Giảm thuế linh kiện ô tô có đủ sức "cởi trói" cho doanh nghiệp Việt?

NGUYỄN HÙNG| 01/09/2017 08:29

Người tiêu dùng có quá ít sự lựa chọn mẫu xe, qua đó có thể thấy dự thảo giảm thuế linh kiện ô tô chưa thể hiện tính "cởi trói" triệt để cho doanh nghiệp...

Giảm thuế linh kiện ô tô có đủ sức

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Công văn về chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022 (gọi tắt là Dự thảo) đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô để lắp ráp cho nhóm xe dưới 9 chỗ và xe tải từ 5 tấn trở xuống, theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018 - 2022. 

Đọc E-paper

Cụ thể, giảm thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14 - 16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ, giảm 1% với xe tải nhỏ có trọng lượng 5 tấn trở xuống; hoặc giảm thuế nhập khẩu của 19 dòng linh kiện (động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp) từ các mức 3%, 5%, 10%..., 50% về 0%.

Đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất. Đồng thời giảm thuế của 42 loại phụ kiện khác từ các mức 15%, 20% và 25% về 10%. Cách này giúp giảm thuế suất trung bình cả bộ linh kiện từ 14 - 16% như hiện nay xuống còn 9 - 11% với xe con và 7,9% với xe tải dưới 5 tấn.

Đây được xem là động thái tích cực dành cho doanh nghiệp (DN) lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước, khi lâu nay tồn tại nghịch lý thuế nhập khẩu linh kiện ô tô lại cao hơn so với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này chưa đủ để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô.

Hiện tại các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời từ nhiều nước. Mức thuế trung bình nếu tính theo cả bộ linh kiện với xe dưới 9 chỗ ngồi khoảng 14 - 18%, xe 10 chỗ trở lên khoảng 15 - 17%, xe tải, mức thuế trung bình khoảng 7 - 14%.

Theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu linh kiện sẽ giảm về 0% trong vòng 5 năm, từ 2018 - 2022 cho hai dòng xe con và xe tải nhỏ. Xe con gồm xe chở người dưới 9 chỗ, động cơ 2 lít trở xuống, tiêu thụ dưới 7 lít xăng/100km và xe tải nhỏ gồm xe tải có tổng trọng lượng 5 tấn trở xuống.

Có thể thấy việc đề xuất giảm thuế là nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về 0% không còn xa (năm 2018).

>>Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Doanh nghiệp cần thời gian thích ứng

Dự thảo cũng đưa ra điều kiện đi kèm với những điều khoản về tỷ lệ tăng trưởng, sản lượng xe, sản lượng mẫu xe đăng ký và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước. Cụ thể với xe dưới 9 chỗ trở xuống, DN phải đạt sản lượng chung tối thiểu với những loại xe trên trong năm 2018 là 34.000 xe và tăng khoảng 16% trong những năm tiếp theo, giai đoạn 2018 - 2022, sản lượng chung tối thiểu phải đạt 234.000 xe. 

Sản lượng tối thiểu một mẫu xe phải đạt 137.000 xe và tỷ lệ giá trị nội địa là 40%. Nếu căn cứ vào tình hình kinh doanh và sản xuất thực tế hiện nay thì chỉ có ba DN đáp ứng điều kiện này là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam. Như vậy người tiêu dùng có quá ít sự lựa chọn mẫu xe, qua đó có thể thấy Dự thảo chưa thể hiện tính "cởi trói" triệt để cho DN.

Mặt khác, đề xuất ưu đãi này dường như vẫn ép DN vì không áp dụng với loại linh kiện đã sản xuất được ở Việt Nam. Điều này là không hợp lý khi hiện nay các hãng sản xuất linh kiện phục vụ chủ yếu cho thương hiệu xe của hãng, và hầu như các hãng không thể dùng linh kiện của nhau được. Ví dụ, linh kiện A của Trường Hải cho xe Mazda, nhưng không đúng theo tiêu chuẩn của Hyundai nên buộc Hyundai phải nhập khẩu linh kiện. Song Hyundai lại không được hưởng mức thuế ưu đãi này vì linh kiện A được xem đã sản xuất ở Việt Nam.

Các quy định dự kiến trong Dự thảo vẫn chưa đủ tác động để thị trường phát triển. Trước hết Dự thảo không áp dụng mức thuế nhập khẩu linh kiện công bằng cho tất cả các hãng và các mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam. Khi thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0% thì thuế nhập linh kiện cũng phải về 0% thì mới đủ sức nâng sức cạnh tranh cho xe lắp rắp trong nước và nhập khẩu.

Một đại diện DN ngành ô tô cho biết, hiện nay chi phí sản xuất một mẫu xe ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực từ 15 - 20%. Nếu giảm thuế linh kiện về 0%, đồng thời xem lại thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước cho mẫu xe thì giá xe mới giảm sâu, đủ sức "đe đọa" xe nhập khẩu.

>>Năm 2016, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ về 0%?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thuế linh kiện ô tô có đủ sức "cởi trói" cho doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO