Giao thương Việt - Ý: Liên kết, hợp tác là tối ưu

15/11/2013 00:48

Chủ tịch Phòng Thương mại Siena (Ý) cho rằng doanh nghiệp hai nước cần chuẩn bị tận dụng FTA để thúc đẩy phát triển thương mại.

Giao thương Việt - Ý: Liên kết, hợp tác là tối ưu

Xuất khẩu của Việt Nam sang Ý tăng trưởng mạnh với mức độ trung bình 15- 20% mỗi năm và liên tục duy trì vị trí xuất siêu. Trao đổi bên lề hội thảo “Tusnany - vùng đất của rượu vang” được tổ chức ở TP.HCM đầu tuần, ông Massimo Guasconi, Chủ tịch Phòng Thương mại Siena (Ý), cho rằng doanh nghiệp hai nước cần chuẩn bị tận dụng Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhiều khả năng sẽ được ký kết trong năm 2014, để thúc đẩy phát triển thương mại.

* Các doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU và giúp đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Ý trong thời gian tới thưa ông?

Ông Massimo Guasconi, Chủ tịch Phòng Thương mại Siena (Ý). Ành: BM

- Tôi cho rằng doanh nghiệp hai bên nên chủ động giao lưu, xúc tiến thương mại và tìm hiểu về thị trường của nhau để đẩy mạnh giao thương nhằm đón đầu FTA Việt Nam - EU vì thuế suất nhập khẩu của mặt hàng sẽ giảm mạnh khi hiệp định này có hiệu lực.

Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung rà soát lại những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của mình sang thị trường Ý, đâu là thế mạnh của những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ý. Khả năng thâm nhập thị trường Ý cũng như rào cản phi thuế quan mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa vào Ý. Khi những yếu tố này được chuẩn bị kỹ càng, hàng hóa Việt Nam được sản xuất đạt tiêu chuẩn của Ý đưa ra, doanh nghiệp trong nước sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Ý vốn đòi hỏi khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Theo ông, ở những ngành nghề, mặt hàng nào mà hai bên có thể hợp tác hiệu quả trong thời gian tới?

- Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Ý khá đa dạng và các mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng nông sản hai bên có thể hợp tác bổ sung cho nhau. Đa phần các mặt hàng nông sản của Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Ý ở dạng sản phẩm thô. Các công ty Ý khi nhập khẩu các mặt hàng nông sản thô của Việt Nam như cà phê, tiêu đều phải qua công đoạn chế biến sâu tạo ra thành phẩm mới được đưa ra tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nếu hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp Ý có thế mạnh về công nghệ, các công ty của Việt Nam lợi thế về vùng nguyên liệu sẽ là sự bổ sung hiệu quả cho nhau.

Ý có thế mạnh về công nghệ, các công ty của Việt Nam lợi thế về vùng nguyên liệu - sẽ là sự bổ sung hiệu quả cho nhau

Ngược lại những sản phẩm thực phẩm đặc thù của chúng tôi như bánh pizza, rượu vang… cũng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam chọn. Mặc dù mới thâm nhập thị trường Việt Nam gần đây, nhưng rượu vang Ý xuất khẩu sang Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã ở mức 884.000 euro, tăng 417.000 euro so với cùng kỳ năm trước. Như ở trên tôi đã đề cập, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, theo lộ trình giảm thuế, nếu tận dụng tốt, cơ hội xuất khẩu sẽ mở rộng ra với các doanh nghiệp hai nước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch để thúc đẩy giao thương giữa hai bên.

* Ông có thể thông tin cụ thể hơn những chương trình này trong thời gian tới?

- Chúng tôi đã ký kết hợp tác với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) để thường xuyên giới thiệu và giao lưu ẩm thực, văn hóa giữa hai bên cũng như sẽ giới thiệu các sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. Thông qua những buổi giao lưu này, doanh nghiệp giữa hai bên sẽ có cơ hội giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, tìm hiểu thông tin và hợp tác phát triển thương mại, đầu tư, du lịch.

Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam tổ chức thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia cũng như sẽ sớm tiến đến việc tìm đại sứ ẩm thực Ý tại Việt Nam.

* Theo ông, ở lĩnh vực phát triển du lịch, Việt Nam làm thế nào để thu hút du khách Ý đến Việt Nam?

- Việt Nam là điểm đến mà du khách Ý ưa thích, rất tiếc là công tác quảng bá du lịch Việt Nam ở Ý vẫn chưa được tốt. Các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường quảng bá và xúc tiến nhiều hơn hình ảnh của Việt Nam cũng như những điểm đến quan trọng, đặc sắc mà Việt Nam có thế mạnh.

Theo tôi, cách làm tốt và hiệu quả nhất vẫn là liên kết với những công ty du lịch ở Ý để đưa khách đến Việt Nam. Nếu tìm được đối tác tốt, cũng tạo được sự tin tưởng, thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Ý sẽ giúp doanh nghiệp du lịch trong nước tiết kiệm được chi phí quảng bá và số lượng khách Ý đến Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Theo số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ý những mặt hàng gồm điện thoại các loại và linh kiện; giày dép, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm, cà phê… Trong đó, chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với trên 578,3 triệu đô la Mỹ, tăng 119,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng giày dép các loại ở vị trí thứ thứ 2 với trị giá đạt trên 131 triệu đô la Mỹ, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ý trong 7 tháng đầu năm là cà phê với kim ngạch đạt 115,8 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với mức tăng 7,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 43,1%; sắt thép các loại tăng 9,5%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 51,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 39,5%…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao thương Việt - Ý: Liên kết, hợp tác là tối ưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO