Gian nan mở chợ

VÂN KHÁNH| 20/05/2009 04:27

Từ năm 2004, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) đã khuyến khích các DN chuyển từ sản xuất gia công sang hình thức FOB. Vitas và Hiệp hội Da giày VN vẫn luôn nêu lên sự cần thiết phải có các trung tâm giao dịch, cung cấp nguyên phụ liệu (NPL) cho ngành dệt may và da giày để giúp DN có thể chủ động thực hiện đơn hàng FOB.

Gian nan mở chợ

Từ năm 2004, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) đã khuyến khích các DN chuyển từ sản xuất gia công sang hình thức FOB. Vitas và Hiệp hội Da giày VN vẫn luôn nêu lên sự cần thiết phải có các trung tâm giao dịch, cung cấp nguyên phụ liệu (NPL) cho ngành dệt may và da giày để giúp DN có thể chủ động thực hiện đơn hàng FOB.

Chợ đã mở

Kho nội địa trong trung tâm Liên Anh

Tại buổi tọa đàm “Công nghiệp Dệt may VN trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu” diễn ra vào tháng Tư vừa qua, bà Jocelyn Trần, phụ trách Ủy ban Dệt may thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM, nhấn mạnh: Ưu thế thị trường vẫn sẽ thuộc về các công ty có khả năng chào hàng FOB. Tuy nhiên, các DN sản xuất hàng gia công cũng có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh nếu chứng minh được với khách hàng rằng DN sử dụng NPL sản xuất trong nước hoặc NPL được cung cấp tại chỗ có chất lượng ngang bằng với NPL do khách hàng chỉ định nhập khẩu.

Tin tưởng tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan trở lại, được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Bình Dương, sau khi nghiên cứu sự thành công của các trung tâm NPL dệt may, da giày ở các nước, nhất là Trung Quốc, Công ty TNHH Liên Anh đã quyết định chọn huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương làm nơi đầu tư xây dựng Trung tâm NPL dệt may - da giày Liên Anh rộng 16ha, đã hoàn thành giai đoạn 1 trên diện tích 8,5ha, đưa vào hoạt động từ tháng 5/2009.

Những người tiên phong bao giờ cũng chấp nhận vất vả hơn khi chưa có một mô hình mẫu. Để duy trì hoạt động của Sanding TAM, ông Ngô Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết, thương nhân được miễn phí gian hàng. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Anh, cũng băn khoăn: “Mở chợ đã gian nan, làm cho nó hoạt động sung lên không phải dễ”. Bà đã chịu khó lặn lội đi giới thiệu về Trung tâm Liên Anh khắp nơi trong nước và nước ngoài để mau chóng lấp kín 650 gian (9m2/gian) trong chợ NPL.

Liên Anh còn đầu tư thêm khu nhà xưởng và ký túc xá (10.000m2); kho nội địa (9.000m2); kho ngoại quan (9.000m2); khu văn phòng làm việc và phòng hội nghị (4.500m2), tạo thành một trung tâm khép kín từ khâu nhập hàng, lưu trữ cho đến khâu phân phối, quảng bá sản phẩm, thuận lợi cho bên phân phối và bên tiêu thụ gặp nhau, hiểu yêu cầu của nhau. Cũng như Sanding TAM, Liên Anh khuyến mãi thuê mặt bằng trong hai năm đầu cho thương nhân để mọi người an tâm kinh doanh. Hiểu nỗi lo của DN, Bộ Công Thương và tỉnh Bình Dương đã ủng hộ Trung tâm Liên Anh tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế NPL - thời trang - máy móc ngành dệt may - da giày vào ngày 18/5/2009.

Kênh phân phối đã sẵn

Ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may và da giày của VN phát triển chậm. Những tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật thiết nghĩ đáng để các DN sản xuất NPL lưu tâm, mang đến hy vọng các trung tâm NPL sẽ phát huy vai trò đầu mối cung cấp.

Nhật là thị trường xuất khẩu duy nhất của ngành dệt may VN có tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2009, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2008, đạt mức 138 triệu USD. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật trong năm 2009 sẽ tăng 20% so với năm 2008. Với Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt - Nhật (VJEPA) đã được ký kết, mức thuế suất nhập khẩu hàng dệt may từ VN vào Nhật sẽ giảm từ mức 5 - 10% xuống còn 0%.

Hiện nay, do Nhật chưa có các hiệp định hợp tác song phương với Indonesia và Thái Lan (các nước có khả năng cung cấp nhiều NPL dệt may) như đã ký với VN, nên để hưởng được mức thuế hấp dẫn trên, DN phải cố gắng tìm NPL sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Nhật. Đây có thể xem là cơ hội cho các DN sản xuất vải và phụ liệu dệt may của VN. Trung tâm giao dịch NPL đã sẵn sàng sẽ thuận lợi cho DN phân phối.

Vitas sẽ hợp tác với các nước trong khối ASEAN, trong đó có các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan để chuẩn bị tận dụng ưu đãi khi các nước này ký hiệp định hợp tác song phương với Nhật. Khi ấy, các trung tâm NPL có cơ hội đón thêm các nhà cung cấp trong khu vực ASEAN.

Vốn đầu tư cho Trung tâm Liên Anh đến nay khoảng 100 tỷ đồng. Dẫu còn lắm gian nan để thực sự trở thành chợ đầu mối cung cấp NPL cho các DN dệt may và da giày, nhưng nếu không có những DN mạnh dạn làm như Công ty May Sài Gòn 2 hay Công ty Liên Anh thì ngành dệt may, da giày vẫn mãi bị động về NPL. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da - Giày TP.HCM:Sẽ thu hút các nhà phân phối nước ngoài

- Hiệp hội Da - Giày VN đang đề nghị Chính phủ quy hoạch sản xuất NPL tại VN. Từ khi xảy ra vụ việc Công ty Hào Dương (thuộc da) làm ô nhiễm sông Đồng Điền ở Nhà Bè, DN sản xuất NPL rất e ngại về môi trường nên không dám đầu tư sản xuất. Còn DN nước ngoài sẵn sàng đầu tư, cam kết không gây ô nhiễm môi trường nhưng không tìm được nơi để đầu tư. Bởi vì các tỉnh khi thấy giấy phép xin thành lập công ty sản xuất nguyên liệu da thì không cần coi hồ sơ, nói liền là không được. Vì vậy, ngành da giày khó lòng thoát khỏi cảnh gia công. Xem như bế tắc trừ khi Chính phủ là người đứng ra đầu tư các KCN sản xuất NPL, chịu trách nhiệm quản lý môi trường thì mới hy vọng. Trước mắt, trung tâm NPL trong nước sẽ thu hút các nhà phân phối NPL nước ngoài, cũng có thể giúp các công ty sản xuất da giày chủ động NPL khi cần.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn:Dễ giới thiệu với khách hàng

- Thị trường nào cũng có khả năng phát triển hàng FOB, nhưng nên bán trực tiếp cho các công ty thay vì qua trung gian. Một số vấn đề hạn chế các DN VN làm FOB là -thiếu người có khả năng thiết kế, phát triển mẫu từ hình vẽ ban đầu (ý tưởng) của khách hàng qua e-mail, thiếu nhân viên xúc tiến có kiến thức về NPL và khả năng giao tiếp ngoại ngữ; thiếu vốn để mua nguyên phụ liệu.

Các công ty hiện nay làm hàng FOB theo chỉ định nguyên liệu của khách hàng, nếu khách hàng không chỉ định thì DN tự phát triển nguồn cung ứng nhưng không dễ. Những trung tâm NPL trong nước rất quan trọng vì cần có nguồn cung ứng NPL tập trung, giá cạnh tranh, giúp DN không tốn phí tìm nguồn cung ứng, dễ giới thiệu với khách hàng. Hiện giờ, công ty chúng tôi sử dụng 50% nguyên liệu mua trong nước.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian nan mở chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO