du lịch đường bộ, caravan trên hành lang kinh tế Đông Tây lẫn đường thủy phát huy lợi thế sông Mê Kông đưa khách vào sâu vùng Tây Nam bộ và phát triển mạng lưới hàng không xuyên qua các vùng có di sản văn hóa thế giới. Du lịch theo đường bộ phải phát triển trước.

Tổng cục Du lịch đang nỗ lực kiến nghị Chính phủ nâng cấp các cửa khẩu giáp với các nước láng giềng, chấn chỉnh thái độ của hải quan trong phục vụ phát triển du lịch, có dự án mở hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ với Lào và Campuchia, đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở dịch vụ, khách sạn cao cấp.

Dịch vụ trên đường bộ rất quan trọng. Trong khi miền Trung đã có những khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, khu hội nghị quốc tế, sân golf rất cao cấp, thì những dịch vụ tương tự ở Campuchia và Lào còn quá kém. Tại Campuchia phí tham quan hầu hết đều đắt. Du khách quốc tế cũng băn khoăn trước việc nhập cảnh mỗi nước đều phải trả lệ phí thị thực cao, việc miễn phí nay mới chỉ áp dụng với khách nội vùng ASEAN.

Cách đây ba năm, tại Hội An, các địa phương có Di sản văn hóa thế giới ở ba nước đã ký cam kết về hợp tác du lịch giữa các địa phương có di sản văn hóa thế giới. Đồng thời tích cực tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, lưu trú, vận chuyển, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của khu vực với nguyên tắc phát triển hài hòa với việc bảo tồn các di sản và môi trường thiên nhiên.

Tuy nhiên, để biến Đông Dương thành một thương hiệu du lịch không biên giới còn rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề nguồn nhân lực chất lượng thấp luôn là một thảm họa gây mất uy tín về dịch vụ, làm du khách quốc tế nản lòng.

Những tour xuyên Đông Dương đang thu hút khách

Hành trình khởi hành từ Huế hoặc Quảng Nam, qua cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đến Champasak (Lào) ghé thăm di sản văn hóa thế giới Watphu rồi đến Bangkok (Thái Lan) tham quan hoàng cung, chùa Vàng. Sau đó theo đường bộ về Siem Reap (Campuchia) thăm kỳ quan Angkor Wat, về thủ đô Phnom Penh tham quan cầu cổ Kompongkdey, hoàng cung, chùa Bạc và về TP.HCM qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Hành trình khởi hành từ Vinh vào tham quan Huế, qua cửa khẩu Lao Bảo hoặc Cầu Treo rồi qua Lào tham quan Vientiane, Luang Prabang, Uon Thani và chuyển sang máy bay đi Siem Reap.

Nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng, sau khi tham quan Huế, Hội An sẽ đi máy bay đến TP.HCM, tiếp tục chuyển sang đường bộ nhập cảnh Campuchia ở cửa khẩu Mộc Bài để đi tham quan thủ đô PhnomPenh và Angkor Wat. Từ Siem Reap du khách sẽ đi máy bay đến Luang Prabang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Góp gạo thổi cơm chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO