Gian nan tìm tên cho vang Việt

LỮ Ý NHI| 27/05/2015 08:30

Mức tiêu thụ vang trung bình ở Việt Nam mới khoảng 250 ml/người/năm đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất rượu vang made in Việt Nam. Tuy nhiên, giữa bạt ngàn vang nhập khẩu từ Pháp, Ý, Chilê, Mỹ, Úc, vang Việt trở nên lạc lõng. Càng khó khăn hơn khi Vang Việt phải đối đầu với bài toán về vùng nguyên liệu, công nghệ, chính sách...

Gian nan tìm tên cho vang Việt

Mức tiêu thụ vang trung bình ở Việt Nam mới khoảng 250 ml/người/năm đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất rượu vang made in VietNam. Tuy nhiên, giữa bạt ngàn vang nhập khẩu từ Pháp, Ý, Chilê, Mỹ, Úc, vang Việt trở nên lạc lõng. Càng khó khăn hơn khi Vang Việt phải đối đầu với bài toán về vùng nguyên liệu, công nghệ, chính sách...

Đọc E-paper

Tự chọn cửa khó

Đã gặp khó do sản xuất ở quy mô nhỏ, không chủ động được nguồn nguyên liệu, vang nội còn gặp cản trở về phân phối.

Được kế thừa trên nền tảng xưởng rượu Lafaro của người Pháp, nhưng mãi đến năm 1999, thương hiệu Vang Đà Lạt mới chính thức ra mắt thị trường. Đại diện Ban lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofood-thương hiệu Vang Đà Lạt) cho biết, sản xuất và xây dựng thương hiệu cho vang Việt Nam rất khó khăn.

Bởi vì, Việt Nam không phải đất nước có truyền thống sản xuất rượu vang, không có lợi thế về nguồn nguyên liệu và người Việt vẫn thích uống bia hơn rượu vang. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, chỉ cần khác giống nho thì chất rượu vang cũng đã khác.

Song, hiện nay hầu như các DN sản xuất rượu vang đều không chủ động được nguồn nguyên liệu, chủ yếu mua qua các hộ nông dân nhỏ lẻ nên năng suất thấp, phương pháp trồng nho trên giàn khiến nho không ngọt, dễ bị sâu bệnh, chưa kể các giống nho cũng không phải loại chuyên dùng cho sản xuất vang.

Để khắc phục khó khăn này, từ năm 2012, Vang Đà Lạt đã nhập giống nho mới và thuê chuyên gia nước ngoài hướng nông dân trồng nho theo phương pháp mới là trồng trên cọc giúp nho hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, phải mất 2 năm, Công ty mới chọn ra được giống nho phù hợp.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa tin Vang Đà Lạt có thể sản xuất những loại vang cao cấp nên sản phẩm của Công ty tiêu thụ khó hơn so với vang ngoại nhập.

rượu vang việt nam doanhnhansaigon

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Rượu Bia Đà Lạt (Dalat Beco), do giống nho nhập từ năm 1930 chủ yếu để ăn trái, không có màu đặc trưng của rượu vang, không có vị chát và vị thơm giống như dòng sản phẩm chuyên để làm rượu vang.

Từ năm 2008, Công ty đã liên doanh với một đơn vị của Pháp thành lập một nông trường nho tại Tà Nung, cách Đà Lạt 17km. Công ty thuê đất, trồng được 17ha ba giống nho Sirad, Caberne, Melot từ Pháp với hy vọng có nguồn nho Pháp và công nghệ Pháp để sản xuất rượu vang tại Việt Nam.

Nhưng khó khăn hiện nay là trái nho có độ chín không đều nên chưa đưa vào sản xuất. Cũng theo ông Dũng, rượu vang mang tính thời vụ rất cao, khoảng 60% doanh thu trong cả năm tập trung vào quý IV nên vào thời điểm này, áp lực rất lớn về nhân công và kho chứa.

Khi được hỏi về tình hình sản xuất vang nho, bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, chia sẻ ngắn gọn: "Khó!". Bà nói: "Khi chọn làm rượu vang, tôi háo hức lắm vì cho rằng nguyên liệu tại Đà Lạt dồi dào. Tuy nhiên, khi bắt tay sản xuất mới thấy cực kỳ khó, đòi hỏi nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, công nghệ cũng như chi phí đầu tư rất lớn. Chẳng hạn, đầu tư một bồn inox chứa 30.000 lít rượu đã mấy trăm triệu đồng, chưa kể máy dán nhãn rượu, máy chiết rót tự động cũng phải nhập từ châu Âu".

rượu vang việt nam doanhnhansaigon

Để có nguyên liệu, Vĩnh Tiến nhập 3.000 cây nho của Ý về trồng, nhưng khí hậu, thổ nhưỡng ở Đà Lạt không phù hợp nên không thể thu hoạch như mong muốn. Do đó, Công ty phải dùng nho Phan Rang kết hợp với dâu tằm Đà Lạt để sản xuất. Đã vậy khi ra thị trường, liên tục nhận được phàn nàn của khách hàng, lúc thì vị còn hơi chua, hoặc chát quá, hơi đậm quá...

"Càng làm càng vỡ ra nhiều cái khó, cứ phải nỗ nực nghiên cứu, tìm tòi ra giải pháp để cải tiến cho phù hợp với sở thích của người tiêu dùng", bà Huệ cho biết.

Đến thời điểm này, vang của Vĩnh Tiến đã có chỗ đứng trên thị trường với các loại vang đỏ, vang trắng, vang ngọt, vang nho, vang Syraz, vang Sauvignon..., chiếm trên 20% thị phần nội địa.

Tuy nhiên, bà Huệ vẫn cho rằng, sản xuất vang ngày càng khó do nhiều quy định khe khắt hơn, ngành thuế xếp vang là nước uống có cồn nên phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 25%, bên cạnh đó quy định dán tem cũng làm đội thêm chi phí nên khó cạnh tranh, chưa kể việc bắt buộc thông tin trên bao bì quy định quá chi tiết cũng làm cho nhãn mác không đẹp. Khi sản phẩm ra thị trường, ngay cả các cửa hàng phân phối cũng phải đủ điều kiện mới được bán rượu vang...

>>Kỳ vọng đưa vang vào bữa cơm gia đình Việt

Bước chạy đà

Dù vang Việt Nam chưa đủ sức chi phối thị trường nhưng với doanh thu khá ổn định và có tiềm năng phát triển, nên cuộc đua mở rộng của các công ty sản xuất vang Việt đang diễn ra khá quyết liệt.

Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Pháp tại Việt Nam, hiện Việt Nam đang là một trong những thị trường rượu vang tăng trưởng cao nhất châu Á, dự báo tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm là 10% đến năm 2016. Trước tiềm năng này, đã có một nhà sản xuất Pháp (VMVASIA) trồng nhiều loại nho ở Đà Lạt để xem loại nào phù hợp nhất, có hương vị ngon nhất.

Hiện tại đã có hơn 25 ha nho kết trái, dự kiến sẽ chiết xuất loại rượu vang đỏ trứ danh của nước Pháp tại Việt Nam. Hiện nay thị phần của vang Pháp tại Việt Nam là khoảng 17%, chưa kể được nhập thông qua các con đường khác như từ Singapore, Malaysia...

>>Thị trường vang Pháp “dậy sóng”

Với thương hiệu lâu năm, Vang Đà Lạt cũng đang là đích nhắm góp vốn của nhiều DN. Tuần qua, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Vang Đà Lạt, một kết quả khá thú vị khi Công ty Elmic đã giành được quyền kiểm soát tại DN này.

Trước đó, cổ đông lớn nhất của Vang Đà Lạt là Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTN), cũng có kế hoạch phát hành hơn 75 triệu cổ phần, giá trị khoảng hơn 750 tỷ đồng, trong đó có khoản đầu tư 43 tỷ đồng vào Vang Đà Lạt. Tuy nhiên, kế hoạch thâu tóm Vang Đà Lạt của GTN đã thất bại.

Với mục tiêu năm 2015 đạt doanh thu 460 tỷ đồng, lợi nhuận của Ladofood dự kiến đạt 28 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 38% so với 2014. Theo ông Đỗ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT Ladofood, đồng thời là đại diện pháp luật của Công ty CP Elmich, Công ty tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu, công nghệ, hệ thống phân phối và quản trị.

Cụ thể, tiếp tục đầu tư mở rộng vùng trồng nho trong nước từ 15 ha lên 30 ha và đầu tư thêm vùng nguyên liệu trồng nho ở nước ngoài. Trước đó, năm 2014, doanh thu của Vang Đà Lạt tăng trưởng gần 20%, đạt 389 tỷ đồng, nhưng Công ty đã chấp nhận giảm lợi nhuận hơn 10% để tập trung mở rộng mạng lưới bán hàng.

>>Nho: “Mật ngọt của thượng giới”

25%

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kể từ năm 2004 đến nay, rượu vang nhập khẩu đã tăng khoảng 25%/năm. Trong đó, Pháp dẫn đầu trong các quốc gia cung cấp rượu vang tại thị trường Việt Nam, kế đến là Chile, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ...

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã đầu tư vùng nguyên liệu, tăng chi phí thuê chuyên gia về thay đổi quy trình sản xuất. Chẳng hạn, kỹ thuật ủ rượu theo phương pháp truyền thống của Pháp sẽ không ngon, nay Công ty cập nhật nhiều kỹ thuật mới, tuy tốn rất nhiều công và chi phí lớn nhưng chất lượng tăng gần gấp đôi.

Giám đốc Marketing của Dalat Beco cũng cho biết, thị phần rượu vang của Dalat Beco tăng trưởng tương đối cao. Trong vòng 7 năm qua, mức độ tăng trưởng bình quân của Dalat Beco đạt 30%/năm, riêng năm 2014, mức tăng trưởng đạt 50%. Công ty đã xây thêm một nhà xưởng mới nâng tổng diện tích nhà máy lên 5.000m2.

Hiện Dalat Beco có khoảng 40 nhãn hiệu hàng hóa khác nhau, tự tin xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản Hàn Quốc, Nigeria và Thụy Sĩ. Các loại rượu vang của Dalat Beco trái cây có sẵn trong nước như trái nho của vùng Ninh Thuận và trái dâu tằm, sản lượng sản xuất của Công ty đạt khoảng trên 2,5 triệu lít/năm các loại sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, toàn bộ vỏ chai được Dalat Beco nhập khẩu từ Malaysia, mỗi năm nhập trên 1 triệu vỏ chai với chi phí 8 tỷ đồng, nút chai và màng co được nhập từ Bồ Đào Nha khoảng 2 triệu sản phẩm/năm hết 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dalat Beco cũng chủ động vùng nguyên liệu để sản xuất rượu vang, bởi nguyên liệu quyết định 80% chất lượng sản phẩm. Bên cạnh vùng nguyên liệu ở Tà Nung. Dalat Beco đã xây dựng vùng nguyên liệu 10 ha giống nho Pháp chuyên để làm rượu vang tại Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận).

Dù thâm niên ít hơn Dalat Beco và Vang Đà Lạt, nhưng bà Huệ cũng lạc quan cho biết, vang Vĩnh Tiến hiện đang tiêu thụ khá tốt tại các tỉnh - thành nhờ các chính sách khuyến mãi, thay đổi mẫu mã và liên tục cải tiến chất lượng và nghiên cứu nhiều loại vang mới để tạo thói quen dùng vang cho người Việt.

Lách ngách hẹp

Len lỏi vào thị trường vang và mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, một số DN đã chọn hướng đi riêng: sản xuất vang bằng các loại trái cây vốn là thế mạnh của Việt Nam như thanh long, mơ...

Với nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào, cộng với thực tế một số công ty nhập khẩu cũng đang bán rất chạy rượu vang mơ tại Việt Nam nên đã có một số cơ sở, DN sản xuất vang mơ. Tuy nhiên, chất lượng chưa cao nên chưa được bán rộng rãi trên thị trường. Cũng có một số DN sản xuất vang theo phương pháp hỗn hợp trái cây nhưng sản lượng vẫn còn thấp do dân sành uống vang ít đón nhận.

Năm 2011, với số vốn 2 tỷ đồng, ông Trần Quốc Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long, cũng bắt tay vào sản xuất vang từ trái thanh long và... đã trải qua hàng trăm lần thất bại.

Mãi cuối năm 2014, mẻ vang thanh long đầu tiên mới ra thị trường với gần 8.000 lít và tín hiệu vui khi có một DN Úc đặt vấn đề nhập rượu vang Thanh Long, nhưng yêu cầu cần đến hơn 1 triệu lít/năm và phải hạ độ cồn về khoảng 5 - 6 độ.

12 triệu lít

Theo thống kê của Hiệp hội Rượu Bia và Nước giải khát Việt Nam, hiện cả nước có 15 DN sản xuất và đóng chai vang với sản lượng mỗi năm khoảng 12 - 13 triệu lít. Thị trường vang Việt Nam còn có sự góp mặt của các thương hiệu vang nổi tiếng của Ý, Pháp, Chilê, Úc...

Thực tế, do thiếu vốn nên dù công suất thiết kế lên đến 40.000 lít/năm, tương đương lượng thanh long nguyên liệu khoảng 200 tấn, nhưng Thanh Long mới chỉ sản xuất được chưa tới 10.000 lít/năm, giá bán cũng chỉ ở mức 80.000 đồng/chai nửa lít, trong khi đó 5kg thanh long mới cho ra được 1 lít rượu. Chưa kể giá nút chai phải mua 4.000 đồng, vỏ chai hơn 10.000 đồng nên lợi nhuận không đáng kể.

Ông Dương Tấn Thống, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Hồng cũng từng làm nước trái cây từ trái thanh long, đặc biệt hạt thanh long còn có nhiều chất có lợi cho sức khỏe như chất chống ung thư, omega 3... Dù ra nước ngoài tìm hiểu công nghệ sản xuất vang thanh long nhưng khi tung sản phẩm ra thị trường, ông cũng không tránh khỏi khó khăn.

>>Thị trường giải khát: "Cửa mở" cho nước trái cây

"Bởi người thích vang thì lại chọn vang Chi Lê, Ý..., còn vang thanh long thì không mấy người mặn mà, chưa kể khâu sản xuất cũng rất gian truân. Đơn cử, do thanh long có nhiều cenlulo nên việc lắng cặn rất khó, cần đầu tư nhiều thiết bị chuyên dùng hơn, hay chỉ cần nhiệt độ không phù hợp, lượng đường, men, thời gian ủ rượu hoặc trái thanh long dùng để chế biến bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hoặc có lẫn bụi bẩn là cả mẻ rượu đó sẽ phải đổ bỏ. Ông Thống kể cũng đã từng phải đổ hàng ngàn lít vang bị hư.

Dù khó khăn nhưng cả ông Trọng và ông Thống đều rất lạc quan khi chọn con đường ra sản phẩm ngách này. Đặc biệt, cho đến thời điểm này, nhiều khách hàng nước ngoài đã chấp nhận và hài lòng với vang thanh long. Để đi đường dài, ông Thống đã đầu tư 20ha vùng nguyên liệu chuyên trồng thanh long ruột đỏ.

>>Việt Nam xuất khẩu thanh long sang New Zealand

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian nan tìm tên cho vang Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO