Gỗ Việt mãi chưa lớn

THANH HƯƠNG/NCĐT| 18/08/2014 08:42

Đầu năm 2014, công ty Cổ phần Mỹ Thuật Gia Long đã phải di dời nhà máy từ TP. HCM xuống Bình Dương vì đơn hàng xuất khẩu tăng cao trong khi nhà máy hiện tại lại không đáp ứng được công suất.

Gỗ Việt mãi chưa lớn

Đầu năm 2014, công ty Cổ phần Mỹ Thuật Gia Long đã phải di dời nhà máy từ TP. HCM xuống Bình Dương vì đơn hàng xuất khẩu tăng cao trong khi nhà máy hiện tại lại không đáp ứng được công suất. Theo ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty, không chỉ riêng Gia Long mà hầu hết các công ty gỗ lớn và nhỏ của Việt Nam cũng đều phải tăng công suất thiết kế do đơn hàng tăng cao.

6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tăng16%.
Gia Long dù là công ty nhỏ nhưng lại có một hướng đi khá khác biệt. Trong lúc các doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mới chỉ dừng lại ở gia công theo đơn đặt hàng là chủ yếu, thì Gia Long đã khá ổn định với những đơn hàng do chính Công ty thiết kế mẫu mã. Năm ngoái, mẫu sản phẩm trái cherry đỏ do Gia Long tự thiết kế đã mang về nhiều đơn hàng xuất khẩu cho Công ty.

“Giá trị thiết kế sáng tạo gần như còn rất mới mẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt thực hiện được nhưng lợi nhuận rất cao”, ông Tiến chia sẻ.

Từ câu chuyện của Gia Long, có thể nhìn thấy ngay những điểm yếu của doanh nghiệp ngành gỗ Việt.

6 tháng đầu năm 2014, trong khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tăng16% thì Trung Quốc chỉ tăng được 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều đơn hàng của Trung Quốc cũng đang dịch chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn còn bị hạn chế bởi quy mô nhỏ.

Hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó chỉ có 16% là doanh nghiệp FDI nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của họ lại chiếm đến 50%.

Sự khác biệt thấy rõ giữa doanh nghiệp FDI và các công ty nội chính là ở quy mô sản xuất. Nếu doanh nghiệp gỗ của Việt Nam có hơn 300 công nhân là đã được xếp vào dạng lớn, thì các doanh nghiệp FDI đều có từ 1.000-2.000 công nhân. Vì vậy, khả năng sản xuất của khối ngoại cũng rất lớn.

Cộng đồng các doanh nghiệp gỗ Việt đến nay vẫn chưa quên được bài học từ IKEA. Tập đoàn nội thất nổi tiếng của Bắc Âu này từng đến Việt Nam tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác với các công ty sản xuất gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ Việt lại không thể đáp ứng được số lượng sản phẩm như IKEA yêu cầu nên sau đó, tập đoàn này đã phải tìm nguồn cung từ các doanh nghiệp FDI và nhà cung ứng từ một số thị trường khác. Thậm chí, một số doanh nghiệp Việt sau thời gian đầu tư trang thiết bị để sản xuất theo chuẩn của IKEA cũng phải ngưng lại do không đủ năng lực để cung cấp với số lượng cực lớn. Có thể nói, quy mô chính là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt Nam; và cũng là lý do khiến doanh nghiệp Việt chưa phát huy hết thế mạnh.

Ngoài quy mô, thiếu hụt vốn cũng là một trở ngại khác đang kìm chân doanh nghiệp gỗ nội.

Tại Việt Nam, nếu nói đến doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn là khá hiếm hoi. Có thể kể đến Gỗ Trường Thành, Gỗ Đức Thành hay Minh Phát, nhưng nếu so về vốn thì nhóm này vẫn thua xa các doanh nghiệp FDI.

Trong các công ty gỗ Việt, doanh nghiệp lớn là những đơn vị có vốn trên 100 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 1,2%. Các doanh nghiệp vừa có vốn từ 20-100 tỉ đồng chiếm 5,5%, còn những doanh nghiệp nhỏ vốn dưới 20 tỉ đồng chiếm tỉ lệ tới 93,3%. Nếu so với quy mô 2.000 lao động và vốn đầu tư vài chục triệu USD của doanh nghiệp ngoại thì khối nội là quá nhỏ. Đây sẽ là một bất lợi cho doanh nghiệp Việt khi thị trường gỗ đang tăng trưởng.

Thiếu vốn cũng khiến cho doanh nghiệp nội vuột mất cơ hội mở rộng. Ví dụ như vừa qua, nhiều doanh nghiệp gỗ ở Ý (quốc gia có kim ngạch xuất khẩu gỗ cao hơn Việt Nam) do gặp khó khăn đã tìm cách bán lại công ty và dây chuyền sản xuất hiện đại với giá chỉ còn phân nửa so với mua mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không có đủ chi phí để nhập khẩu những máy móc này để mở rộng sản xuất.

“Việt Nam là nước đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu gỗ với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, nhưng đa số các doanh nghiệp với quy mô nhỏ vẫn chỉ dừng lại ở gia công, nên lợi nhuận chỉ khoảng 4-5%”, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ðiều hành Công ty Scansia Pacific, cho hay.

Theo ông Thắng, trung bình tiêu thụ đồ gỗ thế giới 300-500 tỉ USD/năm nhưng Việt Nam mới chỉ đóng góp khoảng 1,2% trong số đó, tương đương 5,7 tỉ USD trong năm 2013. Cơ hội cho Việt Nam còn rất lớn nhưng nếu không chuẩn bị thì các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục nắm giữ được sản lượng tăng trưởng này.

“Hãy nhìn sang các nước từng là đối thủ cạnh tranh về ngành gỗ với Việt Nam sẽ thấy rõ. Indonesia vốn được coi là đối thủ trực tiếp của Việt Nam, nay họ đã chấp nhận rằng không thể tiến xa hơn trong lĩnh vực này. Dù nước này đã đầu tư rất nhiều cho ngành gỗ từ mấy chục năm nay, trước cả Việt Nam, nhưng cũng không thành công. Chúng ta trong thời gian ngắn đã vượt lên”, ông Thắng chia sẻ.

Tương tự là Malaysia và Thái Lan cũng chấp nhận khó cạnh tranh với gỗ của Việt Nam. Thậm chí, những quốc gia có rừng vốn là thế mạnh đầu vào của ngành gỗ như ở châu Phi, Campuchia hay Lào đều đã phải đóng cửa nhiều nhà máy gỗ dù được đầu tư mạnh. Một số doanh nghiệp Indonesia từng bỏ ra 5-10 triệu USD đầu tư nhà máy, “copy” nguyên mô hình sản xuất của Ý về làm nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Theo ông Thắng, Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm làm gỗ từ Trung Quốc.

“Năng suất lao động của họ cao gấp đôi Việt Nam. Chẳng hạn, một container sản phẩm gỗ do doanh nghiệp Trung Quốc xuất sang Mỹ giá trị khoảng 15.000 đô Hồng Kông tốn khoảng 150 lao động, trong khi Việt Nam sẽ tốn khoảng 250 lao động”, đại diện Scansia Pacific giải thích.

Công nghệ chế biến gỗ của Trung Quốc cũng là một thế mạnh. Ví dụ, một nhà máy chỉ rộng hơn 2 ha, nhưng một tháng sản xuất ra 300 container gỗ. “Doanh nghiệp Việt Nam cố gắng lắm cũng chỉ mới làm khoảng 50-60%”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, nếu như nhà máy Đài Loan sản xuất 60 container sản phẩm nội thất/ngày nhưng dự trữ nguyên liệu chỉ khoảng 2.000 m3, thì công ty Việt Nam phải dự trữ đến 8.000 m3 gỗ.

“Không thay đổi, ta sẽ khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại”, Giám đốc Ðiều hành Scansia Pacific nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỗ Việt mãi chưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO