F&B: Dần lọt vào tay DN nước ngoài

LỮ Ý NHI| 27/11/2014 00:15

Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh, trong đó, những thương hiệu lớn nội địa đang dần lọt vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài dưới nhiều hình thức.

F&B: Dần lọt vào tay DN nước ngoài

Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh, trong đó, những thương hiệu lớn nội địa đang dần lọt vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài dưới nhiều hình thức.

Đọc E-paper

Thời điểm tốt để bán

Sau khi chiếm lĩnh thị trường thực phẩm, nước chấm, Masan đã đầu tư mạnh lĩnh vực đồ uống, bắt đầu từ thương vụ đầu tư nắm giữ 63,5% Nước khoáng Vĩnh Hảo, 53,2% Vinacafé Biên Hoà và sau đó là chi 252 tỷ đồng để mua Công ty CP Bia và Nước giải khát Phú Yên. Các thương vụ này đang mang lại cho Masan "trái ngọt" đầu tiên.

Theo báo cáo 9 tháng năm 2014, doanh thu của Masan Group đạt 10.833 tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2013. Sự tăng trưởng này có dấu ấn của Masan Consumer với những sản phẩm mới ra mắt trong các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống.

Theo đánh giá chung, F&B là thị trường cạnh tranh khá khắc nghiệt, nên một mặt các DN Việt Nam do thiếu nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, có nguy cơ thua lỗ trong 3 - 5 năm nữa, dẫn đến quyết định bán hoặc phải gia tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ. Trong khi đó, đây là một ngành có lợi nhuận ổn định và cao nên vẫn có sức hút đối với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Đó là lý do được nhiều nhà phân tích nhìn nhận trong thương vụ Tập đoàn Mondelez International (Mỹ), hiện đang có 2 sản phẩm được bán tại Việt Nam là bánh quy Orea và Ritz, đã mua 80% cổ phần tại Công ty CP Kinh Đô Bình Dương với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng).

Mức chi tiêu dành cho thực phẩm và đồ uống bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất, chỉ 201 USD/người (năm 2011).

Nhưng ước tính đến năm 2016, tổng chi tiêu của người tiêu dùng với thực phẩm và đồ uống sẽ tăng lên 25,2 tỷ USD so với mức 17,7 tỷ USD năm 2011.

Giải thích lý do chấp thuận hợp tác với Mondelez, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Công ty CP Kinh Đô, cho biết: "Kinh Đô định hướng 10 năm tới sẽ phát triển đa ngành nghề, đa sản phẩm. Kinh Đô sẽ tham gia vào những ngành có quy mô lớn và thiết yếu, nên việc chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez sẽ giúp Kinh Đô có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình. Bên cạnh đó, việc đầu tư này kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội phát triển mới cho các nhãn hiệu cùng đội ngũ nhân sự của Kinh Đô, cũng như bổ sung nguồn lực để đầu tư vào các nhãn hiệu được yêu thích của Kinh Đô bao gồm Cosy, Solite và AFC cho người tiêu dùng Việt Nam".

Theo Business Monitor International (BMI), kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo Việt Nam liên tục đạt 10%. Năm 2013, doanh thu của ngành này trên 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành (bao gồm cả chocolate) cũng chỉ có thể đạt từ 8 đến 10%.

Vì thế, Kinh Đô muốn có những đầu tư mới vào những ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cụ thể, Kinh Đô đang lên kế hoạch sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) từ 24% lên trên 51%.

Phía đối tác của Kinh Đô, ông Tim Cofer, Phó chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của Monelez International, chia sẻ: "KDC có 4 điểm hấp dẫn chúng tôi. Một là Kinh Đô sở hữu những nhãn hiệu lớn đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam.

Hai là Kinh Đô có nhà máy cả ở miền Nam và miền Bắc. Ba là Kinh Đô phát triển ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau, cả nông thôn và thành thị. Và bốn là Kinh Đô có bộ máy quản trị đầy năng lực và kinh nghiệm, có tầm nhìn tương đồng với Mondelez".

"Chọn thỏ, bỏ bò cạp"

Theo ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên viên tư vấn thương hiệu, sự dịch chuyển của thị trường F&B trong những năm gần đây bắt nguồn từ 3 yếu tố chính: Tính chất thiết yếu của hàng thực phẩm tiêu dùng giúp các DN trong nước vượt qua suy thoái và tăng trưởng tốt.

Các DN nước ngoài tìm thị trường mới để tăng trưởng và Việt Nam là một lựa chọn tốt vì tiềm năng của nền kinh tế mới nổi và dân số trẻ dồi dào. Người dân cởi mở với các mô hình bán lẻ hiện đại cũng là yếu tố quan trọng khiến thị trường F&B thu hút đầu tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, tham gia thị trường này cũng có không ít các DN "bỏ cuộc chơi" do không đủ sức cầm cự trong giai đoạn khó khăn, phần lớn DN Việt không đủ sức cạnh tranh với những DN nước ngoài, chưa thể hiện được sức cạnh tranh cũng như tăng trưởng chậm lại khi làn sóng các thương hiệu nước ngoài tăng mạnh.

Chẳng hạn, hai thương hiệu F&B nổi tiếng của Việt Nam cũng đang ngấp nghé rơi vào tay các DN nước ngoài là Bibica và Tribeco. Kể từ khi mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn chuyển sang cho Tribeco Bình Dương, công ty này cũng gần như biến mất trên thị trường.

Một số thương hiệu F&B nội địa tiếp tục các phương án mở rộng thị trường và giữ thế thủ. Chẳng hạn, Trung Nguyên cũng vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn Global Hotels Management LLC (GHM) để mở các chuỗi quán cà phê sang trọng và phân phối cà phê của Trung Nguyên tại Dubai và Ả rập thống nhất (UAE).

Ông Masood Hashim, Phó chủ tịch, Giám đốc Điều hành GHM, cho biết: "UEA là thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng tiêu thụ cà phê và trà cao, khoảng 85% suốt 3 năm qua, cao nhất trong khu vực. Ngoài việc mở những chuỗi quán cà phê Trung Nguyên tại Dubai cũng như khu vực UAE, GHM sẽ phân phối các loại cà phê cao cấp Weasel, Legendee và cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên tại thị trường này".

Từng kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B và hiện đang hợp tác với Tập đoàn Dole, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng, DN Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trong tương lai nếu không hợp tác với bên ngoài. Đơn cử, doanh số của Vinamit chỉ lên tới vài trăm tỷ đồng, nhưng nếu hợp tác, tham vọng vài tỷ USD cũng không phải là quá khó.

Hiện Dole chỉ bán chuối và mít, nhưng doanh số hằng năm đã lên tới 7 tỷ USD. "Tuy nhiên, hợp tác phải thủ thế. Vì thực tế cho thấy không ít DN F&B của Việt Nam khi hợp tác với nước ngoài đều bị thâu tóm. Làm thế nào để con thỏ cõng mình đi không bị biến thành con bò cạp quay lại cắn mình", ông Viên cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
F&B: Dần lọt vào tay DN nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO